Nhìn về tình thân trước “deadline” đời người

11/12/2020 - 08:30

PNO - Người ta quen gán “deadline” cho mọi giao ước trên đời, trừ việc yêu thương. Việc thăm nom gia đình thì không có “deadline” - là người ta nghĩ vậy.

Ngay khi thông tin nghệ sĩ (NS) Chí Tài nằm xuống, người ta lập tức nghĩ đến “Bé Heo”. Đó là biệt danh từng khiến công chúng xao xuyến của ca sĩ Phương Loan (vợ NS Chí Tài), được tiết lộ trong một chương trình truyền hình. 

Trong thời lượng ngắn ngủi đó, người ta còn biết đến một người chồng đã 30 năm hôn nhân vẫn dùng cái tên “Bé Heo” để gọi vợ, và biết cả hoàn cảnh xa cách của cặp vợ chồng “mãi mãi son trẻ” suốt hằng tháng trời, vì COVID-19. Biết vậy, nên khi anh nằm xuống, những người bàng hoàng vì mất mát sẽ thêm ngơ ngác khi nghĩ về một cuộc chia ly còn đang hẹn ngày về đó.

Chín tháng không thể gặp mặt vì COVID-19, Chí Tài ra đi, Phương Loan không thể ở cạnh, chăm lo hay thậm chí là chạm tay vào “chồng yêu” một lần - vì khoảng cách. Khoảng cách là nửa vòng trái đất, là đường bay một ngày một đêm. Khoảng cách là dịch bệnh, là sự khan hiếm chuyến bay.

Khoảng cách còn là những giới hạn nghiêm ngặt khắp thế giới vì COVID-19, là 14 ngày cách ly tập trung không có ngoại lệ. Tất cả điều đó bày ra trong cơn tha thiết gần gũi, trong nỗi bàng hoàng muốn xé toạc mọi giới hạn để có được một lần đến - gần trong cái tận cùng của tình nghĩa ruột rà.

Làm sao để Phương Loan có thể nhìn mặt chồng lần cuối, hay ít nhất là được dự đám tang chồng? Câu hỏi đó, thời may, đã được giải đáp vào chiều 9/12. Các NS thân thiết sẽ lo liệu để đưa NS Chí Tài sang Mỹ theo tâm nguyện của vợ anh. Công chúng thở phào. Dù không dễ dàng, nhưng đó là cách khả dĩ nhất để người ta được gặp nhau trong nghĩa tận đời người.

Nhưng, chuyện buồn của gia đình nam NS vẫn khiến công chúng bàng hoàng. Trong cái mất mát là một niềm vỡ lẽ sâu kín về nhân sinh, cụ thể là cái thảng thốt khi phải “xét lại” quan niệm về tình thân. Xưa nay, thế giới đều tin rằng mỗi người luôn có một nơi để có thể trở về vô điều kiện. Đó là nơi luôn rộng cửa đón đợi. Thậm chí, người ta còn an ủi nhau rằng “khi mỏi gối chồn chân còn có chỗ để trở về”. Nơi đó là gia đình. Vị trí bất biến mà mỗi người có trong đời, là vị trí bên cạnh người thân. Chính vì tâm lý này, người ta dễ trở nên chủ quan, bê trễ, và giáng cấp ưu tiên với những gặp gỡ gia đình. Hội ngộ gia đình thường sẽ không được ưu tiên bằng một cuộc hẹn công việc, bạn bè. Bởi, “gia đình không gặp thì còn đó”.

COn đường cuối cùng của đời người là con đường về với người thân - Ảnh minh họa
Con đường cuối cùng của đời người, là đường về với người thân - Ảnh minh họa

Nhưng, suốt một năm qua, COVID-19 đã nhắc người ta rằng không có thứ gì “vô điều kiện”. Không phải vì tình thân mong manh. Mà bởi những bất trắc luôn chực chờ, đường về có thể mất dấu, làng xóm có thể bị cuốn trôi, ngọn núi ấu thơ có thể đổ sập. Dịch bệnh, và cả thiên tai nữa, đã dạy người ta về sự sống không chờ đợi, về cái khốc liệt của vô thường và cái mong manh, hữu hạn của toan tính con người. 

Khi một NS qua đời mà không có người thân bên cạnh, người quan tâm dễ giật mình rồi nhìn sang quanh mình. Họ sẽ thấy mình may mắn nếu đang được gần người thân. Hoặc, sẽ thấy mình thiếu sót, dại dột nếu đang vì điều gì đó mà bê trễ với gia đình.

Vợ chồng NS Chí Tài vì hoàn cảnh chung của dịch bệnh mà phải chịu cách xa nhau - đó là lý do khách quan, chẳng thể đặng đừng. Nhưng, ngoài kia, có biết bao đứa con ngày qua ngày bận việc mà dời lịch gặp mẹ, bao nhiêu ông chồng sa vào bàn nhậu mà trễ hẹn với vợ, bao nhiêu bà mẹ vì “chưa có hứng” mà gia hạn một lời hứa với con.

Người ta quen gán “deadline” cho mọi giao ước trên đời, trừ việc yêu thương. Việc thăm nom gia đình thì không có “deadline” - là người ta nghĩ vậy. Nhưng, cái “deadline” thường hằng nhất, đáng sợ nhất - nào có nằm trong ý chí, sự chủ động hay kiểm soát của con người. Người ta chỉ có thể chủ động trong việc thực hành yêu thương, trong việc trân trọng và trân quý từng cơ hội được gần gũi - để đỡ bị động, bàng hoàng khi cuộc đời bị chặn đứng bởi một “deadline”. 

Cuối cùng, vượt qua COVID-19, công việc, khoảng cách, NS Chí Tài phải được đưa về với vợ. Đó là quyết định cuối cùng. Nó cũng giống như mọi chuyến xe tang trên đời này. Hễ gặp một chiếc xe tang trên bất kỳ cung đường nào ở Việt Nam, người ta đều biết: chuyến xe đang trở về quê hương của người vừa nằm xuống. Đường cuối cho mỗi đời người, đều là đường về với người thân. 

Thuỳ Minh

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Nanalisa 11-12-2020 09:29:48

    Trước hết tôi phải nói lời cám ơn đến tác giả bài viết này.
    Bài viết quá hay, thâm sâu và chạm vào trái tim của độc giả. Mỗi con người chúng ta đều có lòng trắc ẩn và bỏ quên nó vào góc sâu trong tâm hồn. Sự vô tình, vô tâm của chính chúng ta đã vô tình làm cho những bộn bề, lo toan cuộc sống kéo đi xa cái gọi là "tình thân".

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI