Nhìn lại 10 sự kiện nổi bật của năm 2023

31/12/2023 - 13:36

PNO - Trong một thế giới kết nối chặt chẽ, chỉ 1 năm trôi qua cũng chứa đựng nhiều tin tức hơn những gì chúng ta có thể xử lý. Sau đây là 10 sự kiện nổi bật nhất năm 2023.

Ấn Độ vượt Trung Quốc trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới

Dân số thế giới tính đến ngày cuối cùng của năm 2023 là khoảng 8,082 tỷ người. Trước đó trong năm 2023, dân số Ấn Độ đã vượt qua Trung Quốc, trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới. Dân số ước tính của Ấn Độ là 1,4286 tỷ người, nhiều hơn một chút so với dân số Trung Quốc là 1,4257 tỷ người, theo số liệu từ Báo cáo Dân số Thế giới năm 2023 của Liên hiệp quốc.

Một nhà ga xe lửa đông đúc ở Mumbai, Ấn Độ. Ảnh: Atul Loke/The New York Times
Một nhà ga xe lửa đông đúc ở Mumbai, Ấn Độ. Ảnh: Atul Loke/The New York Times

Động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria

Từ sáng sớm ngày 6/2, một loạt trận động đất mạnh xảy ra ở các khu vực lân cận Syria và Thổ Nhĩ Kỳ khiến hơn 59.000 người thiệt mạng và hơn 130.000 người bị thương. Ít nhất 15,7 triệu người bị ảnh hưởng và hàng chục nghìn công trình bị phá hủy. Đây được cho là trận động đất lớn nhất ở khu vực Thổ Nhĩ Kỳ - Syria kể từ năm 1939.

Ông Abdulalim Muaini nằm dưới đống đổ nát cạnh thi thể vợ Esra, sau trận động đất chết người ở Hatay, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 8/2. Ảnh: REUTERS/Umit Bektas
Ông Abdulalim Muaini nằm dưới đống đổ nát cạnh thi thể vợ Esra, sau trận động đất chết người ở Hatay, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 8/2. Ảnh: REUTERS/Umit Bektas

Cuộc đua không gian nóng lên

Cuộc đua khai phá không gian đang thu hút sự quan tâm từ nhiều quốc gia và doanh nghiệp. 77 quốc gia có cơ quan không gian riêng và 16 trong số đó có khả năng gửi hàng hóa vào không gian. Ấn Độ đã làm nên lịch sử khi trở thành quốc gia thứ tư gửi phương tiện không người lái lên mặt trăng và là quốc gia đầu tiên thực hiện điều đó ở khu vực gần cực nam. Cơ quan không gian Mỹ NASA hy vọng sẽ đưa con người trở lại mặt trăng vào năm 2025.

Người dân ở Ấn Độ theo dõi cuộc đổ bộ của sứ mệnh Chandrayaan-3 từ màn hình lớn ở Ahmedabad, Ấn Độ, ngày 23/8. Ảnh: REUTERS/Amit Dave
Người dân ở Ấn Độ theo dõi cuộc đổ bộ của sứ mệnh Chandrayaan-3 từ màn hình lớn ở Ahmedabad, Ấn Độ, ngày 23/8. Ảnh: REUTERS/Amit Dave

Chiếc tàu lặn mất tích trên đường tìm đến Titanic

Vào ngày 18/6, tàu lặn Titan du lịch bị vỡ ở Bắc Đại Tây Dương khiến tất cả 5 người bên trong thiệt mạng. Chiếc tàu lặn này là một phần trong sứ mệnh du lịch biển mạo hiểm nhằm quan sát xác tàu Titanic, nằm ở độ sâu hơn 3.800 mét dưới mặt nước biển và có niên đại 111 năm.

Bức ảnh do công ty OceanGate Expeditions cung cấp cho thấy chiếc tàu lặn tên Titan trên đường đến tham quan khu vực xác tàu Titanic. Ảnh: AP/OceanGate Expeditions
Bức ảnh do công ty OceanGate Expeditions cung cấp cho thấy chiếc tàu lặn tên Titan trên đường đến tham quan khu vực xác tàu Titanic. Ảnh: AP/OceanGate Expeditions

Nội chiến tàn phá Sudan

Người dân Sudan đã trải qua một cuộc nội chiến khốc liệt. Các cuộc biểu tình dẫn đến việc quân đội Sudan lật đổ nhà cai trị lâu năm Omar al-Bashir vào tháng 4/2019 đã châm ngòi cho cuộc xung đột kéo dài tại quốc gia Bắc Phi.

Một gia đình người Sudan chạy trốn khỏi cuộc xung đột ở Murnei thuộc vùng Darfur của Sudan. Họ ngồi cạnh đồ đạc trong khi chờ được Cao ủy Liên hiệp quốc về người tị nạn (UNHCR) đăng ký, khi vượt qua biên giới giữa Sudan và Chad ở Adre, Chad, ngày 26/7. Ảnh: REUTERS/Zohra Bensemra
Một gia đình người Sudan chạy trốn khỏi cuộc xung đột ở Murnei thuộc vùng Darfur của Sudan. Họ ngồi cạnh đồ đạc trong khi chờ được Cao ủy Liên hiệp quốc về người tị nạn (UNHCR) đăng ký, khi vượt qua biên giới giữa Sudan và Chad ở Adre, Chad, ngày 26/7. Ảnh: REUTERS/Zohra Bensemra

Cuộc chiến Nga-Ukraine bước sang năm thứ hai

Cuộc xung đột diễn ra hơn 1 năm kể từ tháng 2/2022 không hề có dấu hiệu kết thúc. Về phía Ukraine, Tổng thống Volodymyr Zelensky cố gắng tổ chức một lực lượng quân đội và vũ khí ổn định nhờ vào viện trợ nước ngoài. Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh, cuộc chiến vẫn sẽ tiếp tục cho đến khi Kiev đạt được một thỏa thuận giúp xóa tan những lo ngại về an ninh của Moscow.

Bé Anastasia (4 tuổi) đứng cạnh tác phẩm nghệ thuật của nghệ sĩ đường phố nổi tiếng Tvboy ở Bucha, ngoại ô Kyiv, Ukraine ngày 29/1. Ảnh: REUTERS/Valentyn Ogirenko
Bé Anastasia (4 tuổi) đứng cạnh tác phẩm nghệ thuật của nghệ sĩ đường phố nổi tiếng Tvboy ở Bucha, ngoại ô Kyiv, Ukraine vào ngày 29/1. Ảnh: REUTERS/Valentyn Ogirenko

Trí tuệ nhân tạo (AI) mang đến nhiều hứa hẹn và nguy hiểm

Công nghệ dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI) và mô hình ngôn ngữ lớn không chỉ đạt được nhiều tiến bộ vào năm 2023 mà các tổ chức, chính phủ, doanh nghiệp và người dân cũng hành động nhanh chóng để tận dụng lợi thế của công nghệ.

Xu hướng này dẫn đến các cuộc thảo luận căng thẳng về việc liệu AI sẽ mở ra một kỷ nguyên mới về sự khéo léo và thịnh vượng của con người hay mở ra chiếc hộp Pandora dẫn đến một tương lai đáng sợ.

ChatGPT mở ra xu hướng sử dụng trí tuệ nhân tạo trong đời sống hàng ngày. Ảnh: Tạp chí Phố Wall
ChatGPT mở ra xu hướng sử dụng trí tuệ nhân tạo trong đời sống hàng ngày. Ảnh: Tạp chí Phố Wall

Nhiệt độ toàn cầu phá vỡ kỷ lục

2023 có thể là năm nóng nhất từng được ghi nhận. Nhiệt độ trung bình toàn cầu chưa từng cao như vậy trong suốt 125.000 năm qua. Mặt khác, nhiệt độ toàn cầu có nguy cơ tăng quá giới hạn 2oC được quy định trong Thỏa thuận Paris 2015. Kết quả, các hiện tượng thời tiết cực đoan trên toàn cầu diễn ra thường xuyên và nghiêm trọng hơn, từ cháy rừng lịch sử, hạn hán khắc nghiệt cho đến lũ lụt kỷ lục.

Một nhà nghiên cứu từ Viện Phát triển bền vững Mamiraua vớt những con cá heo chết từ sông Solimoes sau đợt hạn hán ở Tefe, bang Amazonas, Brazil, ngày 2/10. Ảnh: REUTERS/Bruno Kelly
Một nhà nghiên cứu từ Viện Phát triển bền vững Mamiraua vớt những con cá heo chết từ sông Solimoes sau đợt hạn hán ở Tefe, bang Amazonas, Brazil, ngày 2/10. Ảnh: REUTERS/Bruno Kelly

Chiến tranh Israel-Hamas

Hơn 20.000 người Palestine đã thiệt mạng và hàng chục nghìn người khác bị thương trong cuộc xung đột Israel-Hamas đang tiếp diễn ở Gaza. Cuộc chiến khiến 90% trong số 2,3 triệu người sống ở dải đất hẹp bị bao vây phải chạy trốn. Cuộc tấn công bất ngờ của Hamas nhắm vào Israel ngày 7/10, làm khoảng 1.200 người Israel thiệt mạng, đã châm ngòi trận chiến đầy chết chóc.

Những người thân than khóc bên cạnh thi thể của Mapal Adam, trong đám tang của cô ở Tel Aviv, Israel, vào ngày 11/10. Adam bị phiến quân Hamas giết chết vào ngày 7/10 trong vụ thảm sát xuyên biên giới khiến hơn 1.200 người thiệt mạng. Ảnh: AP/Francisco Seco
Người thân than khóc bên cạnh thi thể của Mapal Adam, trong đám tang của cô ở Tel Aviv, Israel, vào ngày 11/10. Adam bị phiến quân Hamas giết chết vào ngày 7/10 trong vụ thảm sát xuyên biên giới khiến hơn 1.200 người thiệt mạng. Ảnh: AP/Francisco Seco

Cháy rừng chết người ở Hawaii

Đầu tháng 8/2023, hàng loạt vụ cháy rừng bùng phát ở bang Hawaii, Mỹ, chủ yếu là trên đảo Maui. Các đám cháy gây thiệt hại trên diện rộng, khiến ít nhất 100 người thiệt mạng và 4 người mất tích tại thị trấn Lahaina lịch sử ở phía tây bắc Maui. Sự phát triển nhanh chóng các vụ cháy rừng được cho là do điều kiện khô ráo, gió giật do vùng áp suất cao ở phía bắc Hawaii và Bão Dora ở phía nam tạo ra. Thị trấn Lahaina đã mở cửa trở lại cho người dân địa phương và doanh nghiệp vào giữa tháng 12 sau nhiều tháng dọn dẹp.

Ánh nắng xuyên qua đám mây trên đống đổ nát từ trận cháy rừng ở thị trấn Lahaina, Hawaii, ngày 10/8. Ảnh: AP/Rick Bowmer
Ánh nắng xuyên qua đám mây trên đống đổ nát từ trận cháy rừng ở thị trấn Lahaina, Hawaii, ngày 10/8. Ảnh: AP/Rick Bowmer

Tấn Vĩ (theo Reuters, AP, Times of India)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI