Văn hóa “lép vế”, thể thao và du lịch đạt nhiều thành tựu quan trọng
Trên cơ sở 39 sự kiện được đề xuất bởi cơ quan thuộc bộ và 20 địa phương, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) đã đưa ra 15 sự kiện để bình chọn 10 sự kiện tiêu biểu của năm 2019.
Nhìn vào danh sách đề cử, văn hóa là một lĩnh vực rộng, nhưng số sự kiện được lựa chọn có phần “lép vế” hơn so với hai lĩnh vực thể thao, du lịch. Theo đánh giá của bộ, hai lĩnh vực này “đạt nhiều thành tựu quan trọng” trong năm qua.
|
Bảo vật quốc gia Vườn xuân Trung Nam Bắc bị hỏng nặng sau khi vệ sinh
|
Theo đó, nhóm văn hóa gồm: Luật Thư viện - động lực phát triển thư viện và văn hóa đọc; sự trở lại của Hồ Thiên Nga mang dấu ấn nghệ sĩ Việt sau 35 năm; thực hành Then được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; tôn vinh 100 năm nghệ thuật sân khấu cải lương.
Nhóm sự kiện thể thao gồm: Đoàn thể thao Việt Nam với thành tích đặc biệt xuất sắc tại SEA Games 30; phát động chương trình toàn dân tập luyện môn bơi và phòng chống đuối nước thu hút 12 triệu người tham gia; thành tích ấn tượng của môn bóng đá trên đấu trường khu vực; Việt Nam là nước thứ 22 trên thế giới đăng cai giải đua xe Công thức 1; thành tích ấn tượng của vận động viên Nguyễn Huy Hoàng.
Nhóm sự kiện du lịch gồm: công dân 8 nước được gia hạn miễn thị thực trong vòng 8 năm; du lịch Việt Nam đạt kỷ lục đón trên 18 triệu lượt khách quốc tế năm 2019; điểm đến du lịch Việt Nam liên tiếp giành nhiều giải thưởng tầm thế giới và châu lục; sức lan tỏa và hiệu ứng xã hội của chiến dịch Du lịch chung tay bảo vệ môi trường - chống rác thải nhựa năm 2019; Việt Nam chủ trì thành công Diễn đàn du lịch ASEAN (ATF) 2019; Việt Nam tăng 4 bậc trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh về du lịch của Diễn đàn kinh tế thế giới WEF 2019.
Nhiều sự vụ gây ồn ào dư luận bị bỏ qua
Bên cạnh những thành tựu đạt được, nhiều vụ việc nóng, gây ồn ào dư luận, xuất phát từ cách quản lý còn nhiều lúng túng đã không được nhắc đến trong phiên họp tổng kết.
Ở lĩnh vực điện ảnh, bộ phim Everest - Người tuyết bé nhỏ với hình ảnh đường lưỡi bò đã được Hội đồng duyệt phim quốc gia duyệt và cho ra rạp. Bộ phim Ròm thắng lớn ở Liên hoan phim Busan nhưng lại chưa được cấp phép phổ biến, bị phạt 40 triệu đồng. Cả hai vụ việc đều gây tranh cãi về cách làm việc của ngành văn hóa.
|
Hình ảnh đường lưỡi bò trong phim Everest - Người tuyết bé nhỏ |
Ở lĩnh vực mỹ thuật, trong quá trình vệ sinh, bảo quản bằng nước rửa chén, giấy nhám, bảo vật quốc gia Vườn xuân Trung Nam Bắc của danh họa Nguyễn Gia Trí đã bị hỏng nặng. Những người liên quan chỉ phải “kiểm điểm một cách sâu sắc”, trong khi đó, số phận bức tranh quý đến nay vẫn chưa biết thế nào.
Ở lĩnh vực quảng cáo, năm qua, Cục Văn hóa cơ sở - một tổ chức thuộc Bộ VH-TT-DL làm dậy sóng với công văn yêu cầu “chấn chỉnh hoạt động quảng cáo sản phẩm Coca Cola” vì slogan “Mở lon Việt Nam” được cho là phản cảm, thiếu thẩm mỹ. Tuy nhiên, dư luận lại chẳng thấy slogan này phản cảm và cũng không hiểu vì sao bị cấm.
Năm 2019 cũng là năm ồn ào của ngành văn hóa khi vụ việc thỉnh vong báo oán thu lợi trăm tỷ đồng mỗi năm tại chùa Ba Vàng (Quảng Ninh) bị phanh phui.
Ở lĩnh vực di sản, Luật Di sản văn hóa bị thách thức ở nhiều nơi. Có thể kể ra một số ví dụ như: tòa nhà Panorama xây trái phép trên đèo Mã Pì Lèng, phá núi xây dự án tâm linh trên di tích Cột cờ Lũng Cú (đều ở Hà Giang), bắt vít treo bảng quảng cáo lên tháp Chăm ngàn tuổi (Bình Định), “san phẳng” lò gốm Hưng Lợi (TP.HCM)… Ngoài ra còn nhiều di tích có giá trị nhưng chưa được xếp hạng, bảo vệ như vụ việc ở nhà thờ Bùi Chu (Nam Định), di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối (Hà Nội)…
|
Tháp Chăm bị khoan đục, bắt vít để treo bảng quảng cáo |
Tương tự, nhiều vụ việc trong lĩnh vực du lịch cũng bị bỏ qua: xích lô chặt chém du khách ở trung tâm TP.HCM; quán cà phê đuổi khách Việt, chỉ tiếp khách Tây ở Hội An; đuổi khách Tây xuống xe và nhà hàng chặt chém khách Malaysia ở Nha Trang...
Làm hỏng tranh Vườn xuân Trung Nam Bắc là sự kiện xấu của năm!
Khi Bộ VH-TT-DL chưa chuẩn bị “chín muồi” để công bố sự kiện hạn chế của ngành, thì Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm - cơ quan cấp dưới của bộ, cũng là cơ quan duy nhất công bố sự kiện hạn chế của năm trong lĩnh vực mà mình quản lý nhằm rút kinh nghiệm cho những năm tới.
Trước hết, phải khẳng định, đó là điểm đáng tuyên dương và cần được nhân rộng; để nguyên tắc tự phê bình và phê bình có cơ hội được hiện thực hóa trong thực tế. Tuy nhiên, cách cơ quan này gọi sự kiện làm hỏng bảo vật quốc gia - bức tranh Vườn xuân Trung Nam Bắc của danh họa Nguyễn Gia Trí - là “sự kiện còn hạn chế” lại khiến cho không ít người cảm thấy đơn vị này vẫn chưa gọi tên chính xác bản chất của sự việc, hiện tượng.
Theo tiến sĩ ngôn ngữ Đỗ Anh Vũ, “đây là một phát ngôn không tự nhiên, không bình thường, không phải cách nói của người Việt. Nó thể hiện rõ tâm lý bao che, cố tình dùng uyển ngữ để nói giảm nói tránh. Thôi, đừng gọi việc làm hỏng bức tranh Vườn xuân Trung Nam Bắc là “sự kiện còn hạn chế” một cách ve vuốt nữa. Đây là một “sự kiện xấu” của năm!
|
Cốc Vũ