Nhìn lại tiếng nói nữ quyền trên báo chí Quốc ngữ

21/10/2023 - 08:18

PNO - Ngày 20/10/1930, Hội LHPN Việt Nam được thành lập, đánh dấu hoạt động hợp pháp của đoàn thể phụ nữ, khẳng định vai trò xã hội của nữ giới. Đây cũng là kết quả của cuộc đấu tranh cho quyền bình đẳng suốt gần 3 thập niên. Báo chí Quốc ngữ đã cất tiếng nói, đồng hành với quá trình này.

Những tiếng nói đầu tiên 

30 năm đầu thế kỷ XX là một giai đoạn đặc biệt, đánh dấu sự thay đổi trên mọi bình diện của đời sống văn hóa - xã hội Việt Nam. Đó cũng là giai đoạn mà những tiếng nói đấu tranh cho quyền bình đẳng của nữ giới đã cất lên, kéo dài suốt gần 3 thập niên, cho đến khi vai trò xã hội của phụ nữ được khẳng định thông qua Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng (ngày 3/2/1930) và Hội Phụ nữ phản đế Việt Nam (sau đổi tên là Hội LHPN Việt Nam) được thành lập vào ngày 20/10/1930.

Cuộc đấu tranh cho nữ quyền trên báo chí Quốc ngữ 30 năm đầu thế kỷ XX diễn ra sôi động, một phần được thể hiện trong các tựa sách được xuất bản thời gian gần đây
Cuộc đấu tranh cho nữ quyền trên báo chí Quốc ngữ 30 năm đầu thế kỷ XX diễn ra sôi động, một phần được thể hiện trong các tựa sách được xuất bản thời gian gần đây

Một trong những tiếng nói đầu tiên về vấn đề nữ học trên báo chí Quốc ngữ đầu thế kỷ XX là của Lương Khắc Ninh. Trên Nông cổ mín đàm (số ra ngày 28/8/1902), ông viết: “Tôi xin nhà nước giúp sức lập trường dạy con gái”. Nhưng đó mới chỉ là tiếng nói đơn lẻ của một trí thức tân học. Đến năm 1907, khi Đăng cổ tùng báo ra đời, vấn đề phụ nữ mới có thêm những bài viết thể hiện quan điểm mạnh mẽ hơn. Chủ bút Nguyễn Văn Vĩnh cùng một số trí thức cấp tiến lúc bấy giờ đã lên tiếng bảo vệ quyền bình đẳng cho nữ giới: khuyến khích phụ nữ đi học, chăm sóc bản thân, nhận thức vai trò trong gia đình và xã hội; phản đối tảo hôn, ép duyên, hôn nhân đa thê… Những góc nhìn mới mẻ này đã tạo nên một cuộc tranh luận gay gắt giữa trí thức tân học và Nho học lúc bấy giờ.

Sau Đăng cổ tùng báo, những tiếng nói đấu tranh cho quyền bình đẳng của nữ giới tiếp tục được đăng tải trên Đông Dương tạp chí (1913-1919) và các tờ báo hoạt động cùng thời điểm này: Trung Bắc tân văn, Lục tỉnh tân văn, Nam Phong tạp chí, Nữ giới chung… Tiến trình đấu tranh cho quyền bình đẳng của nữ giới có sự đóng góp to lớn của Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Phạm Duy Tốn, Đạm Phương nữ sử, Đặng Văn Bảy (in sách Nam nữ bình quyền, 1928)…

Luôn có sự xung đột giữa tư tưởng cũ - mới trong hệ quy chiếu Đông - Tây, nhưng chính những góc nhìn tiến bộ đã tạo được ảnh hưởng tích cực. Từ việc chỉ ở chốn “khuê môn” với “tam tòng tứ đức”, một lớp nữ lưu trí thức đô thị hình thành. Họ còn xuất hiện trên công luận, bày tỏ ý kiến về những vấn đề của giới mình (qua các mục Văn nữ giới, Du ký, Diễn đàn phụ nữ, Ngôn luận cộng đồng…). Đây là điều không thể có trên báo chí Quốc ngữ cuối thế kỷ XIX cho đến những năm đầu thế kỷ XX. 

Thúc đẩy vai trò phụ nữ 

Từ việc lên tiếng đòi quyền bình đẳng, phụ nữ ngày càng khẳng định vai trò xã hội và được xác lập vị trí “là một bộ phận rất lớn trong xã hội” (Trung hòa nhật báo, số 159, ngày 4/4/1925). Nếu trước đó, vấn đề phụ nữ tập trung ở việc nâng cao giáo dục, vai trò trong gia đình thì từ năm 1925, vai trò xã hội của phụ nữ được đề cập trên nhiều tờ báo. Đó cũng là thời điểm Nguyễn Ái Quốc viết Bản án chế độ thực dân Pháp (trong đó có chương 11 Nỗi khổ nhục của người phụ nữ bản xứ) và lời kêu gọi của Người trên Báo Thanh Niên (số 73, ngày 12/12/1926): “Hai chữ nữ quyền đã rầm rầm khắp thế giới, chị em ta lại gặp cảnh nước suy vi, nỡ lòng nào ngồi yên được! Chị em ơi! Mau mau đoàn kết lại!”.

Tờ Nữ giới chung (1918) đã manh nha những bài viết mang nghĩa hàm ngôn thể hiện lòng yêu nước, tinh thần đấu tranh chống ngoại xâm của nữ giới. Cũng vì vậy mà tờ báo sớm bị đình bản. Nhưng tiếng nói ấy vẫn ngầm ẩn trên báo chí suốt những năm thập niên 1920-1930. Đông Pháp thời báo ngày 10/3/1926 có bài viết Nữ lưu ta đối với quốc gia ngày nay phải làm sao? Trong đó có đoạn: “Chị em phải ráng học hành chữ nghĩa, rèn tập tính nết mà giúp cho xã hội đương lúc khốn nguy, dân tộc đương lúc khó khăn…”; “ngày nào mà nữ lưu nước nhà biết lo đến quốc sự thì ngày ấy dân Việt Nam mới mong thoát khỏi vòng nô lệ mau đặng”. Thần chung (ngày 14/10/1929) viết: “Nước ta bây giờ ở vào một thời kỳ cải cách, nhiều khoản riêng như anh em nam giới dù tận tâm, cố lực đến đâu cũng không kham mọi việc thì chị em ta cần phải chen ra gánh vác lấy một phần trách nhiệm”… Còn Phụ nữ tân văn năm 1929 đã mở diễn đàn 14 kỳ về vấn đề phụ nữ. Đây cũng là tờ báo tổ chức nhiều hoạt động xã hội có ý nghĩa cho giới nữ lúc bấy giờ.

Khi nữ giới ngày càng nâng cao tri thức, tăng nhận thức về những vấn đề của giới mình thì vai trò xã hội của họ cũng được coi trọng. Cuối thập niên 1920, ở Nam Kỳ có Hội Tòng thơThơ xã, ở Huế có Hội Nữ công (hoạt động rất tích cực) và Bắc Kỳ cũng vận động phụ nữ thành lập Hội Nữ công. Gây tiếng vang lớn khởi đầu cho phong trào phụ nữ thập niên 1930 là cuộc đấu tranh của 5.000 công nhân đồn điền Phú Riềng, với 300 phụ nữ đi đầu đòi yêu sách: “Trả lương cho nữ công nhân nghỉ đẻ” vào tháng 2/1930 (theo 85 năm phong trào phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh, giai đoạn 1930-2015).

Ngày 20/10/1930, Hội Phụ nữ phản đế Việt Nam thành lập, đánh dấu hoạt động đoàn thể công khai, hợp pháp của phụ nữ; xác lập vai trò xã hội của nữ giới. Họ trở thành lực lượng đông đảo tham gia xuống đường trong những cuộc biểu tình, đòi giảm sưu thuế… Đó cũng là kết quả đấu tranh cho quyền bình đẳng của nữ giới kéo dài gần 3 thập niên, đi cùng những chuyển biến thăng trầm của đất nước thời điểm này. 

Lục Diệp

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI