Nhìn lại 10 nhóm sự kiện nổi bật của năm 2019

28/12/2019 - 14:00

PNO - Sự thay đổi nhanh chóng của thế giới có thể khiến bạn khó nắm bắt những câu chuyện tin tức lớn nhất trong năm, từ sự hỗn loạn ở Washington đến các cuộc biểu tình. Sau đây, là 10 nhóm sự kiện quan trọng của năm 2019.

10. Đàm phán hạt nhân giữa Mỹ và Triều Tiên

Tổng thống Donald Trump đã làm nên lịch sử vào ngày 30/6 khi ông trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên đặt chân đến Triều Tiên. Cuộc gặp ở Khu phi quân sự diễn ra bốn tháng sau khi ông Trump và Chủ tịch Kim Jong-un gặp nhau tại Hà Nội.

Dù vậy, không cuộc họp song phương nào tạo ra tiến bộ rõ rệt. Các nhà đàm phán tiếp tục gặp nhau vào ngày 5/10, nhưng cuộc đàm phán đã kết thúc sau tám giờ mà không có thỏa thuận.

Đầu tháng 12, Bình Nhưỡng cảnh báo Mỹ về “món quà Giáng sinh” tùy thuộc thành ý từ Tổng thống Trump, nhưng cuối cùng may mắn không có vấn đề nào xảy ra. Triển vọng cho cuộc đàm phấn hạt nhân vào năm 2020 xem chừng cũng chẳng tốt hơn.

Nhin lai 10 nhom su kien noi bat cua nam 2019
Ông Trump trở thành Tổng thống Mỹ đầu tiên từng đến Triều Tiên.

9. Brexit khuấy động chính trị Anh

Anh kết thúc năm 2019 với viễn cảnh tương lai rõ ràng về Brexit, nhưng phải mất một hành trình đầy biến động để đến ngày hôm nay. Năm 2019 bắt đầu với việc nước này phải đối mặt với thời hạn 29/3 để rời Liên minh châu Âu (EU).

Dù vậy, Thủ tướng Theresa May không thể thuyết phục được Hạ viện phê chuẩn thỏa thuận mà bà đã ký với EU. Vào tháng 5, bà May buộc phải trì hoãn Brexit cho đến ngày 31/10, và sau đó từ chức sau khi Hạ viện bỏ phiếu ba lần nhưng vẫn chưa thể thông qua thỏa thuận.

Ông Boris Johnson giành được phiếu bầu của Đảng Bảo thủ, trở thành thủ tướng vào ngày 24/7. Thủ tướng Johnson tiếp tục gia hạn Brexit đến ngày 31/1/2020, và kêu gọi một cuộc bầu cử nhanh Hạ viện. Cử tri Anh đứng về phía ông; đảng Bảo thủ đã giành chiến thắng lớn nhất trong hơn ba thập kỷ. Vào ngày 20/12, Nghị viện đã bỏ phiếu, đồng ý để Anh rời khỏi EU vào ngày 31/1.

Nhin lai 10 nhom su kien noi bat cua nam 2019
Thủ tướng Boris Johnson dự kiến sẽ đưa nước Anh rời khỏi khối Eu vào cuối tháng 1/2020.

8. Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc tiếp diễn.

Trở lại tháng 3/2018, Tổng thống Donald Trump đăng trên Twitter rằng các cuộc chiến tranh thương mại là “tốt” và “Mỹ dễ giành chiến thắng”. Nhưng dường như đó khong phải là cuộc chiến thương mại với Trung Quốc.

Vào tháng 2/2019, ông Trump đã trì hoãn áp dụng một đợt thuế quan mới đối với hàng hóa Trung Quốc trong nỗ lực cung cấp cho các nhà đàm phán thời gian để đạt được thỏa thuận. Vào tháng 5, ông kết luận rằng các cuộc đàm phán chưa tiến triển và áp đặt một đợt thuế quan mới.

Vào tháng 6, Tổng thống Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đồng ý tại hội nghị thượng đỉnh G-20 rằng sẽ thúc đẩy các cuộc đàm phán thương mại. Tuy nhiên, vào tháng 8, Mỹ lại tuyên bố sẽ áp thuế đối với hàng hóa trị giá 300 tỷ USD từ Trung Quốc kể từ ngày 1/9. Mười hai ngày sau, ông Trump quyết định trì hoãn một nửa mức thuế đó cho đến ngày 15/12.

Đáp lại vào ngày 23/8, Trung Quốc công bố mức thuế đối với số hàng hóa trị giá 75 tỷ USD từ Mỹ. Các nhà đàm phán tiếp tục gặp nhau, và vào ngày 11/10, họ đã đạt được các điều khoản dự kiến ​​về Thỏa thuận Giai đoạn 1. Tuy nhiên, thỏa thuận không giải quyết được sự khác biệt lớn giữa hai siêu cường kinh tế, và cho thấy năm 2020 có thể tiếp tục đi cùng sóng gió trên mặt trận thương mại.

Nhin lai 10 nhom su kien noi bat cua nam 2019
Thỏa thuận Giai đoạn 1 vẫn chưa giải quyết được những bất đồng chính giữa hai quốc gia.

7. Những cuộc di cư từ Trung Mỹ tăng mạnh

Bức ảnh người cha và con gái từ El Salvador bị chết đuối khi cố vượt qua sông Rio Grande hồi tháng 4/2019 tượng trưng cho quá trình xin tị nạn khó khăn của người dân Trung Mỹ tại miền đất hứa. Sự gia tăng những người xin tị nạn tại biên giới phía nam nước Mỹ đã áp đảo hệ thống tiếp nhận.

Nhiều người xin tị nạn chạy trốn bạo lực và đói nghèo ở El Salvador, Guatemala và Honduras. Theo luật pháp Mỹ, bất kỳ ai đến biên giới Mỹ và có thể chứng minh rằng họ dễ gặp nguy hiểm nếu ở lại quê hương sẽ được tạm nhập cảnh vào Mỹ trong khi đơn xin tị nạn của họ được xem xét thêm.

Vào tháng 3/2019, chính quyền Tổng thống Trump đã thúc đẩy El Salvador, Guatemala và Honduras cố gắng hơn trong việc giữ người di cư ở lại bằng cách đóng băng viện trợ của Mỹ cho cả ba quốc gia, mặc dù một số viện trợ đã được khôi phục vào tháng 6.

Chính quyền cũng thúc ép các nước Mỹ Latinh ký thỏa thuận về nước thứ ba an toàn trên đất liền, yêu cầu người di cư phải xin tị nạn tại các quốc gia mà họ quá cảnh trước khi đến Mỹ.

Nhin lai 10 nhom su kien noi bat cua nam 2019
Hàng ngàn người di cư Trung Mỹ tìm cách đến Mỹ để có cuộc sống tốt hơn, nhưng phần lớn đều bị từ chối tiếp nhận.

6. Căng thẳng bùng phát ở Vịnh Ba Tư.

Chiến tranh ở Vịnh Ba Tư dường như sẵn sàng nổ ra tại một số điểm vào năm 2019. Vào tháng 5, bốn tàu thương mại đã bị tấn công trong khi neo đậu ngay bên ngoài eo biển Hormuz mà qua đó khoảng 1/5 số tàu chở dầu thế giới đi qua.

Mỹ cáo buộc Iran là người chịu trách nhiệm trực tiếp về các cuộc tấn công này, một cáo buộc mà Iran phủ nhận. Vào ngày 6/6, phiến quân Houthi đã bắn hạ một máy bay không người lái của Mỹ ở Yemen với sự giúp đỡ từ Iran.

Hai tuần sau, Iran bắn hạ một máy bay không người lái của Mỹ mà họ cho là đã vi phạm không phận Iran, đến lượt Mỹ phủ nhận cáo buộc. Vào ngày 18/7, tàu Hải quân Mỹ ở Eo biển Hormuz đã phá hủy một máy bay không người lái của Iran.

Sau đó vào ngày 14/9, máy bay không người lái đã tấn công hai nhà máy lọc dầu lớn của Ả Rập Saudi, tạm thời làm giảm một nửa sản lượng dầu của nước này. Mỹ và các cường quốc châu Âu kết luận Iran là kẻ chịu trách nhiệm.

Vào tháng 10, Mỹ tuyên bố sẽ gửi thêm 3.000 binh sĩ và một số hệ thống phòng thủ tên lửa đến khu vực để bảo vệ Ả Rập Saudi. Vào cuối năm 2019, nguồn tin “hành lang” cho biết dự kiến sẽ có thêm 14.000 lính Mỹ triển khai tới Ả Rập Saudi.

Nhin lai 10 nhom su kien noi bat cua nam 2019
Thiệt hại tại nhà máy lọc dầu của Saudi Aramco sau vụ tấn công bằng máy bay không người lái.

5. Rừng Amazon bốc cháy

Giữa lúc câu hỏi về tác động của biến đổi khí hậu vẫn chưa ngã ngũ, rừng Amazon ở Brazil đã trở thành một minh chứng thực tế. Trong nhiều thập kỷ, lâm tặc và nông dân đã lấn chiếm rừng nhiệt đới Amazon, phát quang bằng lửa để có đất trồng trọt và chăn thả gia súc. Hơn 80.000 vụ cháy được ghi nhận vào năm 2019, nhiều nhất trong một thập kỷ.

Các nhà phê bình đổ lỗi cho các chính sách của Tổng thống Brazil - Jair Bolsonaro - vì đã cho phép, nếu không nói là khuyến khích, sự phá hủy bừa bãi rừng nhiệt đới. Vào tháng 8, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đăng trên Twitter: “Ngôi nhà của chúng ta đang cháy. Theo đúng nghĩa đen”.

Ngay sau đó, ông Bolsonaro phản bác Tổng thống Macron và các nhà phê bình khác, cáo buộc họ tấn công chủ quyền của Brazil và từ chối lời đề nghị viện trợ để giúp chống lại đám cháy. Đầu tháng 9, ông Bolsonaro ký một hiệp ước với một số quốc gia Nam Mỹ khác để thiết lập giám sát vệ tinh về rừng mưa nhiệt đới.

Năm 2019 kết thúc với các nhà khoa học cảnh báo rằng nạn phá rừng ở Amazon đã đạt đến điểm có thể biến nơi đây trở thành thảo nguyên, điều này sẽ giải phóng hàng tỷ tấn carbon vào khí quyển.

Nhin lai 10 nhom su kien noi bat cua nam 2019
Thói quen đốt rừng lấy đất canh tác biến một phần lớn diện tích rừng Amazon tại Brazil thành than tro.

4. Ấn Độ theo đuổi chủ nghĩa dân tộc

Ấn Độ sẽ đi về đâu? Đó là một câu hỏi phổ biến khi năm 2019 kết thúc. Vào tháng 5/2019, Thủ tướng Narendra Modi đã giành được một chiến thắng tuyệt vời trong cuộc bầu cử quốc hội ở Ấn Độ, khi Đảng Bharatiya Janata (BJP) của ông tăng đa số trong bối cảnh cử tri đi bầu cao nhất trong lịch sử Ấn Độ.

Quy mô của chiến thắng đã thúc đẩy suy đoán rằng Modi sẽ thúc đẩy một chương trình nghị sự mang tính dân tộc Hindu giáo.

Vào tháng 8, ông bãi bỏ quyền tự trị mà Kashmir được hưởng từ khi độc lập và được quy định trong Hiến pháp Ấn Độ. Động thái này đi kèm với lệnh giới nghiêm và ngừng cấp điện điện bắt buộc, dẫn đến các vụ bắt giữ hơn 5.000 người ở khu vực mà đa số theo Hồi giáo.

Ông Modi lập luận rằng chính sách mới này sẽ thúc đẩy sự phát triển kinh tế, chống tham nhũng và chấm dứt phân biệt giới tính và phân biệt tôn giáo ở Kashmir.

Các nhà phê bình bác bỏ quan điểm của ông Modi, cáo buộc hành động nhằm che đậy việc Hindu hóa khu vực. Những lời chỉ trích càng gay gắt hơn vào tháng 12 khi Quốc hội Ấn Độ thông qua một đạo luật gây tranh cãi, tạo ra con đường trở thành công dân cho những người di cư không theo đạo Hồi từ những nơi khác ở Nam Á.

Nhin lai 10 nhom su kien noi bat cua nam 2019
Với 15% dân số theo đạo Hồi, dường như những cuộc biểu tình tại Ấn Độ sẽ khó lắng xuống trong thời gian ngắn.

3. Mỹ chấm dứt hỗ trợ cho người Kurd ở Syria

Bắt đầu từ năm 2014, Mỹ đã hỗ trợ người Kurd tại Syria chống lại sức mạnh đang lên của Nhà nước Hồi giáo IS. Liên minh này là công cụ để lấy lại lãnh thổ mà Nhà nước Hồi giáo chiếm đóng; người Kurd tại Syria đã mất 11.000 binh lính trong nỗ lực này.

Tuy nhiên, vào tháng 12/2018, Tổng thống Trump tuyên bố sẽ rút quân đội Mỹ khỏi Syria, một quyết định khiến Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis phải từ chức.

Vào ngày 7/10, sau cuộc điện thoại với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, ông Trump tuyên bố rút Lực lượng đặc biệt Mỹ khỏi miền bắc Syria. Thậm chí, một số đồng minh gần nhất của tổng thống đã gọi hành động này là thảm họa. Và thật sự “thảm họa” đã xảy ra hai ngày sau đó khi Thổ Nhĩ Kỳ xâm chiếm Syria.

Mặc dù vậy, vào cuối năm, quân đội Mỹ và người Kurd tại Syria đã nối lại các hoạt động chống khủng bố chống lại lực lượng tàn dư của Nhà nước Hồi giáo IS. Trong khi đó, các chuyên gia vẫn tranh luận về hậu quả từ chính sách đối ngoại khó lường của Mỹ.

Nhin lai 10 nhom su kien noi bat cua nam 2019
Liên minh giữa Mỹ và lực lượng người Kurd ở Syria trở nên yếu đi dưới thời Tổng thống Trump.

2. Hạ viện Mỹ luận tội Tổng thống Donald Trump

Bản Báo cáo của Công tố viên đặc biệt Robert Mueller phát hành vào tháng 4 không cho thấy nhóm bầu cử của ông Trump thông đồng với Nga trong chiến dịch tranh cử năm 2016, nhưng rõ ràng đã từ chối việc miễn trách Tổng thống về các cáo buộc cản trở công lý.

Ban đầu, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi từ chối mở điều tra luận tội, nhưng đã thay đổi quyết định khi một người tố giác nặc danh đưa ra cáo buộc hồi tháng 8 rằng ông Trump đang sử dụng quyền lực để gây áp lực với Ukraine, trong việc điều tra lãnh đạo đảng Dân chủ Joe Biden và con trai ông này.

Vào ngày 24/9, bà Pelosi đã đưa ra một cuộc thăm dò luận tội chính thức. Ngày hôm sau, Nhà Trắng đã phát hành bản sao cuộc gọi vào ngày 25/7 của ông trump với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.

Ngày 8/10, Nhà Trắng tuyên bố sẽ không hợp tác với những gì họ coi là thủ tục tố tụng bất hợp pháp về việc luận tội tổng thống.

Vào ngày 18/12, Hạ viện đã bỏ phiếu phê chuẩn hai điều khoản luận tội. Khi năm 2019 kết thúc, không rõ khi nào bà Pelosi sẽ gửi các báo cáo luận tội tới Thượng viện, nơi mà có lẽ đã sẵn sàng để nhanh chóng loại bỏ chúng.

Nhin lai 10 nhom su kien noi bat cua nam 2019
Ông Trump trở thành Tổng thống thứ ba của Mỹ từng bị luận tội.

1. Người biểu tình xuống đường

“Năm của những cuộc biểu tình” có thể là bản tóm tắt thích hợp nhất cho năm 2019. Đặc khu Hồng Kông thu hút được nhiều sự chú ý nhất. Phong trào biểu tình xuất phát từ một dự luật dẫn độ mà các nhà phê bình cho rằng đã vi phạm chính sách “một quốc gia, hai hệ thống” chi phối mối quan hệ giữa thành phố với Trung Quốc đại lục.

Thay vì giảm dần, các cuộc biểu tình phát triển thành phong trào đòi quyền dân chủ. Các ứng cử viên theo đường lối dân chủ đã chiến thắng áp đảo các ứng cử viên thân Trung Quốc trong cuộc bầu cử địa phương tháng 11 của Hồng Kông, thiết lập một cuộc đối đầu tiềm năng với Bắc Kinh vào năm 2020.

Các cuộc biểu tình cũng làm náo loạn nhiều quốc gia khác. Người Algeria đã xuống đường vào tháng 2, buộc Tổng thống Abdelaziz Bouteflika phải từ chức.

Vào tháng 4, những người biểu tình Sudan đã đẩy Tổng thống Omar Hassan al-Bashir ra khỏi vị trí lãnh đạo. Vào tháng 10, chính sách tăng giá vé phương tiện công cộng khiến người Chile xuống đường để phản đối sự bất bình đẳng, trong khi một đề xuất thuế ở Lebanon trên WhatsApp hứng chịu cơn giận dữ từ người dân.

Các cuộc biểu tình làm rung chuyển Iraq bắt đầu vào tháng 10 khi những người biểu tình phản đối chính sách của nhà cầm quyền. Vào tháng 11, sự chấm dứt các khoản trợ cấp nhiên liệu đẩy người Iran ra đường, đặt ra câu hỏi về tương lai của chế độ tại Iran.

Các cuộc biểu tình cũng làm rung chuyển Bolivia, Ấn Độ, Nicaragua và Nga. Trước nỗi lo rằng chủ nghĩa độc đoán đang gia tăng, hàng triệu người tiếp tục mạo hiểm cuộc sống để buộc các chính phủ đáp ứng mong muốn của họ.

Nhin lai 10 nhom su kien noi bat cua nam 2019
Hồng Kông rơi vào suy thoái sau hơn 6 tháng biểu tình.

Những câu chuyện khác đáng lưu ý vào năm 2019

Vào tháng 1, Juan Guiadó tuyên bố trở thành tổng thống Venezuela, tuân thủ hiến pháp Venezuela và với sự hỗ trợ của Mỹ cùng hàng chục quốc gia khác, nhưng Tổng thống đương nhiệm Nicolás Maduro đã từ chối từ chức.

Vào tháng 2, Macedonia đổi tên thành Bắc Macedonia. Vào tháng 3, một kẻ cực đoan theo chủ nghĩa da trắng đã livestream vụ tấn công nhà thờ Hồi giáo ở thành phố Christchurch, New Zealand, khiến 51 người chết. Vào tháng 4, lửa tàn phá Nhà thờ Đức Bà lịch sử tại Paris.

Hoàng đế Naruhito đã đăng cơ ngai vàng Hoa cúc vào tháng 5 sau sự thoái vị của cha mình. Việc lên ngôi của ông chỉ chính thức hoàn thành vào tháng 10.

Nhin lai 10 nhom su kien noi bat cua nam 2019
Greta Thunberg đã khiến cả thế giới phải ngưỡng mộ vì cuộc đấu tranh không nghỉ của cô dành cho môi trường và thế hệ tương lai.

Vào tháng 9, Tổng thống Trump tuyên bố rằng các cuộc đàm phán hòa bình với Taliban “đã chết”, một tuyên bố mà ông rút lại ba tháng sau đó. Vào tháng 10, Lực lượng đặc biệt Mỹ đã giết chết Abu Bakr al-Baghdadi, thủ lĩnh Nhà nước Hồi giáo IS.

Nhà lãnh đạo Myanmar - Aung Sang Suu Kyi - xuất hiện tại Tòa án Công lý Quốc tế ở The Hague vào tháng 12 để bác bỏ bằng chứng rằng quân đội phạm tội diệt chủng đối với người Rohingya, dẫn đến những lời kêu gọi tước giải Nobel Hòa bình của bà.

Tháng 12, Greta Thunberg - nhà hoạt động khí hậu 16 tuổi đến từ Thụy Điển – trở thành người trẻ nhất từng được tạp chí TIME vinh danh là Nhân vật của năm.

Tấn Vĩ (Theo CFR, Foreign Policy)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI