|
Xe tăng tiến vào dinh Độc Lập |
Ngày cuối cùng của chiến tranh là bộ phim tài liệu do cố đạo diễn Đào Thanh Tùng viết kịch bản và lời bình, do Nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Thước đạo diễn năm 2005. Trong thời lượng 30 phút, bộ phim xoáy sâu vào một lát cắt đặc biệt của chiến tranh: ngày 30/4/1975 lịch sử khi quân giải phóng tiến vào Sài Gòn.
Từ ngày 26/4, quân giải phóng đã tiến hành chiến dịch Hồ Chí Minh với 5 quân đoàn ở 5 hướng tấn công. Bên phía Việt Nam Cộng hòa, nhiều tướng lĩnh và cán bộ cao cấp đã chạy ra nước ngoài. Tuy nhiên, nỗ lực kháng cự của họ vẫn còn đáng kể ở nhiều khu vực, đặc biệt ở Sài Gòn.
Đến trưa 30/4/1975, quân giải phóng đã chiếm dinh Độc Lập và Tổng thống Dương Văn Minh thay mặt toàn bộ nội các của chính phủ Sài Gòn đọc tuyên bố đầu hàng vô điều kiện.
Những nhân chứng lịch sử
Ngày cuối cùng của chiến tranh khéo léo lồng ghép thủ pháp so sánh tương phản giữa sự sống và cái chết. Phim mở đầu bằng lời bình: "Có lẽ rất ít người biết 5.000 người lính đã ngã xuống vào ngày hôm đó. Họ không có dịp chứng kiến niềm vui của dân tộc vào lúc niềm hy vọng sống trở nên mãnh liệt nhất". Ngay ở ngưỡng cửa của chiến thắng, vẫn có rất nhiều sự hy sinh để đất nước trọn niềm vui.
|
Nhà văn, cựu đặc công Chu Lai |
Nhắc đến sự kiện 30/4, nhiều người sẽ nhớ về những khoảnh khắc hào hùng như lúc xe tăng số hiệu 390 húc đổ cổng dinh Độc Lập hay khi lá cờ Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên nóc dinh. Nhưng ít người biết chỉ vài giờ trước đó, giao tranh vẫn còn ác liệt ở một số địa điểm. Tiêu biểu nhất là trận đánh ở cầu Rạch Chiếc, một cây cầu có vai trò huyết mạch ở cửa ngõ Sài Gòn. Trong nỗ lực giữ cầu để cho đại quân tiến vào, 52 người lính đặc công đã hy sinh chỉ vài giờ trước thời điểm giải phóng.
Ở chiều ngược lại là sự sống bắt đầu nơi những đứa trẻ sinh ra trong ngày 30/4 ở Sài Gòn. Trong ngày hôm đó, Bệnh viện Từ Dũ vẫn hoạt động như thường để nhiều sự sống linh thiêng bước vào đời. Giữa những cái tên bình thường, có những người được đặt tên là Hòa Bình, Giải Phóng, Thống Nhất như lời mong cầu về ngày vui của dân tộc.
Sự sống cũng được tôn vinh trong câu chuyện xúc động của ông Nguyễn Văn Thọ - một cựu binh quân giải phóng. Ngày 30/4, sau cuộc giao chiến ác liệt, ông và các đồng đội đã bắt được một người lính Việt Nam Cộng hòa trong tình trạng bị thương nặng. Ngay lúc đó, bài hát Nối vòng tay lớn do nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thể hiện được vang lên trên đài, sau lời tuyên bố đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh. Sau những giây phút im phăng phắc để lắng nghe, họ nhận ra chiến tranh đã chấm dứt, thế nên việc giết chóc là vô nghĩa và người lính kia được trao con đường sống.
Ê kíp làm phim cho thấy sự dụng công trong cách thực hiện tác phẩm, qua số lượng nhân vật được phỏng vấn khá nhiều và đa dạng. Trong số đó có phi công Nguyễn Thành Trung, trung tướng Phạm Xuân Thệ, chính ủy Bùi Tùng, nhà văn Chu Lai - những người đã tham gia cuộc chiến ở những vị trí khác nhau. Có người chiến đấu dưới mặt đất, có người trên không trung. Bằng cách đặt câu hỏi khéo léo, nhà làm phim phản ánh được nhiều khía cạnh khác nhau của câu chuyện.
|
Ông Nguyễn Cao Kỳ trong lần trở về Việt Nam |
Đặc biệt hơn, bộ phim còn mang tính đa chiều với lời kể của những người ở phía bên kia chiến tuyến. 2 tướng lĩnh của Việt Nam Cộng hòa xuất hiện trong tác phẩm là ông Nguyễn Hữu Có và Phó tổng thống Nguyễn Cao Kỳ - đến nay đều đã qua đời. Sau ngày giải phóng, ông Nguyễn Hữu Có được xem như một trong những biểu tượng của hòa giải dân tộc, đồng thời tham gia Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Còn ông Nguyễn Cao Kỳ sau nhiều năm sống ở Mỹ đã trở về Việt Nam và cũng tham gia vào tiến trình hòa giải dân tộc.
Đạo diễn Nguyễn Thước cho biết ông Nguyễn Cao Kỳ rất cởi mở, sẵn sàng trả lời mọi câu hỏi của đoàn phim. Ông Kỳ luôn tự xem mình như một người lính, trong đời chỉ rơi nước mắt 2 lần. Lần thứ nhất là khi ông bước lên chiến hạm của Mỹ để rời Việt Nam, lần thứ hai là trên đường quay về nước, khi nghe máy bay báo đã vào tới không phận Việt Nam. Việc đoàn phim tiếp cận được ông Kỳ cũng là do may mắn, vào đúng dịp ông về nước. Bằng cách đa dạng hóa tuyến nhân vật, đạo diễn muốn truyền tải thông điệp về tình yêu hòa bình vượt qua rào cản không gian và địa vị xã hội.
Ngày đầu tiên của hòa bình
Không đơn thuần thuật lại câu chuyện, Ngày cuối cùng của chiến tranh còn lột tả suy nghĩ, tâm tư của những con người đã trải qua thời khắc lịch sử ngày 30/4/1975. Xuyên suốt bộ phim là tinh thần nhân văn xen lẫn sự hào hùng và hy vọng vào tương lai. Ở thời điểm bộ phim được thực hiện (năm 2005), chiến tranh đã kết thúc 30 năm - một thời điểm đủ dài để có độ lùi trong chiêm nghiệm nhưng cũng đủ thời gian để vẫn còn những nhân chứng sống trong cuộc chiến.
|
Những người lính hồi tưởng trận chiến trên cầu Rạch Chiếc |
Như đạo diễn Nguyễn Thước chia sẻ, ngày cuối cùng của chiến tranh cũng là ngày đầu tiên của hòa bình. Một phần khá lớn thời lượng phim được dùng để mô tả cuộc sống thời hậu chiến. Có những nỗi niềm khó tả của những người lính năm đó sau khi giải phóng Sài Gòn. Như cựu chiến binh, nhà văn Nguyễn Văn Thọ chia sẻ, ngay trong giờ phút nhân dân 2 bên đường chạy ra vẫy hoa, hò reo, ông rất vui nhưng lại sững người với ý nghĩ: “Ngày mai mình làm gì nhỉ?”. Đó cũng là tâm sự chung của nhiều người lính, khi sau nhiều năm chỉ biết đến kinh nghiệm chiến đấu và sinh hoạt trên chiến trường, giờ đây phải bước vào một cuộc sống hoàn toàn mới.
Sự đan xen giữa các câu chuyện xưa và nay cũng làm nên chiều sâu cho tác phẩm. Sau những mô tả về lửa đạn, mất mát đau thương trong ngày 30/4, bộ phim mang đến những khoảnh khắc ấm lòng và đầy hy vọng vào tương lai. Phi công Nguyễn Thành Trung trở thành cán bộ cao cấp trong ngành hàng không, người lính đặc công Chu Lai trở thành một nhà văn tên tuổi. Những đứa trẻ sinh đúng ngày 30/4/1975 giờ đã trở thành những người thành đạt và còn lập ra một nhóm bạn của những người ra đời vào thời khắc đặc biệt này.
Tác phẩm mang cách kể nhẹ nhàng, cân bằng giữa hình ảnh và phần thoại. Lời bình được sử dụng như một đường dẫn xuyên suốt để liên kết mạch truyện nhưng vẫn tiết chế vừa đủ để phim không bị “nhiều lời”. Ở một vài chỗ, đạo diễn khéo léo để hình ảnh tự thân truyền tải sức nặng của câu chuyện, như cú lia máy qua những tấm Bằng Tổ quốc ghi công các chiến sĩ đã hy sinh ở cầu Rạch Chiếc. Cách lồng ghép phỏng vấn của phim cũng tạo được sự tự nhiên, để nhân vật tự bộc lộ hiện thực chứ không áp đặt quan điểm của người làm phim.
Ngày cuối cùng của chiến tranh tránh được lối mòn: quá chú trọng mô tả những đau thương, mất mát. Thay vào đó, tác phẩm uyển chuyển trong việc gợi lên các cung bậc cảm xúc khác biệt, xen lẫn giữa các dòng tâm sự của loạt nhân chứng. Đây là bộ phim dễ xem và đáng xem với khán giả ở nhiều lứa tuổi. Với những cựu chiến binh, tác phẩm khiến họ như hồi tưởng lại thời khắc hào hùng và bi tráng năm xưa. Với những người trẻ, bộ phim có lối kể khá hiện đại sẽ giúp họ ôn lại một chương lịch sử của dân tộc.
Ân Nguyễn - Nguồn ảnh: Internet