Nhiều vết gợn của thời trang Việt

22/07/2023 - 06:50

PNO - Nhiều thiết kế trong 2 bộ sưu tập của Nguyễn Minh Công và Lê Thanh Hòa bị công chúng đặt vấn đề rất giống với những thiết kế từng xuất hiện trước đó của một số thương hiệu nổi tiếng trong nước và quốc tế. Một lần nữa, câu chuyện “vay mượn” lại nóng trong làng thời trang Việt Nam.

1. Nhà thiết kế (NTK) Nguyễn Quốc Việt (Cat CO) nói anh lặng người, đặt dấu hỏi lớn khi chứng kiến mẫu thiết kế được người mẫu Nam Anh trình diễn trong bộ sưu tập (BST) Về nhà Út ơi của NTK Nguyễn Minh Công, tại Tuần lễ thời trang quốc tế Việt Nam 2023 hôm 15/7. Mẫu thiết kế này giống hệt 1 phác thảo mà Nguyễn Quốc Việt từng vẽ trong BST Nhà, phục vụ môn học đồ án dạ hội tại Trường đại học Tôn Đức Thắng. Đồ án này được anh giới thiệu vào tháng 11/2022. Buổi chấm đồ án có các giảng viên của trường và khách mời là NTK Nguyễn Minh Công. Nguyễn Quốc Việt nói anh vẫn đang chờ câu trả lời chính thức từ Nguyễn Minh Công sau khi đăng câu chuyện lên mạng xã hội.

Nhà thiết kế Nguyễn Quốc Việt đã phản ứng khi phát hiện mẫu thiết kế trong bộ sưu tập Về nhà Út ơi (phải) của nhà thiết kế Nguyễn Minh Công (giới thiệu tháng 7/2023) giống mẫu phác thảo trong bộ sưu tập Nhà anh từng giới thiệu vào tháng 11/2022
Nhà thiết kế Nguyễn Quốc Việt đã phản ứng khi phát hiện mẫu thiết kế trong bộ sưu tập Về nhà Út ơi (phải) của nhà thiết kế Nguyễn Minh Công (giới thiệu tháng 7/2023) giống mẫu phác thảo trong bộ sưu tập Nhà anh từng giới thiệu vào tháng 11/2022

Ngoài ra, trong BST Về nhà Út ơi, một số mẫu thiết kế được chỉ ra có nhiều nét tương đồng với các thiết kế nằm trong các BST: Lúa, Cảm ơn Sài Gòn của NTK Nguyễn Công Trí từng giới thiệu vào năm 2016, 2013; bị so sánh cách xử lý chất liệu giống với thiết kế của Oscar de la Renta, Quí Trần... Điều này làm dấy lên nghi vấn Nguyễn Minh Công “vay mượn” ý tưởng.

Một số thiết kế trong BST Hoa trên sóng nước của NTK Lê Thanh Hòa cũng bị chỉ ra có một số nét tương đồng với các thiết kế từ các nhà mốt lớn của thế giới như: Oscar de la Renta, Saint Laurent, Georges Hobeika… Đặc biệt, cách xử lý phần cầu vai, tay váy khá giống với kết cấu mà Viktor & Rolf (trong BST cao cấp năm 2022) và Chanel (BST cao cấp 2016) từng giới thiệu. 

Cũng như Nguyễn Minh Công, hiện NTK này cũng chưa lên tiếng giải thích.

2 BST nói trên được giới thiệu trong khuôn khổ tuần lễ thời trang quốc tế, có sự tham gia của nhiều bạn bè trên thế giới.

2 NTK không chỉ đại diện cho bản thân, thương hiệu cá nhân mà ít nhiều cũng gánh trên mình trách nhiệm cho hình ảnh của thời trang Việt. Vì lẽ đó, sự ồn ào đã và đang diễn ra là một vết gợn không nhỏ. 

Trang Insidethemoodvn so sánh mẫu thiết kế của Lê Thanh Hòa (phải) trong bộ sưu tập Hoa trên sóng nước (tháng 7/2023) và ý tưởng trong bộ sưu tập trang phục cưới cho nam của thương hiệu Brik Studio, phát triển bằng công nghệ AI (giới thiệu hồi tháng 6/2023)
Trang Insidethemoodvn so sánh mẫu thiết kế của Lê Thanh Hòa (phải) trong bộ sưu tập Hoa trên sóng nước (tháng 7/2023) và ý tưởng trong bộ sưu tập trang phục cưới cho nam của thương hiệu Brik Studio, phát triển bằng công nghệ AI (giới thiệu hồi tháng 6/2023)

2. Thời trang Việt thời gian qua đang có nhiều tín hiệu phát triển, bao gồm sự vươn mình của NTK Việt, dấu ấn Việt ra quốc tế và nỗ lực tạo màu sắc, chất lượng xây dựng khung sườn cho thời trang trong nước. Nhưng những lùm xùm về việc vay mượn ý tưởng, sao chép cứ diễn ra liên tục.

Trên trang Instagram Insidethemoodvn, có rất nhiều bài đăng so sánh sự trùng hợp trong thiết kế của nhiều NTK, thương hiệu Việt Nam với thiết kế từ các thương hiệu trên thế giới.

Không phủ nhận, thời trang cũng có những điều cơ bản, nền tảng, tính kế thừa và cũng có xu hướng xoay vòng. Nhưng đáng nói là, sự “trùng hợp” được đề cập bên trên cứ kéo dài qua nhiều năm. Nhiều NTK thường xuyên được xếp vào danh sách này khiến công chúng không khỏi hoài nghi. Thậm chí, có những cái tên từng bị các thương hiệu, NTK quốc tế “điểm mặt” sau phản ánh của công chúng. Thời trang Việt cũng không thiếu trường hợp NTK, thương hiệu trong nước đấu tố, chỉ trích nhau vì cho rằng sao chép ý tưởng. 

Điểm chung của các sự vụ là sẽ rơi vào quên lãng sau thời gian ồn ào. Bên cạnh đó, để đưa ra một kết luận thật chính xác cho vấn đề đạo nhái vẫn khó, bởi chưa có quy chuẩn nào cụ thể cho việc này, được quy định bằng luật hay văn bản dưới luật. Ngành thời trang cũng chưa có sự bảo hộ nào với các ý tưởng sáng tạo. Trong số những lùm xùm xảy ra trong thời gian qua cũng chưa có vụ việc nào đi đến nơi đến chốn sau những tranh cãi, đấu tố qua lại trên mạng xã hội. Có quá nhiều “kẽ hở” để câu chuyện “vay mượn”, đạo nhái có thể vẫn còn đất sống trong thời trang Việt nói riêng và thời trang thế giới nói chung. Thực tế, cũng có nhiều mẫu thiết kế của NTK Việt Nam bị nhiều đơn vị, thương hiệu ở nhiều quốc gia khác làm nhái. 

Công chúng luôn ủng hộ sự sáng tạo, năng lực của những tài năng Việt Nam. Nhưng chắc chắn họ quay lưng với những hành động không đẹp: sự vay mượn ý tưởng, sao chép. Học hỏi, kế thừa là điều nên làm nhưng phải có ranh giới. Và ranh giới này được tạo ra bởi lòng tự trọng của người làm nghề. 

1 BST, 1 thiết kế khi ra mắt, hẳn điều NTK mong muốn vẫn là niềm vui, sự tán thưởng của công chúng. Muốn có điều này trọn vẹn, khởi nguồn phải từ tư duy và ý thức của NTK. Trong thế giới phẳng, không khó để công chúng tiếp cận với thông tin, hình ảnh dẫu ở bất kỳ đâu, thời gian nào. Đơn cử với những trường hợp vừa qua, chỉ sau vài tiếng từ khi BST được giới thiệu, khán giả đã tìm ra, so sánh ngay. Đây là điều nhắc nhở các NTK cần phải thận trọng, tự trọng với chính thiết kế, công việc của mình. 

Hà Anh

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI