Ngày 29/2, UBND TPHCM và Hội đồng Hiệu trưởng các trường đại học ở TPHCM đã tổng kết hoạt động năm 2023 và triển khai kế hoạch hoạt động năm 2024.
Tại hội nghị, vấn đề quốc tế hóa giáo dục được nhiều trường đặt ra, vì đây là tiêu chí quan trọng nhằm nâng cao chất lượng giáo dục.
Ngoài việc đào tạo ra những công dân toàn cầu, nâng cao thứ hạng của Việt Nam trên thế giới trong lĩnh vực giáo dục thì việc quốc tế hóa môi trường học tập và làm việc cũng rất quan trọng. Tuy nhiên, việc thu hút sinh viên quốc tế và các nhà khoa học, giáo sư trên thế giới đến Việt Nam học tập, làm việc còn gặp nhiều khó khăn.
Khó tuyển dụng giảng viên nước ngoài
Theo phó giáo sư, tiến sĩ Bùi Hoài Thắng - Trưởng phòng Đào tạo Trường đại học (ĐH) Bách khoa TPHCM (ĐH Quốc gia TPHCM) - hiện nhiều trường ĐH đã đẩy mạnh tuyển dụng giảng viên, chuyên gia nước ngoài. Tuy nhiên hầu hết đều gặp khó vì vướng chính sách lương bổng và cơ chế về cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài. Cụ thể tại trường này, dù đã thực hiện chính sách tuyển dụng giảng viên nước ngoài từ nhiều năm nay nhưng vẫn chưa ký được hợp đồng nào với người nước ngoài. Trường chỉ tuyển được 2-3 người và đang làm việc ngắn hạn, tạm thời.
|
Đại diện các trường đại học ở TPHCM chia sẻ còn vướng nhiều khó khăn trong quá trình quốc tế hóa giáo dục |
“Mặt bằng chế độ đãi ngộ của chúng ta vẫn còn thua nhiều so với các nước, nhất là ở các trường công lập. Những năm gần đây, khi thực hiện tự chủ chúng tôi mới xây dựng được chính sách tốt hơn nhưng chưa thể nói là cao. Ngoài ra, môi trường làm việc cũng rất quan trọng, chúng ta phải xây dựng được môi trường làm sao đi từ đầu trường đến cuối trường đều phải quốc tế hóa” - ông Bùi Hoài Thắng nói.
Về cơ chế, ông cho biết thủ tục tuyển dụng người nước ngoài vào làm việc còn khá nhiêu khê. “Trong thời gian này, nhân sự họ không thể chờ mình khi họ có cơ hội làm việc tốt hơn ở nước khác và thế là mình phải tuyển lại từ đầu. Tôi mong TPHCM có cơ chế riêng, nếu có thể đứng ra bảo lãnh để rút ngắn thời gian cấp phép cho các chuyên gia nước ngoài thì may ra chúng ta mới tuyển dụng và giữ chân được những người này” - ông nói.
Đồng quan điểm, tiến sĩ Hà Thúc Viên - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Việt Đức - nói: “Chúng ta thực hiện quốc tế hóa không chỉ qua văn bản mà phải bằng đội ngũ nhân lực chất lượng cao trong giảng dạy và quản lý, nguồn sinh viên quốc tế, năng lực ngoại ngữ, cơ sở hạ tầng hiện đại… Để làm được các trường phải hội tụ đủ các điều kiện này”. Về nhân sự, ông cho rằng, cái khó hiện nay là các trường ĐH trực thuộc nhiều cơ quan chủ quản nên khi thực hiện bài toán về cơ chế sẽ có nhiều vướng mắc, không đồng nhất được. Chính vì vậy, việc tuyển dụng nhân sự chất lượng cao hay thu hút sinh viên quốc tế mỗi trường thực hiện một kiểu.
“Các trường công lập sẽ trả lương thế nào, đặc biệt những trường chưa tự chủ. Ngoài ra, việc cấp giấy phép khó khăn, các trường chỉ được ưu tiên tuyển nhân sự nước ngoài cho những ngành, lĩnh vực khó tuyển dụng nhân sự ở Việt Nam. Dù đã có ưu tiên cho những chuyên gia đặc biệt, tuy nhiên trong quá trình xét tuyển lại phát sinh nhiều vấn đề. Như ở Trường ĐH Việt Đức, phải mất 6-12 tháng để làm thủ tục tuyển dụng cho một nhân sự nước ngoài” - ông Hà Thúc Viên trăn trở và cho rằng các trường cần nhất bây giờ là cơ chế phù hợp việc cấp phép cho chuyên gia quốc tế đến làm việc ở Việt Nam nhanh hơn.
Đa dạng hóa môi trường học tập, giảng dạy
Theo tiến sĩ Phan Thị Việt Nam - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen - trên hành trình quốc tế hóa giáo dục, việc xây dựng văn hóa hội nhập cũng rất quan trọng. Để chuẩn hóa môi trường, theo bà cần các tiêu chí như: 25 - 30% giảng viên nước ngoài; nhân sự khác và quản lý đều có thời gian được đào tạo chuyên môn hoặc nghiệp vụ quản lý ở nước ngoài; 25% sinh viên quốc tế trên tổng sinh viên của trường; 70% sinh viên được thực tập tại nước ngoài, và 35% sinh viên làm việc tại các công ty đa quốc gia…
|
Ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TPHCM - nhấn mạnh sẽ tháo gỡ các khó khăn cho các trường đại học để nâng cao chất lượng giáo dục |
Trên thực tế, tiến sĩ Phan Thị Việt Nam cho biết tỉ lệ sinh viên quốc tế học tại các trường ĐH ở TPHCM hiện rất thấp, chủ yếu là sinh viên đến từ các chương trình trao đổi, còn sinh viên đăng ký học toàn thời gian ở Việt Nam không nhiều.
Cùng quan điểm, phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Đức Trung - Hiệu trưởng Trường ĐH Ngân hàng TPHCM - cũng nhìn nhận việc tạo ra môi trường học thuật, làm việc chuyên nghiệp rất quan trọng. Để làm được điều này các trường ĐH phải nỗ lực hơn nữa.
Ông chia sẻ: “Để sinh viên quốc tế đến thì chúng ta phải có gì đó thu hút họ. Chúng tôi đã chuẩn hóa tài liệu song ngữ, nâng cao năng lực ngoại ngữ cho sinh viên, kết hợp đào tạo bằng chuẩn quốc tế… Chúng tôi sẵn sàng mời các nhà khoa học, diễn giả hàng đầu trên thế giới về trường. Mới đây, vào tháng Một, trường mời giáo sư Jean Tirole - người đạt giải Nobel kinh tế năm 2014 - đến thuyết trình… Đây là những nỗ lực của chúng tôi để tạo các trung tâm khoa học, diễn đàn chuyên nghiệp”.
Từ ý kiến của các trường, ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TPHCM - cho biết: TPHCM sẵn sàng chi hàng trăm, thậm chí hàng ngàn tỉ đồng để đầu tư phát triển giáo dục, hướng đến việc xây dựng TPHCM thành trung tâm giáo dục quốc tế. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh cần phải đầu tư tâm sức nhiều hơn nữa: “Hiện tại, số sinh viên quốc tế của chúng ta chỉ đạt 0,9%, nhìn chung con số này còn rất thấp. Để thu hút được họ, ngoài những chương trình đạt chuẩn, chúng ta cần có thế mạnh riêng”.
TPHCM sẽ có chính sách tháo gỡ khó khăn về pháp lý đất đai, chính sách kích cầu và đầu tư trực tiếp vào các mô hình, dự án tốt của các trường ĐH. Ông ghi nhận ý kiến của các trường về khó khăn trong việc tuyển dụng giáo viên nước ngoài và TPHCM sẽ tìm cách tháo gỡ. Ông cũng đề cập việc xây dựng các trung tâm xuất sắc trong các trường ĐH để tiếp cận trình độ khu vực và thế giới.
“Nếu có mô hình xuất sắc, thành phố sẽ đầu tư và sẵn sàng trả lương 100-120 triệu đồng/tháng để thu hút người tài” - Chủ tịch UBND TPHCM nhấn mạnh.
Nguyễn Loan