Nhịn đi cầu hơn 1 tháng, phân bé gái gần như hóa đá

12/04/2017 - 06:00

PNO - Ngại đi vệ sinh ở trường vì lạ chỗ, bé nín nhịn. Lúc người nhà phát hiện thì bé đã nhịn đi cầu hơn 1 tháng, phân bé gái gần như hóa đá.

Táo bón đến nỗi ai sờ vào bụng cũng cảm nhận được phân

Một bé gái 7 tuổi được gia đình đưa đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM cấp cứu trong tình trạng bé đau bụng  dữ dội, bụng trương to, người gầy gò, xanh xao, sức khỏe gần như kiệt quệ. Khi các bác sĩ tại đây thăm khám, đặt tay lên bụng bé, ai cũng giật mình vì cảm nhận được…phân đầy bụng bé.

Bác sĩ CKI Nguyễn Việt Trường, Phó Khoa Tiêu hóa, bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM cho biết: “Khi hỏi về bệnh sử, chúng tôi biết được đã hơn 1 tháng bé gái này nhịn đi cầu, nhưng vì mọi khi bé tự đi vệ sinh nên người nhà không để ý. Bụng bé chứa đầy phân, phân nhiều và cứng như… đá, chỉ cần chạm tay vào là cảm nhận được ngay. Bé gái phải điều trị một khoảng thời gian khá dài mới có thể ổn định được.”

Việc điều trị cho bé gái gặp rất nhiều khó khăn vì phải giải quyết lượng phân đầy cả ruột. Nhịn đi cầu nhiều ngày khiến bé gần như không có phản xạ rặn.

Các bác sĩ buộc phải đưa dụng cụ thụt tháo vào hậu môn bé để sụt rửa. Mất 4 ngày liên tiếp thụt rửa thì bác sĩ tại khoa mới đẩy được hết phần phân cũ ra ngoài, vì nhịn đi cầu hơn 1 tháng, phân bé gái gần như… hóa đá.

“Nếu bé nhịn đi cầu khoảng 4 ngày thì có thể điều trị bằng cách bơm thuốc vào hậu môn, nhưng bé gái này nhịn quá lâu, buộc chúng tôi phải điều trị bằng cách sụt rửa. Mỗi lần thụt rửa cho bé phải cần đến ít nhất hai nhân viên hỗ trợ. Càng hạn chế đau đớn cho bé càng tốt, để sau này bé không bị ám ảnh mỗi khi đi cầu. Hiện tại bé gái đã được điều trị, tập đi cầu bình thường trở lại và xuất viện”, bác sĩ Trường cho biết thêm.

Nhin di cau hon 1 thang, phan be gai gan nhu hoa da
Hiện sức khỏe bé A. đã ổn định, có cảm giác thèm ăn trở lại, bé cũng có thể tự đi cầu nhưng vì trước đó quá đâu nên vẫn còn ám ảnh, mẹ của bé phải động viên rất nhiều.

Hay như trường hợp của bé P.H.A (5 tuổi, quê Tiền Giang) bỗng đau bụng dữ dội, đau đến nỗi bé không thở được, không thể nằm ngửa, cứ ôm bụng thở dốc.

Thấy con quá đau, chị Lê Kim Thúy (26 tuổi, mẹ bé A.) lập tức đưa con đến một bệnh viện ở quê để điều trị. Các bác sĩ tại đây làm các xét nghiệm nhưng không biết bệnh của bé nên khuyên chị Thúy chuyển viện.

Bé A. được chuyển tới bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM trong tình trạng xanh xao, ôm bụng đau khóc, bụng căn cứng, thở hắt. Sau khi thăm khám, bác sĩ phát hiện bé bị táo bón nặng. Vì A. được người nhà phát hiện sớm nên việc điều trị cho bé tương đối đơn giản hơn bé gái trước đó.

Bé A. được tập tự đi cầu sau khi dùng thuốc hỗ trợ. Hiện tại sức khỏe bé đã ổn định, bé ăn được nhiều hơn, có thể tự đi cầu nhưng vẫn còn đau và ra máu hậu môn.

Chị Thúy nói: “Tuy cháu tự đi vệ sinh nhưng lúc nào bé đi xong tôi cũng làm vệ sinh cho bé, những ngày đó tôi vẫn thấy bé đi nhưng phân ít, nhỏ và hơi cứng. Tôi chỉ nghĩ vì con ít uống nước nên bị như vậy. Đến khi bé đau dữ quá, đi khám mới biết bé bị bệnh này.”

Theo chị Thúy, nguyên nhân do cháu chỉ thích ăn khô, chứ không chịu ăn canh, cũng không ăn rau trong những bữa cơm hằng ngày.

Vì A. biếng ăn nên con ăn cơm được là mừng, chị ít khi ép bé ăn rau củ, thay vào đó chị Thúy sẽ nhắc nhở bé uống nước nhiều lần thế nhưng bé A. vẫn bị táo bón nặng.

Táo bón ở trẻ em ngày càng tăng

Không riêng gì trường hợp của hai bé trên mà tỉ lệ trẻ em mắc bệnh táo bón ngày càng tăng. Mỗi ngày, khoa Tiêu hóa của bệnh viện tiếp nhận khoảng 100 trẻ em đến khám, điều trị.

Trong đó, 20% trẻ phải điều trị táo bón. Nhiều phụ huynh thường “bỏ quên” việc đi vệ sinh của trẻ, vì vậy có trẻ được đưa đến bệnh viện cầu cứu khi sức khỏe đã kiệt quệ, sụt cân nhanh, hô hấp khó khăn… mất nhiều thời gian để điều trị.

Nhin di cau hon 1 thang, phan be gai gan nhu hoa da
Theo bác sĩ Trường, trẻ chưa đi học người lớn thường nhắc nhở trẻ đi cầu, nhưng khi trẻ được 3-5 tuổi (độ tuổi vừa bước vào mẫu giáo) thì dễ bị táo bón.

Ở trường, có thể trẻ muốn đi vệ sinh nhưng vì chưa quen cô giáo nên sợ và nín nhịn. Cũng có thể trẻ bị lạ chỗ, giờ giấc đi vệ sinh bị đảo ngược, trẻ mê chơi… quá thời gian quen thuộc nên trẻ quên luôn cảm giác muốn đi cầu.

Giáo viên nghĩ rằng trẻ đã được đi vệ sinh ở nhà nên sẽ không nhắc nhở trẻ. Ngược lại, phụ huynh cũng nghĩ trẻ đã đi ở trường nên không để ý. Từ đó, trẻ ngày càng nín nhịn và mắc bệnh táo bón nặng hơn.

Với những trẻ từ 6 tuổi trở lên đã có thể tự đi vệ sinh, nhưng ở độ tuổi này trẻ sẽ có cảm giác ngại đi chỗ lạ. Lên trường trẻ có nhu cầu nhưng lạ chỗ nên “để giành” về nhà đi. Khi về đến nhà, trẻ lại hết muốn đi.

Qua nhiều ngày, trẻ sẽ bị bón nhẹ, đau bụng nhẹ, trẻ cũng tự đi cầu nhưng khi rặn thì bị đau, chảy máu hậu môn nên sợ không đi nữa. Dần dần, trẻ quên luôn việc đi cầu. Từ đó phân bị dồn ứ đến nỗi lắp đầy  bụng và trẻ luôn có cảm giác no, biếng ăn, sức khỏe giảm sút.

“Có thể thứ 7, chủ nhật trẻ ở nhà ba mẹ cũng nhắc nhở trẻ. Có trẻ đi được ít, có trẻ không đi nhưng họ lại nghĩ chỉ một hai ngày không đi cũng không sao nên nhiều trẻ nhịn suốt thời gian dài mà người lớn không hề hay biết. Khi trẻ nín nhịn thì phân sẽ càng ngày càng ứ, trẻ bị táo bón ngày càng nặng, tới nỗi bị xoắn phân. Phân bị xoắn cứng đến mức ruột chỉ còn những lỗ nhỏ len lỏi để tiết ra các chất dịch. Chất dịch này bị xoắn ra ngoài nhưng bé không có cảm giác đi cầu. Tức là bé hoặc người lớn ngửi được mùi hôi mới biết là bé đã đi cầu.”, bác sĩ Trường nói thêm.

Phụ huynh nên để ý đến việc đi cầu của trẻ, nếu trẻ không đi cầu từ 2-3 ngày, trẻ rặn nhiều, rặn đỏ mặt hoặc bị chảu máu hậu môn, đi phân to, khô chặt. Trẻ biếng ăn, bụng phình to, thở nặng nhọc, sụt cân, suy dinh dưỡng, suy kiệt sức khỏe, quấy khóc đòi mẹ, sợ đi cầu…. thì rất có thể trẻ bị bệnh táo bón.

Lúc này phụ huynh nên hỗ trợ trẻ bằng cách bơm thuốc giúp trẻ dễ đi hơn, khi trẻ đi được thì nên tập lại thói quen, giờ giấc đi cầu cho trẻ trong ngày. Tuyệt đối không lạm dụng thuốc bơm, khi trẻ được bơm nhiều lần trẻ sẽ không còn phản ứng rặn, hay cảm giác muốn đi cầu nữa. Lúc này bệnh càng nặng thêm.

Nếu sau 4 ngày trẻ vẫn không thể đi cầu được, gia đình nên đưa trẻ đến bệnh viện. Việc bắt trẻ rặn nhiều lần, trẻ có thể bị sa trực tràng, chảy máu hậu môn, bị trĩ rất đau đớn. Thậm chí phân bị ứ lâu ngày trong ruột cũng gây ra nhiễm khuẩn, nhiễm trùng dẫn tới trẻ bị viêm ruột cấp, tắc ruột do phân.

Gia đình và nhà trường nên phối hợp để hỗ trợ cho trẻ trong việc đi vệ sinh, phụ huynh không nên đặt trách nhiệm này lên giáo viên. Họ chỉ có thể theo dõi, hỗ trợ trẻ khi ở trường.

Bên cạnh đó, trẻ cần được bổ sung rau củ, canh,… những loại thức ăn chứa chất xơ, cho trẻ uống nhiều nước.

Người nhà nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế có chuyên khoa về tiêu hóa càng sớm càng tốt. Tại đây, bác sĩ có thể hỗ trợ tập đi vệ sinh cho trẻ và có những liệu pháp điều trị hợp lý để tránh các hệ quả nghiêm trọng sau này.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI