Nhìn ra cơ hội trong thách thức

23/04/2025 - 10:35

PNO - Mức thuế đối ứng 46% mà Chính phủ Mỹ dọa áp lên hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam gây lo lắng cho các cơ quan quản lý, điều hành nền kinh tế và chủ doanh nghiệp Việt Nam. Nhưng cũng có thể xem đây là “liều thuốc thử”, là cơ hội để Việt Nam nhìn nhận lại vị thế của mình trong chuỗi giá trị toàn cầu, giảm sự phụ thuộc vào một thị trường duy nhất, cơ cấu lại ngành hàng xuất khẩu, gia tăng giá trị sản phẩm, củng cố sức mạnh nội tại của nền kinh tế.

Những đợt áp thuế chống bán phá giá của Mỹ với mặt hàng cá tra nhập khẩu từ Việt Nam những năm trước từng khiến nhiều doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản ở vùng đồng bằng sông Cửu Long lao đao. Sau những đợt áp thuế liên tục đó, Mỹ không còn là thị trường nhập khẩu cá tra số 1 của Việt Nam nữa và ngành hàng này có thêm hàng loạt thị trường nhập khẩu lớn khác như châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản…

Kinh tế Việt Nam phụ thuộc lớn vào xuất khẩu nên thường bị xáo trộn mỗi khi các nhà nhập khẩu lớn thay đổi chính sách. Hiện tại, dù Chính phủ Mỹ đã lùi thời hạn áp thuế 46% thêm 3 tháng nhưng rủi ro vẫn chực chờ. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để phía Việt Nam tái định vị về thị trường, cấu trúc lại hàng hóa xuất khẩu, tăng cường nội lực của nền kinh tế.

Nhiều năm qua, phía Việt Nam đã tìm cách đa dạng hóa thị trường với việc ký kết hàng chục hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương, đa phương. Do đó, thay vì quá tập trung vào thị trường Mỹ, chúng ta cần khai thác các thị trường tiềm năng khác như EU, các nước ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và các thị trường mới nổi để giảm thiểu rủi ro, tạo ra sự cân bằng trong cán cân thương mại. Để duy trì và mở rộng thị phần ở các thị trường đã có FTA, Việt Nam cần tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe về kỹ thuật, môi trường và lao động.

Ở khía cạnh nào đó, chính sách thuế đối ứng của Chính phủ Mỹ cho thấy, nước này đang tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng và tìm kiếm các đối tác ngoài Trung Quốc. Với những thuận lợi về vị trí địa lý, có nền chính trị ổn định và mức độ hội nhập sâu rộng, Việt Nam có thể tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng đó, đặc biệt là trong các lĩnh vực như công nghệ xanh, điện tử, linh kiện.

Bối cảnh hiện tại là lời thúc giục Việt Nam chuyển dịch mạnh sang các ngành công nghiệp công nghệ cao, thân thiện và bền vững, như công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI), du lịch; đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D); phát triển chuỗi giá trị bền vững từ nguyên liệu đầu vào đến sản phẩm cuối cùng. Đây cũng là lúc để Việt Nam tái định hình nền kinh tế, nâng cao sức mạnh nội tại. Cần xem xét lại mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu, đầu tư nước ngoài và chi phí lao động rẻ.

Muốn vươn lên bền vững, Việt Nam cần nâng cao năng lực nội tại thông qua cải cách thể chế, đầu tư vào giáo dục, công nghệ, hạ tầng, hỗ trợ doanh nghiệp nội nâng cao năng lực cạnh tranh.

Quốc hội, Chính phủ cần có chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ để giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu nguyên liệu và linh kiện; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, trong đó tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng và minh bạch để thu hút sự đầu tư trong và ngoài nước; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; phát triển thị trường nội địa, tăng cường sự liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước để hình thành các mạng lưới sản xuất, cung ứng nội địa.

Điều đáng mừng là những động thái gần đây của Chính phủ đã cho thấy, cả 3 yếu tố gồm định vị lại thị trường, cơ cấu lại hàng hóa và nâng cao sức mạnh nền kinh tế đều đang được thúc đẩy nhanh và mạnh hơn.

Thư Hùng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI