Câu chuyện anh Nghị nuôi hai con bại não khiến tôi nhớ lại câu chuyện của chị bạn. Cách đây ít hôm, trên Facebook cá nhân, chị bạn có thâm niên trong các dự án dành cho trẻ khuyết tật của Quỹ Cứu trợ Nhi đồng Anh (SCF) kể, chị đi chợ, gặp một bạn thanh niên quần áo tươm tất, sạch sẽ, mặt hiền lành chìa mấy tấm vé số.
Bạn ấy nói năng khó khăn, đi đứng khập khiễng, tay chân quờ quạng, đầu niểng một bên, mép chảy nước miếng, hít hít mũi rồi ngượng nghịu lấy tay quệt nhìn rất tội nghiệp… Chị biết ngay bạn ấy bị di chứng bại não dạng múa vờn. Chị mua ba tấm vé số, cho thêm 20.000 đồng rồi tế nhị tặng lại ba tờ vé số.
Chị kể: “Không biết sao tự nhiên mình nghĩ ra cách nói ngọt ngào: Cô hay quên dò vé số, bây giờ cô cho con, con muốn bán lại thì có ba chục ngàn, còn giữ lại nếu dò trúng mai mốt chia cho cô nha! Em cám ơn, còn nắm tay mình một cái làm mình cảm động thấy rưng rưng trong lòng. Mình quý trọng em này quá, tự mưu sinh kiếm sống, không trông chờ ai và tự hòa nhập xã hội theo cách của mình chứ chẳng cần chương trình nào vận động”.
Hai hôm sau, vợ chồng chị đi cà phê sáng, chuyện đông chuyện tây rồi cũng quay về chuyện bạn thanh niên dễ thương bán vé số. Hai vợ chồng đồng tình, nếu bạn ấy ở Mỹ sẽ được trị liệu, rồi học chữ, học nghề, được tạo mọi điều kiện... Tội nghiệp bạn ấy quá, mặt mũi sáng sủa, cha mẹ dạy dỗ đàng hoàng nên mới tự lực như vậy. Thậm chí chồng chị còn hứa hẹn, khi nào gặp lại sẽ mua vé số và hỗ trợ bạn ấy nhiều hơn nữa.
Vừa dứt chuyện, chị bỗng hoa mắt khi thấy qua khung cửa kính, bạn bán vé số bại não dạng múa vờn dễ thương của mình ăn mặc rất mốt, dựng chiếc xe Jupiter mới, đẩy cửa vô quán, cười tươi, nháy mắt với cô em phục vụ và dõng dạc gọi cà phê sữa đá, bò né và gác chân rất oách.
Chị bảo mình bị lừa, nhưng người chồng phản đối: “Anh thấy người ta có lừa gì em đâu. Người ta bán vé số đúng giá, tự em cho thêm tiền, tự cho vé số, vậy thì lừa em cái gì? Anh còn thấy cậu ấy đáng khen vì là người có sáng kiến mưu sinh nữa”. Cô băn khoăn, vậy ai đúng? Câu trả lời là… không ai sai!
Trở lại chuyện người cha Đặng Hữu Nghị bán kẹo nuôi hai con bại não. Không khó để nhận ra những người lên án gay gắt nhìn anh Nghị bằng con mắt cảm thương hai đứa con bị bại não. Chúng phải được chăm sóc đặc biệt trong môi trường tốt nhất có thể thay vì “bị” anh mang đi phơi nắng, phơi sương nhằm gợi lòng thương của mọi người để trục lợi.
Nhóm chia sẻ cảm thông, thì xuất phát từ hoàn cảnh gà trống nuôi hai con mang chứng bệnh mà y học bó tay. Hai con anh vừa không có đủ nhận thức, khả năng để tiếp thu, học hỏi, vừa không thể nói, biểu đạt cảm xúc và không thể phản xạ với nguy hiểm, đau đớn, lại rất khó khăn trong việc đi đứng, co giật bất ngờ. Nhóm nhiều người mong đợi nghe ý kiến nhất thì chưa thấy ai lên tiếng chính thức cũng dễ hiểu, họ thuộc nhóm người “thi ân bất cầu báo”.
Tôi không quen biết gì anh Nghị. Nhưng khi thấy anh được nhiều người hỗ trợ, tôi rất mừng. Tôi cũng mong sự giúp đỡ của cộng đồng sẽ giúp anh ấy có được căn nhà hợp pháp, khang trang để giúp anh an tâm nuôi nấng con mình. Tiếp xúc với anh, tôi biết, khả năng giúp đỡ của mình đối với anh là giới hạn, như muối bỏ biển. Trong khi nhu cầu cho hoàn cảnh sống của ba cha con anh vượt rất xa sự đóng góp của mình.
Tôi gặp cha con anh khi căn nhà anh còn dang dở. Thợ hàn cắt tôn, cưa sắt lắp ráp một cái khung chặn, giới hạn tầm đập phá của hai con với một số đồ dễ vỡ. Phía trước cửa, hàn một khung chắn để tránh cho các con anh rớt xuống nước đang ngập tới hiên nhà. Tô cơm để dưới đất, con anh mỗi đứa chạy một nơi. Anh chạy lại ôm đứa này để đút cơm, thì đứa kia đập ầm ầm xuống sàn nhà.
Chạy lại ẵm đứa kia để vuốt giận, thì đứa này dộng đầu vào vách nhà. Không ít lần, anh còn bị các con bất ngờ tát như trời giáng vào mặt. Mặt anh đỏ lên, rồi quay sang nhìn chúng tôi cười như thể đó là chuyện không có gì để nói. Nhưng thỉnh thoảng, các con anh cũng hôn lên tóc, lên má cha mình. Hình như cháu biết cảm nhận nỗi nhọc nhằn và tình thương vô bờ của cha.
Nhìn anh xoay vòng với hai con trong bữa ăn, dễ hiểu vì sao, anh không thể để con ở nhà hoặc gửi cho ai để tìm việc làm như những người lao động bình thường khác. Tôi không tin ai đó có thể chịu những cái tát mạnh đến mức có thể “thay luôn hàm răng” ngay sau khi được các con anh “nựng nhẹ” như anh nói, để anh có thể an tâm gửi gắm con mình. Tôi cũng không tin các con anh ở nhà sẽ không có gì xảy ra và ngoan ngoãn chờ anh quay về sau giờ làm việc.
Việc cộng đồng giúp đỡ cha con anh Nghị đang được dư luận soi xét. Có thể tôi cảm tính và những gì tôi thấy chỉ là màn diễn siêu đẳng nhằm trục lợi của một người “không chỉ có sạn trên đầu mà sạn còn trong thận” như anh Nghị mà tôi chưa nhận ra. Nhưng nếu đúng như mọi người đang lên án, vậy anh ấy sẽ làm gì nếu không mang theo các con đi cùng để mưu sinh? Hay anh ấy cứ thoải mái ngồi nhà ôm con rồi chờ nhận các khoản tiền hỗ trợ?
Vấn đề nào cũng luôn có hai mặt. Nhưng mặt chính của vấn đề phải là mặt cần được xác định là tích cực hơn. Nhìn anh ôm con, con ôm anh, nhìn nụ cười rạng rỡ của anh khi được con hôn, nhìn ánh mắt bừng sáng của con khi hôn anh… tuy không có gì chắc chắn là tôi không bị lừa, nhưng rõ ràng tình cảm ấy không tạo ra một chút lợn cợn nào để có thể nghĩ đó là màn diễn.
Nguyễn Thiện