Nhìn con trước vành móng ngựa

07/07/2017 - 14:19

PNO - Có ai đo đếm được sự bất lực lớn lao khi cha mẹ chứng kiến phút những đứa con gục đầu trước vành móng ngựa nghe tòa tuyên án.

Vậy là sau những ngày lao tù tạm giam, những ngày đứng trong vành móng ngựa đối đáp cân não vì sự sống còn của mình, cô hoa hậu trong phiên kiện tụng thị phi đã được tòa cho tại ngoại điều tra.

Chút không khí tự do ít ỏi nhưng là vô giá, kết quả của cơn vùng vẫy tuyệt vọng để vượt lên cái hố sâu cô lỡ sa chân. Khi nghe hội đồng xét xử thông báo cho con được tại ngoại, người mẹ đưa tay ôm mặt khóc nghẹn. 

Nhin con truoc vanh mong ngua
 

Bao nhiêu người mẹ khác cũng đứng nhìn con trước vành móng ngựa, đã không có được phút giây ấy: chứng kiến con trở về với đời thường, dù là tạm thời. Còn nhớ vụ án một sinh viên năm thứ ba đại học, tương lai đang rộng mở, bỗng nhiên nảy ra ý định đi cướp để… lấy tiền uống nước với bạn.

Đau lòng hơn nữa là vụ hai thanh niên chở nhau trên xe máy đi tìm việc, đói bụng, cướp bịch đồ ăn vặt trị giá có… 45.000 đồng. Bị dẫn ra trước tòa rồi, gương mặt các bị cáo có khi vẫn vô tư vô tâm, chỉ có gương mặt những người mẹ, người cha là nặng trĩu lo buồn.

Có ai đo đếm được sự bất lực lớn lao khi cha mẹ chứng kiến phút những đứa con gục đầu trước vành móng ngựa nghe tòa tuyên án. Giây phút ấy, cha mẹ có muốn chở che cũng không được nữa, bởi thời gian mà mình có thể bảo bọc, chống đỡ cho con đã vụt qua mất rồi.

Đối với những người mẹ mà đứa con vướng phải vòng lao lý, phải mang thân đến trước tòa, sự bất lực của họ có thể nhìn thấy được trong ánh mắt, trong dáng vẻ, và hơn cả là trong những nỗ lực chạy xuôi chạy ngược, van xin, nhẫn nhịn, mong tìm đường thoát cho con. Đứa con ấy bao giờ cũng còn quá bé bỏng, quá dại khờ, quá non nớt. Cái bẫy mà nó đang rơi vào bao giờ cũng quá hiểm độc, quá tàn ác, quá bất ngờ.

Trong cơn hốt hoảng bàng hoàng, mẹ chỉ nhìn thấy bước chân chập chững của con ngày mới lên ba lên năm bị sa vào những cạm bẫy cuộc đời. Nếu có thể làm gì để cứu con là họ làm, đôi khi, bất chấp cả sự đúng sai, bất chấp cả sự tỉnh táo hay tính logic của sự việc.

Nhin con truoc vanh mong ngua
 

Nhưng rồi, thường vẫn là bất lực, cái kết cục là do pháp luật định đoạt. Khả năng và tình thương của cha mẹ đã không mang được con ra khỏi chốn pháp đình, dù cha mẹ có cúi đầu nhận khuyết điểm với tòa đã không dành thời gian nuôi dạy con. 

Những vụ án ấy thường vô lý đến độ không ai hiểu làm sao chúng có thể phạm tội một cách đơn giản như thế. Bởi những đứa con đã không được chăm chút, giáo dục một nền tảng đủ mạnh, đủ vững vàng để hình thành một cách hành xử, một con đường đi thật đúng đắn, không được trang bị một bản lĩnh đủ để tránh thật xa những cạm bẫy, cám dỗ. Nuôi dạy con thường muôn đời vẫn là một “bài tập” khó hơn “sức học” của cha mẹ.

Chẳng phải vì cha mẹ yếu kém hơn con, mà vì những nguồn lực của cha mẹ cũng bị phân tán quá nhiều, và đôi khi mệt mỏi vì cuộc mưu sinh, họ đành tặc lưỡi. Con trai lớn tự đi tìm việc làm kiếm tiền tiêu, nào hay con mua bán ma túy.

Con đi học đại học, tưởng là con sẽ yên ổn với một tương lai được đảm bảo, nào hay tương lai ấy đã vĩnh viễn đóng lại. Ai cũng vin được vào câu “cha mẹ sinh con trời sinh tính”, nhưng đến khi con vướng vào tù tội, ai cũng thường nghĩ lại thấy trách nhiệm làm cha làm mẹ của mình đã chưa tròn. 

Chẳng biết có ai giật mình không, khi bên hành lang phiên xử của tòa, một người mẹ chia sẻ, đại ý là bà nuôi con theo kiểu Tây, tôn trọng suy nghĩ, quyết định và đời sống riêng của con… Những “kiểu Tây”, những “tôn trọng, độc lập” ấy khá là thời thượng, đang được coi như một “kiểu” tân tiến, hợp thời, bình đẳng, đối ngược lại với những thứ cổ hủ lạc hậu của các bà mẹ lỗi thời.

Có lẽ, phải đặt lại vấn đề này theo cách: có những thứ, ví dụ như hòn đá tảng có tên là truyền thống, phải được đào sâu, nện chặt, xây thành nền móng trong nhân cách, thành một khối bất di bất dịch chi phối tất cả các suy nghĩ, hành xử phần “ngọn”, mà sau này đứa trẻ phô ra với đời. Nếu không dạy con những giá trị nền tảng ấy, những giá trị đôi khi cổ lỗ, nặng nề như đất nâu như đá tảng, thì một ngày nào đó, cây ấy cành ấy sẽ sâu mọt, sẽ bệnh tật, thậm chí bật gốc trong dông bão cuộc đời. 

Qua nhiều phiên xử mới thấy trong chốn pháp đình, tình thương con của người mẹ trở thành một điều gì đó rất gần với sự phi lý. Bởi lẽ, trong hay ngoài vành móng ngựa cũng chỉ còn “lý”, không còn chỗ cho “tình”. Mong sao, chuyện người sẽ thành bài học, để đừng có thêm người mẹ nào phải bước vào phòng xử, đau đáu mắt nhìn con trong đau đớn, xót xa…

Hạnh Dung

Thư cho Hạnh Dung, mời quý vị gởi theo địa chỉ:

hanhdungonline@baophunu.org.vn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI