edf40wrjww2tblPage:Content
Đây cũng là địa phương có số lượng lễ hội lớn thứ hai trong cả nước, 547 lễ hội, chỉ sau Thủ đô Hà Nội.
Lễ hội Chém lợn ở làng Ném Thượng (phường Khắc Niệm, TP Bắc Ninh) vẫn diễn ra dù gây nhiều tranh cãi - Ảnh: Thái Nam.
Giữa cơn bão của dư luận về lễ hội Chém lợn ở Ném Thượng, Bắc Ninh “man rợ”, “đẫm máu”, “phản cảm”, Bắc Ninh vẫn quyết định tổ chức hội chọi trâu đầu tiên trong lịch sử tỉnh nhà, và còn tổ chức giết thịt trâu chọi để bán, với cam kết “sạch sẽ, an toàn, kín đáo”.
Lý do được lãnh đạo ngành văn hóa - du lịch tỉnh này đưa ra là để tạo một không gian văn hóa mới mẻ hơn, bổ ích cho người dân, kích cầu du lịch, tạo nguồn thu thêm cho Bắc Ninh.
Trong cuộc họp báo tổ chức hồi tháng 2/2015 tại Hà Nội về công tác chuẩn bị cho hội chọi trâu, ông Lê Đắc Thuật, Phó giám đốc Sở VH - TT - DL Bắc Ninh cho hay dù chưa từng có tiền lệ, nhưng hội chọi trâu sẽ như một hoạt động du lịch. Du lịch ở Bắc Ninh đang được xem như một ngành công nghiệp không khói, làm tăng trưởng GDP cho địa phương.
“Tháng Giêng là tháng ăn chơi, tháng Hai cờ bạc, tháng Ba rượu chè”. Câu ca từ xa xưa đến nay xem ra vẫn đúng. Khắp cả nước, không chỉ riêng Bắc Ninh, suốt cả 3 tháng đầu năm âm lịch, hội hè đình đám liên miên, công việc sản xuất bị đình trệ, con số tai nạn giao thông do uống quá nhiều rượu bia cứ thế gia tăng.
Theo thống kê của Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia, trong 9 ngày nghỉ Tết nguyên đán 2015, cả nước xảy ra 536 vụ tai nạn giao thông, làm 317 người chết. Trung bình, cứ mỗi ngày nghỉ Tết, có 35 người chết vì tai nạn giao thông. Cũng trong 9 ngày nghỉ Tết nguyên đán, cả nước có 6.000 người nhập viện vì đánh nhau.
Nhưng sau khi hết nghỉ Tết, mùa lễ hội bắt đầu. Các vụ ẩu đả, hỗn chiến toác máu đầu ngày càng xuất hiện nhiều tại các lễ hội. Tại hội Gióng (Hà Nội) đánh nhau cướp hoa tre, hội cướp phết ở Vĩnh Phúc cũng có người mang dao ra lăm lăm đe dọa…
Nhà văn, nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến, tác giả của 2 cuốn sách đắt khách thời gian qua “Đi ngang Hà Nội” và “Đi dọc Hà Nội” cho biết, từ thế kỷ 18, người Hà Nội đã đi chùa sau giao thừa, đi lễ hội đầu xuân, đây là một truyền thống văn hóa đẹp, đến nay vẫn gìn giữ được, rất đáng quý.
Ông cho hay, tập tục đi chùa chiền, lễ hội đầu năm của người Việt thể hiện quyền tự do tín ngưỡng của mỗi người. Ông nói khi lòng tin của con người vào mọi thứ bị lung lay, mọi thứ đều trở nên đáng ngờ, người ta chỉ còn tin vào tôn giáo, trong đó có Phật giáo.
Tuy nhiên, bây giờ lễ hội đã nhuốm màu thực dụng, dung tục đi quá nhiều. Người dân mang mâm cao cỗ đầy, sì sụp khấn vái, tranh cướp nhau lộc, hi vọng mang lại điềm may.
Ngày 5/2, thay mặt Ban bí thư Trung ương Đảng, ông Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban bí thư đã ký ban hành Chỉ thị số 41-CT/TW về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội.
Chỉ thị đã chỉ rõ: thời gian qua, việc tổ chức lễ hội có biểu hiện phô trương với nhiều nghi thức rườm rà, tốn kém; có xu hướng thương mại hoá và lợi dụng tổ chức lễ hội vì mục đích kinh tế.
Việc mời khách và một số cán bộ lãnh đạo, quản lý tham dự lễ hội chưa thực hiện tốt các quy định đã ban hành; để xảy ra đốt vàng mã lãng phí…
Ban bí thư yêu cầu giảm tần suất, thời gian tổ chức, nhất là những lễ hội có quy mô lớn; hạn chế sử dụng ngân sách nhà nước, đẩy mạnh xã hội hoá các nguồn lực trong việc tổ chức lễ hội; không lạm dụng truyền hình trực tiếp để huy động tài trợ cho việc tổ chức lễ hội...
Thế nhưng, nhìn từ các lễ hội đang diễn ra ồ ạt khắp cả nước hiện nay, người ta chỉ thấy toàn “bi kịch”. Chen chân nhau đi lễ hội, tiền lẻ rắc khắp nơi, dúi cả vào tay Phật, rác rưởi ngập đường, móc túi, cướp giật, cờ bạc, đánh nhau loạn xạ, vàng mã đốt ngợp trời. Song, nếu hỏi lịch sử của hội này, đình kia, chùa nọ, có mấy người biết?
Trung bình một năm, khoảng 50.000 tấn vàng mã được sử dụng, riêng Hà Nội đã tiêu tốn trên dưới 400 tỉ đồng cho việc đốt vàng mã.
Như vậy trong cả nước, 63 tỉnh thành, ước tính hàng nghìn tỉ đồng bị “đốt” lên trời. Một sự lãng phí khủng khiếp. Gỗ để làm giấy bị lãng phí, ô nhiễm môi trường tăng cao, nguy cơ gây cháy nổ nơi công cộng càng lớn.
Thượng tọa Thích Thanh Tuấn, Ủy viên Hội đồng trị sự, Phó chánh văn phòng Trung ương, Phó trưởng ban Kiểm soát Trung ương, Phó viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội, Ủy viên Ban quản trị chùa Quán Sứ nêu quan điểm, được phúc hay không được phúc, tài hay không tài là ở cái tâm, quá trình hướng thiện của mỗi người. Không phải cứ lễ lạt, đền chùa thật nhiều, cúng tiến thật nhiều thì sẽ mang lại bình an, may mắn.
Ranh giới giữa tín ngưỡng và mê tín dị đoan rất mong manh. Đã đến lúc người Việt cần bình tĩnh trước lễ hội, và phải hiểu rõ, thế nào là tín ngưỡng.
Để làm được điều này, nhà nước, những cấp quản lý văn hóa cần bên cạnh người dân trong công cuộc giáo dục về văn hóa tín ngưỡng, tổ chức lễ hội, tránh việc ra ngõ gặp lễ hội mà toàn chuyện lộn xộn, xấu xí như hiện nay.
THÚY NGUYỄN (Hà Nội)