Nhìn lại công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật TPHCM sau 50 năm đất nước thống nhất

23/11/2024 - 17:27

PNO - Ngày 23/11, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM tổ chức tọa đàm “Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật TPHCM 50 năm sau ngày đất nước thống nhất: thực trạng và giải pháp”.

Chủ trì tọa đàm có: ông Phan Nguyễn Như Khuê, ủy viên ban thường vụ Thành ủy, trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM; ông Nguyễn Thọ Truyền, phó trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM; và nghệ sĩ nhân dân Thanh Thúy, phó giám đốc sở Văn hóa và Thể thao TPHCM.
Chủ trì tọa đàm có: ông Phan Nguyễn Như Khuê, ủy viên ban thường vụ Thành ủy, trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM; ông Nguyễn Thọ Truyền, phó trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM; và nghệ sĩ nhân dân Thanh Thúy, phó giám đốc sở Văn hóa và Thể thao TPHCM.

Tại tọa đàm, các đại biểu đã trình bày tham luận và trao đổi quanh các vấn đề về: quan điểm, đường lối, văn hóa, văn nghệ của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong tiến trình xây dựng, phát triển lý luận phê bình (LLPB) văn hóa, văn học, nghệ thuật (VHNT) TPHCM 50 năm sau ngày đất nước thống nhất; sự kế thừa, đổi mới công tác LLPB VHNT 50 năm qua; thành tựu và hạn chế… cũng như đề xuất giải pháp trong việc xây dựng, phát triển LLPB văn hóa, VHNT TPHCM trong thời kỳ mới.

Theo đó, hầu hết ý kiến khẳng định thành tựu công tác LLPB VHNT TPHCM qua 50 năm, trong đó phải kể đến những bước đổi mới đã tác động tích cực đến công tác sáng tác, tiếp nhận, ủng hộ cái mới, cái tốt, cái tiến bộ trong hoạt động sáng tạo.

Thông qua việc đánh giá tác phẩm VHNT, công tác LLPB cũng giúp khích lệ tài năng trẻ, những thể nghiệm sáng tạo mới trong xu thế hội nhập toàn cầu với thế giới.

Toàn cảnh tọa đàm.
Tọa đàm nhận được sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu, giảng viên ngành văn hóa, người làm công tác LLPB và các văn nghệ sĩ.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức, nghiêm trọng là sự thiếu hụt trầm trọng nền tảng khoa học vững chắc, thiếu tính hệ thống cũng như một số tiêu chí để đánh giá tác giả, tác phẩm. Từ đó dẫn đến thiếu các khuynh hướng, trường phái phê bình đúng nghĩa, thiếu tính chiến đấu, thiếu sự gắn bó mật thiết giữa sáng tác, phê bình cũng như tiếp nhận.

Thiếu hụt cả đội ngũ làm công tác LLPB ở nhiều lĩnh vực; hoạt động LLPB chưa giải đáp được những vấn đề đời sống, còn xa rời thực tiễn sáng tác, chưa năng động, chưa thực hiện tốt chức năng hướng dẫn, điều chỉnh, đồng hành với sáng tác, thậm chí là thiếu nhạy bén chính trị, thiếu tính chiến đấu...

Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Phan Nguyễn Như Khuê cho biết, tọa đàm là cơ sở để ban tiếp thu, ghi nhận, chọn lọc, báo cáo để chuẩn bị cho tổng kết 50 năm VHNT TPHCM sau ngày đất nước thống nhất.

Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Phan Nguyễn Như Khuê phát biểu tổng kết tọa đàm.
Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Phan Nguyễn Như Khuê phát biểu tổng kết tọa đàm.

Ghi nhận các ý kiến, ông Khuê nhấn mạnh công tác LLPB VHNT phải vừa bảo vệ vừa tôn vinh, nâng tầm, phát triển bản sắc văn hóa dân tộc; kết hợp hài hòa giữa yếu tố truyền thống và tính hiện đại, giữa tính dân tộc và quốc tế, giữa tính phổ biến và sự đặc thù, giữa văn hóa đại chúng gắn kết văn hóa tinh hoa, giữa sự thống nhất và tính đa dạng của văn hóa VHNT; kế thừa và làm giàu lên vốn văn hóa dân tộc; cần đi đôi với tiếp thu chọn lọc, tinh hoa văn hóa nhân loại, giới thiệu, quảng bá giá trị văn hóa TPHCM ra bạn bè thế giới.

Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Phan Nguyễn Như Khuê cũng đưa ra 5 nhóm giải pháp nhằm xây dựng và phát triển LLPB VHNT trong thời gian tới.

Đó là: tiếp tục và không ngừng nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa, VHNT, của công tác LLPB VHNT trong công cuộc đổi mới, phát triển đất nước hiện nay, đặc biệt là từ trong cấp ủy đảng và chính quyền các cấp, nhất là người đứng đầu và đội ngũ lãnh đạo, quản lý văn hóa, văn nghệ.

Chủ động đổi mới LLPB một cách khoa học hiện đại, phù hợp truyền thống văn hóa - dân tộc, đáp ứng nhu cầu xã hội, gắn với quá trình toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Chú trọng quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong công tác LLPB, đồng thời mở rộng đối tượng tiếp nhận, tăng cường định hướng thẩm mỹ cho công chúng, đặc biệt là thanh thiếu niên

Định hướng trong công tác LLPB cũng cần thể hiện bản lĩnh chính trị, có tính định hướng, tính giáo dục, tính khoa học, tính học thuật chuyên nghiệp, chuyên sâu, sắc bén và hiệu quả

Tăng cường nội lực của nhà LLPB bằng sự đổi mới cơ chế, chính sách, quan tâm đãi ngộ về sức sáng tạo, tạo điều kiện để tác phẩm VHNT phục vụ tốt hơn, hiệu quả hơn trong đời sống xã hội.

Đông A

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI