Nhìn từ một đề kiểm tra môn văn lớp 9: An toàn và sống sít

06/04/2018 - 17:26

PNO - Đây là đề thô thiển, bởi ngữ liệu không hay và không sát với sự quan tâm thiết thực và gần gũi với học sinh, nhất là cấp II, tóm lại là dở và sống sít.

Trường THCS Nguyễn Du (Q.1, TP.HCM) vừa có đề thi văn kiểm tra định kỳ tuần 27 dành cho học sinh lớp Chín. Phần đọc - hiểu (3 điểm, tại đây chúng tôi chỉ nói về phần đọc - hiểu), trích một bản tin trên báo Dân Trí, nói về hai phụ nữ ở tỉnh Bình Dương phải nhập viện Bệnh viện Chợ Rẫy vì bị thầy pháp đánh đến ngất xỉu, bởi gia đình nghi họ bị ma nhập.

Đề có 3 câu, hai câu đầu thuần túy kiểm tra kỹ năng tiếng Việt. Câu thứ 3: Nếu người quen có ý định chữa bệnh bằng phương pháp mê tín dị đoan, em sẽ làm gì để giúp đỡ người đó? Hãy viết một đoạn văn ngắn (3-5 câu) trình bày ý kiến của em.

Nhin tu mot de kiem tra mon van lop 9: An toan va song sit

Tranh cãi xung quanh yêu cầu ở câu thứ 3, là đưa nội dung xã hội như thế vào đề kiểm tra? Tham khảo ý kiến 3 giáo viên văn, thì có 2 luồng ý kiến: Một, đây là bày tỏ quan điểm về mê tín dị đoan, học sinh trung bình dễ dàng trả lời được; việc chọn ngữ liệu này cũng bình thường; nội dung mang tính đại chúng, học sinh lớp Chín nên biết. Hai, đề thi tuần, nằm trong quy định là nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng nâng cao.

Đề này thuộc nhóm hai cấp độ đầu. Về lý, đề không sai, bởi yêu cầu học sinh nhận thức và hiểu một vấn đề xã hội; còn xét việc đưa vấn đề xã hội vào đề thi để từ đó khiến học sinh phát huy tư duy độc lập, năng lực cảm thụ, thì đây là đề thô thiển, bởi ngữ liệu không hay và không sát với sự quan tâm thiết thực và gần gũi với học sinh, nhất là cấp II, tóm  lại là dở và sống sít.

Đề không sai so với chương trình bắt buộc. Nhưng chính sự chính xác theo quy trình khi bắc cầu vào một vấn đề xã hội, đã tạo ra luận bàn. Vấn đề ở đây là mê tín dị đoan, buộc học sinh phải nhận thức. Điều chắc chắn, khi trả lời, các em sẽ nói ngay là không nên, sẽ viết vài dòng khuyên người quen tránh xa, nên vô bệnh viện chữa trị.

Và chắc chắn, vài ba dòng đó sẽ là vài câu nói ngắn gọn như ngôn ngữ nói, chứ không phải viết, như là đối thoại thông thường chứ không phải diễn đạt, bởi  độ dài cho phép quá ngắn và nhất là ngữ liệu đề thi không cần động não, thấu cảm, không cần biết đến ngôn từ mỹ cảm, sáng tạo, vốn là công cụ duy nhất, đặc thù của cách biểu đạt văn chương. Cách ra đề và yêu cầu trả lời trên là an toàn cho cả thầy cô lẫn học trò.

Nhưng chính an toàn trong dạy và học lại tạo ra một hiệu ứng, một sản phẩm xã hội mang màu sắc khác chứ không phải là văn học. Có thể thấy, yêu cầu đề trên không khác gì một đề giáo dục công dân, như một vấn đề ngoại khóa thông thường, chứ không thể là yêu cầu của môn ngữ văn.

Từ khi xu hướng đưa các vấn đề xã hội vào đề thi văn, xã hội “được lời như cởi tấm lòng”, cả thầy và trò cũng hào hứng, nhưng liệu câu chuyện của những suy cảm cuồn cuộn, cuốn người đọc vào dòng đời bất tận với những ngõ ngách sâu kín nhất của nó, đó là lòng người, đi tới đâu, khi quy trình xây dựng, chế tác, tái tạo tâm hồn từ việc giảng dạy thô cứng, phân phối chương trình quẩn quanh trong cái vòng tròn đã bị cây gậy “Như Ý” khoanh vùng, hễ Đường Tăng và đệ tử bước ra là bị yêu tinh... rước liền, nhưng nếu Bát Giới, Đường Tăng nghe lời Tôn Ngộ Không, thì tập tiếp theo của Tây Du Ký làm sao có thể kéo dài và làm sao có được một bộ tiểu thuyết làm say mê bao thế hệ?

Khi các vấn đề xã hội làm nóng học đường, nhiều thầy cô đã lên tiếng, rằng ra đề gì cũng được, nhưng nó phải chạm tới “ngưỡng” văn học.

Buộc phải chạm ngưỡng, bởi lẽ văn học là bộ môn khoa học của ngôn từ. Dạy và học, không đạt đến thế giới của thấu cảm, lung linh, khơi những mạch lặng lẽ mà vang động nhất trong tim, thì coi như chưa thành công. Đề thi văn thường gây tranh cãi nhiều nhất, bởi nó đụng đến suy cảm, tư tưởng, hay nói rộng hơn, chính là nhịp đập đời sống và chính bản thân mỗi người; vừa vô hình mà rất cụ thể.

Bác sĩ có thể siêu âm chẩn đoán ra bệnh, chứ không ai siêu âm được tình cảm, tư tưởng. Văn học cùng một số ngành nghệ thuật khác, nhận lãnh trách nhiệm này. Điều đó, không nơi nào đặt móng đầu tiên để xây dựng tâm hồn, ngoài nhà trường. Chương trình nào, tư duy nấy; thầy nào, trò nấy.

Mùa thi THPT và đại học chuẩn bị vào trận rồi. Thường thấy, báo chí sẽ săn lùng những bài văn ngô nghê nhất, thiên hạ sẽ cười ra nước mắt, rồi sau đó sẽ than thở, ủ ê. Nhưng xin hỏi, sản phẩm lỗi nhịp đó, từ đâu ra? Từ học sinh, nhưng học sinh từ đâu ra? Đừng trách, bởi bây giờ ai cũng muốn... an toàn. 

Trung Việt

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI