Nhìn thẳng thực trạng y tế để thay đổi

27/05/2022 - 06:21

PNO - Góp ý cho dự thảo Luật Khám chữa bệnh (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, cần “nhìn thẳng” vào thực trạng ngành y để thay đổi, nâng cao chất lượng hệ thống y tế.

 

Cha mẹ bệnh nhi sốt ruột chờ đến lượt khám cho trẻ tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, TP.HCM ẢNH: PHẠM AN
Cha mẹ bệnh nhi sốt ruột chờ đến lượt khám cho trẻ tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, TPHCM - Ảnh: Phạm An

Thiếu quy định ưu tiên khám chữa bệnh cho trẻ 

Chiều 26/5, tiếp tục chương trình làm việc của kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV thảo luận về dự thảo Luật Khám chữa bệnh (sửa đổi). Phát biểu thảo luận tại tổ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng dự thảo chưa đề cập đầy đủ về trách nhiệm của ngành y tế trong vấn đề khám, chữa bệnh cho trẻ em. 

Chủ tịch nước nhận định, trẻ em là lực lượng đông đảo, là tương lai của đất nước nên cần được chăm lo. Trong lần sửa đổi luật này, phải bổ sung nhiều quy định liên quan đến quyền trẻ em. Luật Khám chữa bệnh hiện hành có rất ít quy định về khám, chữa bệnh cho trẻ em nói chung, chỉ có quy định về ưu tiên khám cấp cứu cho trẻ dưới sáu tuổi. Như vậy là chưa đủ. 

Ông đề nghị, khi sửa luật, cần phải đồng bộ hóa quy định về quyền được chăm sóc sức khỏe của trẻ em, đối tượng trẻ em cần được mở rộng đúng theo Luật Trẻ em, đó là dưới 16 tuổi thay vì dưới sáu tuổi. Trẻ dưới 16 tuổi phải được ưu tiên khám trước, được bảo đảm các quyền lợi khác về vật chất và tinh thần. Trẻ em tàn tật, nghèo, mồ côi, dân tộc thiểu số, trẻ có bệnh hiểm nghèo, ung thư phải được ưu tiên đặc biệt. Các cơ sở khám, chữa bệnh không được áp dụng quy định khám, chữa bệnh trái tuyến, vượt tuyến với trẻ em. Trẻ em phải được quyền tiếp cận không giới hạn trong dịch vụ và cơ sở khám, chữa bệnh. 

Triển khai bệnh án điện tử tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - ẢNH: QUỐC NGỌC
Triển khai bệnh án điện tử tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM - Ảnh: Quốc Ngọc

Chủ tịch nước đề nghị không áp dụng hạn mức giá trần khám, chữa bệnh đối với trẻ em mắc các bệnh hiểm nghèo như ung thư, tim mạch: “Trẻ em cần được thụ hưởng mức bảo hiểm y tế hơn mức bình quân của người bệnh; chẳng hạn, định mức thanh toán bảo hiểm y tế phải cao hơn với người lớn”.

Chủ tịch nước cũng đề nghị phải mở rộng, tăng chất lượng khám, chữa bệnh ở các cơ sở y tế để đáp ứng yêu cầu chữa trị cho trẻ em, đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ thông tin, đơn giản hóa thủ tục khám, chữa bệnh, bảo đảm trẻ được tiếp cận một cách thuận lợi nhất. 

Nâng cao trình độ trong toàn hệ thống

Trong cuộc thảo luận tại tổ, nhiều đại biểu nêu ý kiến liên quan tới quy định bỏ chức danh y sĩ. Cụ thể, dự thảo luật quy định không cấp mới giấy phép hành nghề cho y sĩ từ ngày 1/1/2025, trừ lực lượng vũ trang.

Đại biểu Lê Kim Toàn (tỉnh Bình Định) cho rằng, nên giữ lại chức danh này trong hệ thống y tế nói chung: “Hiện nay, các địa phương đang thiếu nhân lực y tế. Tỉnh nào cũng có chính sách thu hút bác sĩ, dược sĩ về địa phương công tác. Để đào tạo một bác sĩ, cần một thời gian dài. Trong thời gian này, nếu muốn đảm bảo nhân lực thì nên giữ lực lượng y sĩ như trước đây. Lực lượng này rất cần cho y tế thôn bản, cho trạm y tế, cho việc chăm sóc y tế tại nhà”.

Bệnh nhân trước khi xuất viện được nhân viên y tế Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM hướng dẫn tải ứng dụng (app) đăng ký khám, tái khám online để có thể lấy số thứ tự trước tại nhà - ẢNH: QUỐC NGỌC
Bệnh nhân trước khi xuất viện được nhân viên y tế Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TPHCM hướng dẫn tải ứng dụng (app) đăng ký khám, tái khám online để có thể lấy số thứ tự trước tại nhà - Ảnh: Quốc Ngọc

Trái với quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (tỉnh Bình Định) cho biết, ngành y đang đào tạo điều dưỡng hệ cao đẳng và đại học. Họ đảm nhận được công việc như y sĩ, do đó, không nên lo rằng bỏ chức danh y sĩ thì sẽ thiếu nhân sự trong chăm sóc sức khỏe của nhân dân. 

“Với hơn 60 trường đại học y dược trên cả nước, Việt Nam đang đào tạo nguồn nhân lực rất lớn cho ngành y. Chúng ta chỉ thiếu chất lượng chứ không thiếu số lượng. Thiếu chất lượng là do chất lượng đào tạo kém, hệ thống chưa hoàn chỉnh, có sự chênh lệch giữa các cơ sở đào tạo y khoa, chênh lệch trình độ của cán bộ y tế” - đại biểu Nguyễn Lân Hiếu nói. 

Theo ông, phải nâng cao trình độ trong toàn hệ thống chứ không nên cho rằng đối với vùng sâu, vùng xa thì chỉ cần những người có năng lực “vừa vừa” cỡ y sĩ. “Các bác sĩ phải được cấp bằng một cách thực chất. Chúng ta phải nhìn thẳng sự thật mới thay đổi được hệ thống y tế đang trong giai đoạn khá nguy cấp tại Việt Nam” - ông trăn trở. 

Tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, trong y tế, có nhiều vấn đề liên quan tới tài chính. Hiện nay, chúng ta chưa tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế mà mới tính 2/4 yếu tố cấu thành giá. Đó là do điều kiện kinh tế, xã hội, mức đóng bảo hiểm y tế và nhiều yếu tố khác. 

Với việc đưa khung giá vào dự thảo luật, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long kỳ vọng sẽ từng bước tính đúng, tính đủ các yếu tố cấu thành giá để khuyến khích các bệnh viện phát triển hơn. Các công cụ tài chính khác cũng được xây dựng trong dự thảo Luật Bảo hiểm y tế để đáp ứng được yêu cầu này. 

Loại bớt bác sĩ Trung Quốc kém chất lượng

Dự thảo Luật Khám chữa bệnh (sửa đổi) đưa ra hai phương án về việc sử dụng ngôn ngữ của người nước ngoài hành nghề khám chữa bệnh tại Việt Nam. Cụ thể, ngoài phương án phải có phiên dịch viên như hiện hành, dự thảo luật còn đưa ra phương án người nước ngoài hành nghề lâu dài tại Việt Nam phải sử dụng tiếng Việt thành thạo. Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu đồng tình với phương án này dù trước đó, nhiều đại biểu phản đối. 

Theo ông Nguyễn Lân Hiếu, có rất ít bác sĩ “ngoại” giỏi hành nghề lâu dài tại Việt Nam; bác sĩ “ngoại” hầu hết là người Trung Quốc: “Khi chưa có bác sĩ ngoại giỏi, chúng ta cần loại bớt các bác sĩ ngoại kém chất lượng”. 

Bệnh viện chỉ được tự chủ nửa vời

Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM) cho rằng, tình trạng bác sĩ nghỉ việc là vấn đề nhức nhối, không chỉ ảnh hưởng tới chính nhân viên y tế mà còn tác động tới quyền lợi của người dân. Hàng loạt cán bộ y tế ở cơ sở nghỉ việc trong thời gian qua là do công việc quá nặng nề, không có điều kiện để học thêm, nâng cao năng lực. Trong khi đó, tiền lương chưa tương xứng để giữ chân họ. 

Theo bà, các bệnh viện ngày càng được tự chủ hơn nhưng vẫn còn tự chủ nửa vời. Bệnh viện phải tự chủ để nuôi bác sĩ, điều dưỡng nhưng bảo hiểm chi trả rất thấp so với các chi phí cần có. Áp lực tài chính lớn khiến nhiều bệnh viện chỉ trông chờ vào phí dịch vụ để chi thêm thu nhập cho nhân viên. Tuy nhiên, ngay cả khi có tiền dịch vụ, các bệnh viện cũng không thể chi hết cho nguồn nhân lực vì “nếu xài sẽ sai quy định”. 

Bà dẫn chứng, để thu hút người bệnh, để nâng cao trình độ khám chữa bệnh, các bệnh viện rất cần có máy móc hiện đại. Việc mua sắm của bệnh viện tư rất dễ dàng nhưng bệnh viện công phải mất thời gian để lập đề án, trình duyệt, tới khi nhận máy thì máy đã lỗi mốt rồi. Vì vậy, bệnh viện phải tìm cách thuê máy, mượn máy. Nhưng vừa rồi, cơ quan bảo hiểm xã hội lại có công văn từ chối thanh toán bảo hiểm y tế cho dịch vụ dùng các trang thiết bị thuê, mượn này. 

Bà cho rằng, tính tự chủ nửa vời khiến các cơ sở y tế khó khăn trong việc đảm bảo quyền lợi, giữ chân cán bộ y tế. Do đó, bà đề nghị, cần phải có sự thay đổi về tổng thể các chính sách: “Có ý kiến cho rằng, bác sĩ chuyển từ bệnh viện công sang tư, không đi đâu mà mất. Nói vậy nghĩa là thừa nhận rằng, chỉ có người giàu mới được hưởng dịch vụ khám chữa bệnh tốt”.

Minh Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI