Nhìn các sạp thịt cá ven đường mà lo ngộ độc

26/04/2024 - 05:55

PNO - Những tảng thịt heo, thịt bò, cá biển nằm phơi mình bên lề đường, dưới trời nắng chang chang, mùi tanh tưởi lan ra xung quanh mời gọi ruồi, nhặng. Ở TPHCM, có hàng trăm khu chợ lề đường như thế. Thực phẩm không rõ nguồn gốc, gặp tiết trời nắng nóng rất dễ ôi thiu, nhiễm khuẩn, gây ngộ độc khi ăn.

Thịt, cá tênh hênh giữa trời nắng nóng

Ở khu chợ tự phát trên đường số 13, phường Linh Chiểu, TP Thủ Đức, gần cổng khu công nghiệp Linh Chiểu, cá hồi, thịt, tôm đông lạnh được rã đông rồi đựng trong những chiếc rổ tre nhỏ bày sát bên đường để người mua dễ lựa. Cầm một phần đầu cá hồi đã chuyển sang màu trắng nhạt, chị Nguyễn Thị Trà - công nhân may, quê ở tỉnh Tiền Giang - lắc đầu, thả xuống. Người bán vội chào mời: “Em lấy đi, chị để giá vốn cho, 60.000 đồng/kg thôi. Đây là hàng mới, nhìn vậy thôi chứ em nấu canh chua là hết ý”.

Thực phẩm ở các điểm bán hàng tự phát quanh chợ đầu mối nông sản, thực phẩm Hóc Môn không rõ nguồn gốc, được bảo quản sơ sài - ẢNH: THANH HOA
Thực phẩm ở các điểm bán hàng tự phát quanh chợ đầu mối nông sản, thực phẩm Hóc Môn không rõ nguồn gốc, được bảo quản sơ sài - Ảnh: Thanh Hoa

Nghe vậy, chị Trà cúi xuống lấy một rổ đầu cá hồi, trả tiền rồi rời đi. Ở khu chợ tự phát này, người ta mua thực phẩm do giá rẻ mà không cần quan tâm về nguồn gốc hay chất lượng. Thậm chí, khi chiều tối, thịt cá ế ẩm, bốc mùi, người ta vẫn mua do chủ “sạp” đại hạ giá.

Khoảng 15g hằng ngày, khi nhiệt độ ngoài trời vẫn còn hầm hập, khu chợ tự phát quanh Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam (quận Bình Tân) bắt đầu nhóm. Những người bán hàng bày cá, thịt sống ra mâm mà không bảo quản lạnh. Chợ này hoạt động cho đến khoảng 18g30. Thịt, cá rã đông nằm nhiều giờ dưới nắng nóng nên cuối phiên chợ thường chuyển màu, bốc mùi hôi.

Công nhân Lê Thùy Trang - quê ở tỉnh Đồng Tháp - kể, tuần trước, chị tan ca lúc sập tối nên ra lề đường trước công ty mua một miếng thịt heo. Khi về, thấy thịt đã chuyển màu và hơi nhớt nên chị phải dùng nước sôi trụng 2 lần trước khi cắt ra kho. Chị nói: “Tụi em mua thịt ở chợ gần công ty cho nhanh chứ làm về tối, không đủ thời gian vào siêu thị. Hơn nữa, giá thịt ngoài lề đường cũng rẻ hơn, chỉ có điều mau thiu”.

Ở các sạp trên đường số 12, sườn non có giá 100.000 đồng/kg, ba rọi 90.000 đồng/kg, sườn cốt lết 75.000-80.000 đồng/kg, tai heo, bụng heo, tạng heo đồng giá 30.000-35.000 đồng/kg. Mức giá này rẻ hơn khoảng 20.000-25.000 đồng/kg so với giá bán của các sạp bên trong chợ đầu mối. Ở đường số 4, giò heo được bán với giá 42.000 đồng/kg, ba rọi 55.000 đồng/kg, sườn non và tim heo 65.000 đồng/kg. Lượng khách ghé mua thịt khá đông, mỗi người từ 5 - 10kg trở lên, có lẽ mua về chế biến cho quán cơm, quán nhậu.

Điểm bán thịt gần chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn bày hàng la liệt, dưới đất ngập ngụa máu và rác thải - ẢNH: THANH HOA
Điểm bán thịt gần chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn bày hàng la liệt, dưới đất ngập ngụa máu và rác thải - Ảnh: Thanh Hoa

Cứ tầm 6g, người bán dựng các bàn inox bày bán thịt lộ thiên, không che chắn, hơi lạnh tỏa nghi ngút. Đến tầm 7g, các loại thịt đông lạnh này tan hết đá, chuyển sang màu hơi tái. Khoảng 10g, nhân viên hốt số thịt còn lại đổ vào các thùng xốp có chứa đá để thịt tươi lại, người mua đến trực tiếp các thùng xốp này lựa thịt, giá bán rẻ hơn khoảng 20.000 đồng/kg so với lúc sáng. Đến 12g, nếu thịt còn ít, người bán vẫn để trong thùng xốp, chiều bán tiếp. Nếu thịt còn nhiều, người bán bỏ vào bao ni lông đem đến xe lạnh để tái cấp đông, chờ vài giờ sau hoặc ngày sau bán tiếp.
Trên đường Nguyễn Văn Linh, Quản Trọng Linh dẫn vào cổng chợ đầu mối Bình Điền, cũng có trên 20 “sạp” bán thịt heo, thịt bò, gia cầm lộ thiên như các điểm bán xung quanh chợ đầu mối Hóc Môn.

Tăng cường kiểm tra an toàn thực phẩm

Bà Phạm Khánh Phong Lan - Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TPHCM - cho biết, vào tháng Tư, nhiệt độ ngoài trời nóng nhất, tạo điều kiện thuận lợi cho vi sinh vật phát triển. Sở đã có văn bản gửi đến các sở, ngành, đơn vị, đề nghị có biện pháp đảm bảo an toàn, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm.

Chợ tự phát đối diện cổng Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam (quận Bình Tân) bày thực phẩm la liệt ra đường, không bảo quản lạnh nên rất dễ ôi thiu, nhiễm khuẩn - ẢNH: TÚ NGÂN
Chợ tự phát đối diện cổng Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam (quận Bình Tân) bày thực phẩm la liệt ra đường, không bảo quản lạnh nên rất dễ ôi thiu, nhiễm khuẩn - Ảnh: Tú Ngân

Khi có thông tin hoặc chứng kiến những hành vi mất an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, người dân nên báo cho số điện thoại đường dây nóng của Sở An toàn thực phẩm TPHCM: 028 39 301714.

Bà Phạm Khánh Phong Lan thông tin thêm, từ ngày 15/4 - 15/5, sở sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất các cơ sở mua bán, chế biến thực phẩm nhằm kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm, đặc biệt là các bếp ăn tập thể như căn tin trường học, bệnh viện, các công ty, xí nghiệp.Bà Phạm Khánh Phong Lan nhận định, các chợ tự phát quanh các chợ đầu mối, cụm và khu công nghiệp có nguy cơ mất an toàn thực phẩm rất cao. Trách nhiệm quản lý chợ tự phát là của UBND cấp quận, phường nhưng UBND TPHCM cũng đã thành lập tổ công tác đặc biệt với thành viên thường trực là Sở An toàn thực phẩm để ra quân xử lý chợ tự phát. Sở thống kê được 219 chợ truyền thống đang gặp khó khăn do tình trạng buôn bán tự phát bên ngoài chợ.

Theo bà, trong mùa cao điểm nắng nóng, việc các chợ tự phát bán thịt không rõ nguồn gốc, bảo quản không đúng cách nên nguy cơ mất an toàn thực phẩm rất cao. Sở Công Thương đang khuyến khích các đơn vị phân phối như Saigon Co.op mở rộng cửa hàng ở các khu công nghiệp, bán với giá rẻ hơn cho công nhân nhằm hạn chế tình trạng mua nguồn thực phẩm trôi nổi. Riêng Sở An toàn thực phẩm sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, kiên quyết xử lý nghiêm, đình chỉ hoạt động và công khai thông tin, hành vi vi phạm của cơ sở không đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm.

Một bé trai bị rối loạn tiêu hóa phải điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 2. Các bác sĩ khuyến cáo,  mùa nắng nóng trẻ em sẽ dễ bị rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm - ẢNH: PHẠM AN
Một bé trai bị rối loạn tiêu hóa phải điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 2. Các bác sĩ khuyến cáo, mùa nắng nóng trẻ em sẽ dễ bị rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm - Ảnh: Phạm An

Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ thực phẩm) cho hay, việc bày bán thực phẩm tươi gần mặt đất, nơi ẩm ướt, khu vực xả nước thải sẽ tăng nguy cơ nhiễm các loại vi khuẩn e.coli, salmonella, campylobacter. Đặc biệt, trong mùa nắng nóng, khi thực phẩm được bày bán cả ngày ngoài trời, các vi khuẩn này sinh sôi rất nhanh, người dùng có nguy cơ nhiễm trùng, nhiễm độc rất cao.

Trên các đường số 3, 4, 10 và 12 bao quanh chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn, có hơn 30 điểm kinh doanh thịt heo tự phát. Đứng cách xa các điểm bán vài mét, chúng tôi vẫn ngửi thấy mùi tanh hôi do lượng thịt nhiều, chủ quầy sơ chế thịt tại chỗ khiến máu và chất thải tràn ra lối đi.

Các loại thịt đông lạnh phải được bán và bảo quản trong tủ đông. Việc bày bán thịt đông lạnh cả ngày ngoài trời vừa làm giảm chất lượng của thịt, vừa làm tăng khả năng nhiễm khuẩn. “Khi nấu chín, một số loại vi khuẩn như e.coli, salmonella có thể mất đi nhưng một số vi khuẩn như tụ cầu khuẩn vàng (s.aureus) vẫn không mất đi độc tố. Khi mua thực phẩm, nên mua từ sáng sớm ở các điểm bán đảm bảo an toàn thực phẩm; khi mua về, phải bảo quản đúng cách trong tủ lạnh. Tuyệt đối không mua thực phẩm không rõ nguồn gốc bởi không ai biết các loại thực phẩm đó có chất bảo quản gì hay không” - phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh nói.

Thanh Hoa - Quốc Thái - Tú Ngân - Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI