Đề thi môn ngữ văn THPT quốc gia 2019, phần đọc hiểu được trích từ bài thơ của Vũ Quần Phương, đoạn Đề yêu cầu (phần làm văn, 2 điểm), từ đoạn trích trên, viết một đoạn văn về sức mạnh và ý chí con người trong đời sống.
Biển chính là đời sống mà con người phải ngụp lặn từ lúc cất tiếng khóc chào đời đến khi về với đất. Ở đó là sóng gió ngang tàng hào hiệp, là xa xanh thăm thẳm, là đá dựng thách đố… Nó như hồ lô đủ mùi vị hút chặt ta vào, có thể dìm nát ngay từ đầu những toan tính; đãi đằng ta bằng bữa ăn cay đắng; vùi vạ ta bằng giấc ngủ lạnh lẽo mù tăm.
Nhưng cái làm nên biển, chính là cánh buồm lúc vô ưu hiền lành như bồ câu, lúc mạnh mẽ như tráng sĩ thời cổ xưa; nó như bến lú sông mê mải miết cuốn dụ, mê hoặc nhân loại, như phép biện chứng không hề cài số lùi, như được thụ phép yêu, mãi sống chết cùng biển, để nhận chân chính mình, đi tìm chính mình ở ngay bây giờ và ngóng về những chân trời xa lắc…
Bài thơ như lời vỗ về con người rằng, dù có thế nào đi nữa, thì cũng phải ra biển, nhưng nên nhớ, biển bao giờ cũng xanh, một màu xanh thanh khiết không lời, như lời nhắn nhủ rằng, với hải trình này, thứ mà bạn có thể và nên mang theo, dù có cay đắng khốn khổ bao nhiêu, thì lòng vẫn phải như đáy sâu kia, trong suốt, thiện lành và đừng bao giờ bỏ cuộc. Bởi ở đó là tình yêu bát ngát mà đời sống ban tặng và chưa từng khép cửa.
Trần Dần từng viết: “Tôi khóc những chân trời không có người bay/ Lại khóc những người bay không có chân trời”. Đó là cộng cảm hai trạng thái đau đớn ở ông, rằng những giá trị cao đẹp thiếu vắng người muốn vươn đến, bởi họ không thèm mở cánh cửa tù quẫn, chỉ lấy làm hạnh phúc bởi bức tường tối om do chính mình dựng lên và bảo rằng đó là ánh sáng; biết bao người sống mà không biết những cú bay của mình về đâu, bởi bị thói đời tầm thường, không chủ đích, mất phương hướng bủa vây, không nhìn thấy những quầng sáng mà người phải đạt đến…
Đó là lời chung thẩm đớn đau của đời sống bị kết tử “Những con sinh ra thì đã chết/ Những con chưa chết là chưa sinh ra” (thơ Nguyễn Lương Ngọc).
Những thí sinh làm đề thi này, không biết các em nghĩ gì, viết gì về sức mạnh và ý chí, khi chính thức các em đã rời vòng tay cha mẹ, vào đời, sẽ đi về phía chân trời kia. Có vô vàn câu hỏi có trả lời và chưa có tín hiệu từ chính các em, rằng mình sẽ học gì, làm gì và đi về đâu?
Chưa ai thử khảo sát: có bao nhiêu cô cậu tú tài, tự thân đi tìm câu hỏi và câu trả lời về đời sống, để rồi chịu trách nhiệm với chính mình. Nhìn đâu cũng thấy sự bảo bọc đến phát ngán của mẹ cha từ miếng ăn, giấc ngủ đến dung dưỡng cả giấc mơ, “bảo hành” trọn đời cho con với những cam kết tiền bạc, cửa nhà, chỗ ngồi ấm êm.
Ở các nước văn minh, 18 tuổi là bước ra đường, chịu trách nhiệm lấy chính mình, nhưng có ai nói bỏ nhà ra ở riêng, thoát khỏi kiềm tỏa của mẹ cha, là hư thân mất nết, là giết chết tương lai đâu. Lẽ đơn giản, từ thuở nhỏ, các em đã được sống và giáo dục trong một luồng ý thức, rằng hãy tự mình mà đi, không có đường thì đi mãi cũng thành đường, nhưng các em này đã được chuẩn bị, giáo huấn đủ và đúng, rằng ý chí mạnh hơn cả sức mạnh. Không là gì khác, đó chính là ý thức về giá trị đích thực của đời sống và chính mình.
Ngó lại ở ta, mở cửa ra là thấy, lên mạng là gặp liền, giới trẻ đang là mối bận tâm, lo lắng không ngừng của gia đình, xã hội. Ăn chơi sa đọa, khoe tiền, khoe thân, ỷ lại, phạm tội, hùa theo những hiện tượng, trào lưu phản cảm, vô văn hóa, phi mỹ tục thuần phong và họ xem đó là sự biểu dương sức mạnh, tự đắc ta trẻ ta có quyền.
Biết bao người lớn tự hỏi: cứ sống ảo như thế này, lớp trẻ sẽ ra sao, xã hội sẽ đi về đâu? Một xã hội mà hễ thấy cái xấu, cái ác, cái tào lao thì lớp trẻ cứ dựng đứng lên ủng hộ như gặp thần tượng, bởi họ đã bị “ngáo đá” tư tưởng.
Có nhiều ý kiến cho rằng, họ không có niềm tin và biết tin vào đâu, bản thân họ bí bách mà. Thưa rằng, có thể họ chưa đủ chín để hiểu hết, nhưng khi đã 18 tuổi, ngồi vào bàn ăn, không thể cầm đũa lên mà thiếu một chiếc, họ biết phản ứng, biết đi tìm cho đủ đôi đũa, đồng nghĩa họ hiểu được giá trị của một vật dụng có ích.
Vậy, những người mà họ ăn theo sung sướng, bắt chước, hô hào ủng hộ như Khá Bảnh đốt xe vừa qua, giá trị thực ở đâu, không lẽ họ không biết? Các bậc cha mẹ, nhà quản lý, thầy cô giáo, những người gọi là người lớn, hãy ngó lại, rằng mình đã nuôi, dạy bọn trẻ cái gì để rồi như thế, bởi tuổi trẻ không có lỗi.
Sức mạnh chỉ có được từ ý chí và giá trị đích thực của sức mạnh chỉ có thể tồn tại khi được hàm dưỡng nhân cách và lý tưởng hành thế, rằng phải sống với đời sống bằng cả khát khao cao đẹp. Đơn giản bởi lẽ đời sống này, biển xanh kia hiện hữu thường hằng và không ngừng nghỉ khi có bao lớp người mải miết tìm về chân trời xa để khám phá vẻ đẹp, dựng lên bao giấc mơ có thực cho mai hậu.
Ở họ, không có chỗ trong hành trang là sự thiển cận, hẹp hòi, độc ác. Họ nuôi ý chí, niềm tin về cái đẹp, thiện lành, bao dung và hy sinh không toan tính, bởi họ nhận ra trách nhiệm làm người, đúng với tên gọi ở đời, là xúm vai lại vượt bão tố để cặp bến bình yên. Một khi lửa nuôi cơn mơ chưa tắt, họ vẫn chưa dừng đi.
Hãy trao quyền, cơ hội cho tuổi trẻ. Trao một cách đích thực bằng niềm tin và hy vọng vào điều đẹp đẽ, chứ không phải hứa hão, nói cho chúng nó sướng, hứa bằng quyền lực, tiền bạc sặc mùi ảo vọng pha trộn mưu toan tham tàn, hợm hĩnh rằng lớn lên con sẽ làm bà này ông kia, sẽ có tiền như núi, sẽ là…
Biển chứa hết, đón nhận hết nhưng hải cảng và cánh hải âu chỉ chào đón những con tàu dù có rách tả tơi bởi sóng nước, thần phong, nhưng oai hùng cất tiếng còi chào đất liền cập bến, bởi nó đã làm đúng sứ mệnh sinh ra để vượt lên sóng dữ. Cái đích của tuổi trẻ chính là chân trời chứ không phải thế giới ảo kia suốt ngày nhìn trời qua miệng giếng…
Trung Việt