Nhìn bằng trái tim cho đời nhẹ nhàng

19/07/2020 - 07:09

PNO - Khi nhìn bằng trái tim, bằng những phẩm chất bình an, thông cảm, chân thành, chúng ta giúp mình ổn định trạng thái dù tình huống đầy thách thức.

Ai trong chúng ta cũng từng đối mặt với thử thách. Vậy làm thế nào để vượt qua những thử thách ấy mà trái tim không cảm thấy chai sạn hay tan vỡ? Câu trả lời đến từ việc chúng ta nhìn nhận về những gì xảy đến với mình, hay nói cách khác là khi chúng ta nhìn mọi điều bằng cả trái tim… 

Một lần, bạn Nguyễn Thụy (Q.10, TP.HCM) cùng bạn gái đi viếng tang vào ban đêm. Có một nhóm người cũng có mặt trong đám tang ấy, không phải người nhà của người đã khuất, hát karaoke và nhậu. Trong cơn say, nhóm người ấy mời Thụy ở lại uống bia và hát cùng. Thụy không muốn, và cô bạn lại càng không muốn nên giục Thụy về. Vì đang say, nên nhóm người cho rằng Thụy “không nể mặt” và ra tay hành hung. Sự việc xảy ra quá bất ngờ, vào đúng giây phút đó, Thụy quyết định rất nhanh trong đầu: “Mình sẽ không đánh trả. Bởi đánh trả những người đàn ông đang say và mất tự chủ này có thể gây ra nhiều hệ lụy”. Bản thân Thụy sẽ tổn thương nhiều hơn. Thụy chỉ hít thở thật sâu và cố gắng che chắn phần đầu của mình.

Cho đến khi cô bạn tri hô thất thanh và nhào vào đỡ cho Thụy, thì nhóm người kia mới dừng lại. Trên đường về, Thụy bị chảy máu ở tai nên cần sơ cứu. Sau đó, Thụy bị nhức đầu, buộc phải đi cấp cứu và chụp hình để xem mức độ thương tích như thế nào.

Nhiều người khuyên Thụy nên kiện và làm cho ra lẽ sự cố đêm hôm đó. Nhưng Thụy quyết định khép lại chuyện ấy: “Điều quan trọng nhất là mình vẫn ổn, chỉ chấn thương phần mềm, không nghiêm trọng. Nhóm người kia là người trong khu phố, đến dự và giúp đám tang. Nếu mình kiện, gia đình có tang sẽ bị ảnh hưởng. Mình muốn họ được yên ổn vượt qua nỗi buồn mất người thân”. 

Chính cách suy nghĩ đó đã khiến Thụy vẫn an vui sau sự cố bất ngờ này. 

Đối mặt với thử thách bằng cách . Ảnh minh họa
Đối mặt với thử thách bằng cách . Ảnh minh họa

Thanh Tâm (Q.6, TP.HCM) là trưởng phòng kỹ thuật một công ty và luôn cảm thấy căng thẳng khi phải làm việc với trưởng phòng nhân sự. Cả hai thường to tiếng với nhau đến mức cả cơ quan đều nghe và phải can gián. Sau vài lần như thế, Tâm cảm thấy rất mệt mỏi, căng thẳng. Bạn tham gia một khóa học thiền miễn phí và dành thời gian để suy xét lại chính mình.

Bạn nhớ lại những gì trưởng phòng nhân sự nói, và nếu dùng lý trí phân tích, những lời nói ấy hoàn toàn hợp lý. Bạn tự hỏi tại sao mình lại trở nên tức giận và tìm ra nguyên nhân xuất phát từ những tổn thương với những người làm nhân sự ở cơ quan trước đây, khi bạn hãy còn là một sinh viên vừa ra trường.

Thế là Tâm đã hẹn trưởng phòng nhân sự đi cà phê, bạn chân thành kể câu chuyện cuộc đời mình, xin lỗi chị ấy và mong được hòa giải. Tấm lòng chân thành của Tâm đã khiến trưởng phòng nhân sự đón nhận. Tâm thấy thanh thản, nhẹ nhàng và tìm ra giải pháp cho những gì đang diễn ra. 

Bích Thương (Q.Tân Bình, TP.HCM) giúp việc cho một shop hoa, thường xuyên bị sếp mắng với những lời lẽ cay nghiệt. Nhưng Thương nghĩ rằng: “Có thể chị ấy đang gặp điều gì đó không vui, hay đang ở trong một tình huống khó khăn riêng nên không ổn định được cảm xúc của mình”.

Thương thường lắng nghe những gì sếp nói, can đảm xin lỗi và nghiêm túc khắc phục những lỗi sai. Nếu bị sếp la mắng, bạn vẫn chấp nhận. Khi sếp bình thường trở lại, Thương mới nhẹ nhàng trình bày những gì chị nói không đúng về mình. Một thời gian sau, Thương thấy sếp thay đổi thái độ với mình. Chị ấy trân trọng Thương hơn và thậm chí còn tâm sự và hỏi Thương lời khuyên. 

Khi nhìn bằng trái tim, bằng những phẩm chất bình an, thông cảm, chân thành, chúng ta giúp mình ổn định trạng thái dù tình huống đầy thách thức. Thông qua đó, chúng ta còn xây đắp được những mối quan hệ tốt đẹp hơn, hỗ trợ người khác nhiều hơn. Và cũng nhờ vậy mà bản thân mỗi người có thể sống một cuộc đời nhẹ nhàng, ý nghĩa. 

Phương Trinh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI