Phóng viên: Vì sao anh lại chọn thời điểm này để tổ chức triển lãm, ra mắt sách ảnh ghi lại cao điểm dịch COVID-19 tại TP.HCM?
Nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong: Thời điểm cuối tháng Năm năm ngoái, TP.HCM bắt đầu bước vào cao điểm dịch và kéo dài sang nhiều tháng sau đó. Đến nay, gần tròn một năm sau những ngày đau thương, tôi nghĩ đây là thời điểm thích hợp để nhìn lại hành trình đã qua, hướng đến sự hồi sinh đang trở lại với thành phố.
Tôi không muốn triển lãm và sách ảnh của tôi khoét sâu thêm nỗi đau, mà muốn khi xem ảnh, mọi người quan sát được một hành trình xuyên suốt có mở đầu, cao trào và những hành động đẹp, như cách mà các tổ chức/cá nhân đang bảo trợ trẻ em mồ côi vì COVID-19. Nếu để ý, mọi người sẽ thấy trong triển lãm của tôi không có hình ảnh quá tang thương. Thực chất, tôi có nhiều bức ảnh mà chỉ cần nhìn vào, bạn sẽ thấy được sự đau đớn khủng khiếp, bởi chúng ghi lại thời khắc con mất cha mẹ, vợ mất chồng… Tôi muốn các ảnh của mình vừa đủ chạm tới cảm xúc người xem, không gieo bi thương, mà chỉ gợi mở lòng trân trọng thực tại, hướng đến tương lai.
|
Một gia đình ở TP.HCM về quê tránh dịch - ẢNH: TRẦN THẾ PHONG |
* Mỗi ngày tác nghiệp lúc cao điểm dịch bệnh, anh sợ nhất điều gì?
- Tôi lo lắng rất nhiều, và lúc nào cũng cầu nguyện. Từ tháng 6 đến tháng 11/2021, tôi liên tục lao ra đường để tác nghiệp. Mỗi ngày chứng kiến không biết bao nhiêu chuyện đau lòng. Tôi súc họng mỗi ngày, đảm bảo tuyệt đối các yêu cầu về phòng, chống dịch. Tôi không muốn việc dấn thân cá nhân lại làm gánh nặng thêm cho cơ quan y tế, nên tự biết bảo vệ mình. Tôi có lo sợ, nhưng với khao khát ghi nhận lại những sự kiện lịch sử trọng đại, tôi mong được cùng các lực lượng đặc biệt ngắm thành phố thân yêu trải qua ngày gian khó.
* Là một nhiếp ảnh gia lớn lên ở đây, hiểu rõ cốt cách của thành phố này, với những điều chứng kiến, hẳn anh cũng rất xốn xang?
- Ngay lúc lệnh giãn cách xã hội đưa ra theo từng cấp độ, đường phố thưa vắng dần, và đỉnh điểm - khi chỉ có những lực lượng đặc biệt như y tế, quân đội, báo chí… được ra đường, thành phố của tôi chưa bao giờ khác lạ như thế.
Những hẻm nhỏ được giăng dây, chợ thưa vắng, phố xá không người, tiếng còi từ xe cứu thương vang lên không ngừng… mọi thứ đều cho thấy một thành phố chìm trong đau thương. Nhưng cũng chính thời khắc đó, tình thương lại được thể hiện một cách rõ ràng nhất. Những hộp xôi thiện nguyện được gửi đến tận tay bà con. Những bó rau, gói mì được san sẻ. Một bộ phận lực lượng bộ đội khi đó khác lạ hơn, bởi họ làm công việc mà những bà nội trợ thường làm. Đau thương khiến lòng người chùn bước, nhưng khi những nghĩa cử cao đẹp nhất được bày tỏ, mọi người có thêm niềm tin, hy vọng về một ngày mai tươi sáng.
|
Chân dung bác sĩ tuyến đầu |
* Không đơn thuần giới thiệu ảnh được chụp, ở cuốn sách ảnh Sài Gòn COVID-19 (2021), anh sáng tạo hơn trong trình bày so với mười cuốn sách ảnh đã ra mắt trước đó. Quá trình làm mới này được anh dụng công ra sao?
- Tôi nghĩ trong cuộc đời làm nhiếp ảnh của mình, không có nhiều khoảnh khắc đặc biệt giống như tôi vừa trải qua, nên muốn cuốn sách và triển lãm lần này lột tả được sự xúc động, vừa phản ánh hiện thực, nhưng phải đảm bảo nghệ thuật.
Tôi để nhiều khoảng trắng trong sách giống như nhịp nghỉ về cảm xúc cho người xem. Xen giữa những tấm ảnh màu là nhiều bức ảnh đen trắng, rơi vào các khoảnh khắc đặc biệt đau thương để tạo ấn tượng. Ở cuốn sách này, tôi gửi lời mời để một số anh em, bạn bè, các nhân vật, lực lượng y bác sĩ đã công tác trong cao điểm dịch, hay đơn giản chỉ là một người dân của thành phố chứng kiến thời khắc lịch sử - viết vào sách đôi dòng cảm xúc. Tôi muốn nghe được tâm tư từ chính tôi và của nhiều người - những nhân chứng cho thời kỳ mà đến vài chục hay trăm năm sau, thế hệ tiếp nối sẽ cần biết để cảm nhận được rõ nhất những gì Sài Gòn đã trải qua.
* Được biết, tại triển lãm, anh sẽ tổ chức buổi tưởng niệm những nạn nhân đã mất vì COVID-19. Trong không gian trưng bày, liệu có phù hợp để buổi lễ diễn ra?
- Trong những ngày rong ruổi khắp thành phố chụp ảnh, tôi nguyện cầu khi nào cuốn sách ảnh được giới thiệu và triển lãm diễn ra, tôi sẽ tổ chức một buổi tưởng niệm phù hợp với không gian. Tại triển lãm, tôi sẽ phóng lớn bức ảnh chụp lại những hũ tro cốt của đồng bào qua đời vì COVID-19, từng được đặt tại Nhà tang lễ TP.HCM trước đó, xung quanh ảnh sẽ đặt nến và hoa cúc trắng. Đây là hình ảnh đã ám ảnh tôi nhiều ngày liền khi tác nghiệp. Tôi nhớ ngày đó, mình đã rơi nước mắt và lực lượng quân đội túc trực tại Nhà tang lễ TP.HCM cũng rưng rưng mỗi khi tôi gợi chuyện. Họ nghiêm cẩn, thực hiện trang trọng từng thủ tục nhỏ để đưa tiễn đồng bào, nhằm mong xoa dịu được nỗi đau cho người ở lại và nhẹ lòng người đi.
Tôi mừng vì thành phố giờ đây đã hồi sinh. Nhưng đi vào từng hẻm nhỏ, từng gia đình vẫn còn đó những nỗi đau chưa thể lành lặn. Tôi muốn động viên những người ở lại nén nỗi đau mất người thân để bước tiếp. Chúng ta vẫn còn một cuộc đời phía trước, chỉ nên nhìn lại quá khứ để trân trọng hôm nay, và mong cầu sự bình yên cho tất cả.
* Cảm ơn anh đã chia sẻ!
Diễm Mi (Thực hiện