Nhịn ăn để chữa bệnh hay tàn phá cơ thể?

15/06/2021 - 11:10

PNO - Trong khi nhiều tín đồ cho rằng, nhịn ăn 72 giờ có thể giảm cân, chữa bệnh, tăng tuổi thọ… thì các bác sĩ khuyến cáo, phương pháp này nguy hiểm, thậm chí ảnh hưởng tới tính mạng.

Gần đây, phong trào nhịn ăn gián đoạn được nhiều người nói đến như một phương pháp kỳ diệu, không chỉ giúp giảm cân mà còn có thể chữa được nhiều căn bệnh, đồng thời tăng tuổi thọ.

Quá trình nhịn ăn gián đoạn có thể kéo dài tới 72 giờ. Người nhịn ăn hoàn toàn không ăn uống trong 24 giờ đầu. 24 giờ tiếp theo, có thể bổ sung một chút nước sâm, nước dừa để cầm hơi và kết thúc 24 giờ cuối cùng bằng việc chỉ bổ sung nước điện giải. Nhiều tín đồ của phương pháp này cho rằng, bệnh tật là do sự tích lũy chất độc trong cơ thể nên quá trình nhịn đói - giống như cách mà người tiền sử đã trải qua, vì không phải lúc nào cũng đầy đủ thực phẩm, lại giúp thích ứng với môi trường, thanh lọc cơ thể.

Tuy nhiên, hiệu quả của phương pháp này như thế nào? Nhịn ăn gián đoạn có an toàn không? Tiến sĩ - bác sĩ Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, cho biết, nhịn ăn gián đoạn đã được chứng minh có thể đem lại lợi ích cho sức khỏe, bao gồm làm tăng hoóc-môn tăng trưởng GH trong thời gian ngắn và thay đổi biểu hiện gen. Những thay đổi này đã được chứng minh có liên quan đến tuổi thọ và giảm nguy cơ mắc bệnh. 

Đa số các phương pháp này áp dụng nhịn ăn trong thời gian ngắn, từ 8-24 giờ, song một số người lại chọn nhịn ăn lâu hơn, từ 48 giờ thậm chí là tới 72 giờ. Bác sĩ Trương Hồng Sơn khẳng định, nhịn ăn trong thời gian dài có thể làm tăng nguy cơ mất nước, dễ bị kích động, thay đổi cảm xúc… Người nhịn ăn cũng có thể choáng, ngất, đói, thiếu năng lượng. Do đó, nếu muốn nhịn ăn gián đoạn, chỉ nên chọn cách nhẹ nhàng là nhịn ăn 8 giờ tới dưới 24 giờ. “Nếu muốn tăng thời gian nhịn ăn lên trên 72 giờ, người đó nên thực hiện dưới sự giám sát của nhân viên y tế”, bác sĩ Trương Hồng Sơn khuyến cáo.

Tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cũng cảnh báo, phương pháp nhịn ăn có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, thậm chí có thể dẫn tới tử vong. Bởi cơ thể con người phải có quá trình chuyển hóa cơ bản, đủ năng lượng cho các cơ quan như tim, gan, phổi… hoạt động ở mức tối thiểu. Trung bình, người trưởng thành cần 1.200 - 1.500 calo trong ngày để hoạt động. Khi nhịn ăn, người đó có thể đối diện với nguy cơ hạ đường huyết, rối loạn chuyển hóa. “Khi hạ đường huyết có thể ảnh hưởng tới tim mạch. Có những người từng tử vong vì hạ đường huyết trong đêm”, bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng nhấn mạnh. 

Để thực hiện phương pháp này an toàn, ngoài việc không kéo dài thời gian nhịn ăn, bác sĩ Trương Hồng Sơn khuyên mọi người cần duy trì một lượng đồ ăn. Phần đồ ăn này nên ưu tiên protein để ngoài kiểm soát cơn đói còn có thể giữ cơ. Một số nghiên cứu gợi ý rằng, tiêu thụ khoảng 30% năng lượng bữa ăn từ protein có thể làm giảm đáng kể cảm giác thèm ăn. Do vậy, bổ sung protein vào ngày nhịn ăn có thể chống lại một số phản ứng phụ của việc nhịn ăn.

Bên cạnh đó, cần bổ sung nước đầy đủ và tăng cường hơn so với thông thường. Các nhà khoa học đã khuyến cáo mỗi người cần uống khoảng 2 lít nước mỗi ngày nhưng trong thời gian nhịn ăn, nguy cơ thiếu nước cao hơn nên có thể tăng cường từ trên 2 lít tới 3 lít nước. 

Trong khi nhịn ăn, việc ám ảnh, nghĩ tới thực phẩm là không tránh khỏi. Bác sĩ Trương Hồng Sơn cho hay: để xua tan ý nghĩ này có thể kết hợp đi bộ và ngồi thiền, lưu ý không nên sử dụng quá nhiều năng lượng cho các hoạt động này. Ngoài ra, những hoạt động nhẹ nhàng khác như đi tắm, đọc sách hoặc nghe nhạc cũng được khuyên áp dụng trong quá trình nhịn ăn. 

H.Anh

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI