Nhịn ăn gián đoạn kéo dài có thể ảnh hưởng tới tính mạng

29/05/2024 - 13:36

PNO - Theo Viện trưởng Viện dinh dưỡng Quốc gia, nhịn ăn gián đoạn, đặc biệt theo chu kỳ dài có nguy cơ “gây sốc” cơ thể, ảnh hưởng tới sức khỏe, tính mạng.

Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cảnh báo hàng loạt nguy cơ khi áp dụng chế độ nhịn ăn gián đoạn
Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cảnh báo hàng loạt nguy cơ khi áp dụng chế độ nhịn ăn gián đoạn

Sáng 29/5, tại chương trình Ngày Sức khỏe Tiêu hóa Thế giới 29/5, Phó giáo sư – tiến sĩ Trần Thanh Dương – Viện trưởng Viện dinh dưỡng Quốc gia – cho biết, hệ tiêu hóa rất quan trọng với sức khỏe con người, chế độ dinh dưỡng khoa học, cân đối, phù hợp với từng cá thể là rất cần thiết.

Trao đổi với phóng viên, Phó giáo sư – tiến sĩ Trần Thanh Dương cảnh báo nhiều sai lầm ở trào lưu nhịn ăn gián đoạn được nhiều người theo đuổi trong thời gian qua.

Trên thế giới có một số chế độ ăn khác nhau, tùy theo mục tiêu của người ăn. Tuy nhiên, khoa học về mặt dinh dưỡng vẫn khẳng định, mỗi con người đều phải cung cấp đủ năng lượng, vitamin và khoáng chất hàng ngày.

“Nghĩa là chúng ta phải ăn vào, tùy theo chiều cao, cân nặng, lao động, thể lực... mà xác định khẩu phần ăn theo bữa nhiều hay ít” - ông nói.

Nếu bỏ bữa, không ăn, theo ông Trần Thanh Dương, cơ thể sẽ bị rối loạn chuyển hóa ngược. Cụ thể, khi không ăn, cơ thể phải sử dụng các chất dự trữ trong cơ thể, chuyển hóa thành năng lượng để cơ thể sử dụng. Hậu quả của rối loạn chuyển hóa ngược sẽ gây ra nhiều biến chứng như bệnh tim, đột quỵ, tiểu đường, cao huyết áp...

Một số người có quan điểm, trong cơ thể có lượng mỡ dư thừa nên việc nhịn ăn gián đoạn theo chu kỳ dài hơn, có thể lên tới 2 – 3 ngày, vẫn đảm bảo cơ thể có thể hoạt động bình thường và có tác dụng giảm cân.

Về vấn đề này, Viện trưởng Viện dinh dưỡng cho hay, với mỗi cá nhân, các bác sĩ phải đánh giá thực trạng chiều cao và cân nặng của họ để đánh giá mức độ.

Tuy nhiên, nguyên tắc chung được áp dụng là khẩu phần ăn của người thừa cân, béo phì phải giảm từ từ. Nếu giảm ăn đột ngột sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe, giảm đường huyết. Việc điều chỉnh này kéo dài từ 1 đến 2 tháng, thậm chí tới 6 tháng để cơ thể thích nghi với việc giảm năng lượng, trở về ngưỡng bình thường.

“Kéo dài nhịn ăn gián đoạn sẽ gây ra sốc về thể trạng và dinh dưỡng, nguy hiểm tới sức khỏe, tính mạng” - Viện trưởng Trần Thanh Dương nhấn mạnh.

Chương trình Ngày sức khỏe tiêu hóa thế giới năm 2024 do Báo Sức khỏe và đời sống kết hợp với Viện dinh dưỡng Quốc gia tổ chức, nhằm kêu gọi người dân chủ động chăm sóc sức khỏe và bảo vệ hệ tiêu hóa, đảm bảo cơ thể hấp thu đầy đủ dinh dưỡng, từ đó xây dựng sức đề kháng, phòng chống bệnh tật.

H.Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI