Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề của phụ nữ giai đoạn 2017-2027 là mục tiêu đề án 938 của Chính phủ. Nghe có vẻ “nặng nề”, nhưng với sự tinh tế, uyển chuyển, những vấn đề trên đã được cán bộ, hội viên phụ nữ các cấp tại TP.HCM triển khai một cách nhẹ nhàng và hiệu quả.
“Tín dụng Hồng” - quỹ giảm nghèo của phố
Sáng 17/10, tại lễ kỷ niệm ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam của Hội LHPN Q.1, chị Lê Thị Ngà, khu phố 6, P.Cầu Kho và một số chị em đã tranh thủ bày bán những chiếc giỏ len đựng bình nước để gom góp kinh phí cho một kỳ phát vay mới dành cho những phụ nữ nghèo trong khu phố. Những khoản tiền nhỏ, góp nhặt từ nguồn vốn nhàn rỗi của “người có” (là các nữ thương nhân và những người hảo tâm) chia sẻ cho “người khó” (là những chị em buôn bán nhỏ, khó khăn, đau bệnh…) được chị em gọi là Quỹ tín dụng Hồng.
|
Chị Lê Thị Ngà (khu phố 6, P.Cầu Kho, Q.1) đang làm những sản phẩm để bán góp vào Quỹ tín dụng Hồng |
Quỹ chỉ có khoảng 13 triệu đồng, nhưng hơn một năm vận hành đã giúp 15 chị em trong khu phố vay xoay vòng, tránh phải dính đến tín dụng đen như đã từng xảy ra trước đó. Nhờ 500.000 đồng mà chị H. mở lại được gánh bún riêu sau thời gian chồng con bệnh nặng. Cũng nhờ một triệu đồng từ quỹ mà chị K. sắm được chiếc xe đẩy bán hàng trước nhà để cải thiện cuộc sống… Nhìn chung, nhờ nguồn vốn nghĩa tình mà những người phụ nữ nghèo, phụ nữ nhập cư đã bắt nhịp được với cuộc sống bình thường dù cuộc mưu sinh vẫn còn nhiều vất vả.
Không riêng khu phố 6, cũng không riêng ở Q.1 mà hàng ngàn tổ “tín dụng Hồng” với nhiều tên gọi khác nhau như “Heo đất vì chị em nghèo”, “Quỹ tình thương trách nhiệm”… đang hiện diện khắp nơi tại TP.HCM. Qua sự điều hành khéo léo của các chi tổ Hội, những đồng tiền bé mọn đã trở nên có ý nghĩa lớn lao.
Được như vậy, trước tiên, phải khen ngợi những người đã đưa ra ý tưởng. Tiếp theo, cũng phải khen ngợi những chị em “thực thi ý tưởng” đã khéo léo trong khâu vận động “góp gió” với những khoản tiền nhỏ bé (mỗi hội viên chỉ góp 10.000 đồng/tháng) để “thành bão” với những khoản tiền lên đến hàng chục tỷ đồng ở mỗi quận, huyện. Chỉ từ năm 2016-2019, phụ nữ toàn thành phố đã vận động, xây dựng trên 400 mái ấm tình thương, trao gần 1.500 phương tiện làm ăn và gần 30.000 suất học bổng…
Ngoài việc giúp đỡ người nghèo, giúp nhau làm ăn để vượt khó, chị em còn hỗ trợ nhau khởi nghiệp. Cũng tại buổi lễ sáng 17/10, ông Nguyễn Văn Dũng - Chủ tịch UBND Q.1 - phát biểu: “Những vấn đề xã hội, khi được các chị em chung tay, góp sức sẽ trở nên hiệu quả, thiết thực và phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương…”.
Bảo vệ gia đình cho hiện tại và tương lai
Kết hôn được gần 4 năm, chị T. và anh H. có với nhau bé gái hơn một tuổi, xinh xắn, dễ thương. Tưởng được chồng yêu thương, không ngờ những hành động “yêu thương” vợ thái quá của chồng đã làm chị T. như bị “giam lỏng” trong chính ngôi nhà của mình. Mọi khoản chi tiêu hằng ngày trong gia đình cũng được anh quản lý theo kiểu “tiền phát gạo đong”. Chị đi chợ hay ra ngoài lúc nào anh cũng kè kè.
Ban đầu, dù khó chịu nhưng chị T. tự trấn an “có lẽ do chênh lệch về tuổi tác nên anh H. mới có suy nghĩ và hành động thái quá như vậy”. Nhưng rồi càng ngày chị càng thấy nặng nề. Chị T. đã nhiều lần trao đổi về việc chị sẽ đi làm nhưng đều không được chồng đồng tình. Rồi chuyện ghen tuông vu vơ cũng xảy ra.
Quá bức bối, trong những ngày cuối tháng Sáu vừa qua, nhân lúc chồng đi thăm người thân ở nước ngoài, chị T. gọi điện đến Tổ phản ứng nhanh phòng, chống bạo lực gia đình P.Phú Trung, Q.Tân Phú nhờ giải cứu, giúp chị thoát khỏi cuộc sống bị “giam lỏng”.
Tổ phản ứng nhanh phòng, chống bạo lực gia đình P.Phú Trung, Q.Tân Phú. |
|
Tiếp nhận cuộc gọi, chị Trịnh Tam Mai - Chủ tịch Hội LHPN P.Phú Trung, Tổ phó Tổ phản ứng nhanh - báo cáo vụ việc với Phó chủ tịch UBND phường cũng là Tổ trưởng Tổ phản ứng nhanh. Các chị đã nhanh chóng cùng các thành viên trong tổ và chi hội phụ nữ tìm đến nhà chị T. để tìm hiểu sự việc và cắt cử người thường xuyên lui tới thăm hỏi, trò chuyện, động viên chị T. bình tĩnh giải quyết vấn đề. Khi chồng chị T. trở về, Tổ phản ứng nhanh đã tiếp cận, hòa giải, tìm hướng giúp đỡ và bảo vệ an toàn cho mẹ con chị T.
Tuy nhiên, mới đây, chị T. cho biết, chị đã bình tĩnh suy xét lại mối quan hệ vợ chồng và cố gắng hàn gắn, nhưng cách cư xử của chồng không thay đổi nên chị quyết định ly hôn. Hiện, chị T. đang gửi con đi nhà trẻ và xin được việc làm.
Chị Đặng Thị Hồng Vân - Chủ tịch Hội LHPN Q.Tân Phú: “Từ P.Phú Trung, đến nay mô hình Tổ phản ứng nhanh đã được nhân rộng ra 11 phường trong quận.
Từ câu chuyện trên có thể thấy, hạnh phúc gia đình không chỉ là câu chuyện của mỗi nhà mà đây đó luôn thấp thoáng bóng hình của Hội Phụ nữ. Không chỉ giải quyết hậu quả, từ nhiều năm qua, việc hướng dẫn các kỹ năng chăm sóc bảo vệ mái ấm gia đình, nuôi dạy con… đều đã được Hội triển khai thực hiện. Hàng trăm khóa học “làm vợ làm chồng”, kỹ năng nuôi dạy con, chăm sóc mái ấm gia đình, phòng chống bạo lực, xâm hại cho phụ nữ, trẻ em… cho hàng trăm ngàn hội viên, phụ nữ và các đối tượng trong xã hội đã được Hội Phụ nữ các cấp tổ chức thực hiện từ cấp thành cho đến các khu phố, xóm, ấp.
TP.HCM đang phấn đấu trong 5 năm, từ 2016-2021, sẽ có 5.000 cặp đôi nam nữ sắp kết hôn được học lớp tiền hôn nhân. Đó cũng là cách Hội trang bị hành trang để bảo vệ hạnh phúc gia đình cho nam nữ thanh niên trước khi bước vào đời sống hôn nhân.
Nhiều bài toán chị em ra tay mới có kết quả.
Trong lần ra quân tuyên truyền về phân loại rác tại nguồn ở Q.Tân Phú, ông Huỳnh Minh Nhựt - Tổng giám đốc Công ty Môi trường đô thị TP.HCM - khẳng định: “Nếu không có sự ủng hộ của người dân, đặc biệt là sự đồng lòng của hội viên, phụ nữ thì việc phân loại rác tại nguồn sẽ vô cùng khó khăn. Bài toán này, chỉ khi chị em tham gia, tiếp sức, mới ra kết quả”.
Trong việc phân loại rác tại nguồn, vận động người dân không xả rác ra đường phố và kênh rạch, chống rác thải nhựa… Hội LHPN các cấp tại TP.HCM đã có biết bao việc làm thiết thực. Ngoài mỗi tuần ra quân dọn dẹp vệ sinh “15 phút vì thành phố an toàn - sạch đẹp - văn minh” các chị còn nghĩ ra nhiều sáng kiến trong việc tái chế phế liệu thành những vật dụng có ích, ghé từng hộ gia đình hướng dẫn phân loại rác tại nguồn, gõ cửa từng trường học để phối hợp xử lý, thu gom vỏ hộp sữa giấy.
Các chị cũng là những người cất tiếng nói đầu tiên, kiến nghị chính quyền, lãnh đạo thành phố kiên trì thực hiện chống rác thải nhựa ngay tại công sở…
Để bảo vệ sức khỏe chính mình và người thân, các chị đã tổ chức dạy và học lẫn nhau về an toàn vệ sinh thực phẩm, nhận biết sản phẩm giả, hàng kém chất lượng, kém an toàn; dạy nấu những bữa ăn dinh dưỡng, trồng vườn rau sạch ở từng gia đình.
Mạnh dạn hơn, các chị đòi hỏi chính quyền hỗ trợ cho ra mắt những con hẻm an toàn thực phẩm (như ở P.13, Q.6), kiến nghị cho hội viên, phụ nữ đối thoại với lãnh đạo từ cấp quận đến phường (ở 16 phường trên địa bàn Q.8); lập riêng đường dây nóng chống bạo hành, xâm hại phụ nữ, trẻ em (ở Q.3, Q.4); tạo diễn đàn, cơ hội cho cán bộ Hội là đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp hiến kế (Q.5)…
|
Bà Nguyễn Thanh Xuân - Phó bí thư Quận ủy Q.8 - chủ trì buổi đối thoại cùng chị em phụ nữ |
Tại các buổi đối thoại, hàng loạt vấn đề anh sinh xã hội được chị em nêu ra một cách thẳng thắn với lãnh đạo. Đó là chuyện đường sá bị lấn chiếm, lầy lội, ổ gà, gây nguy hiểm cho người đi đường; là chuyện môi trường sống bị ô nhiễm; là chuyện tụ tập cờ bạc, rượu chè… Nhờ sự thẳng thắn, quyết liệt ấy mà nhiều con đường nắng bụi - mưa ngập được khắc phục; nhiều ổ tệ nạn xã hội bị xóa sổ, mang lại sự bình yên cho các khu dân cư…
Bà Nguyễn Thanh Xuân - Phó bí thư Quận ủy Q.8, nói: “Những kiến nghị thẳng thắn, chân tình của chị em phụ nữ chính là cách thức mà chị em tham gia giải quyết các vấn đề xã hội, cùng chung tay xây dựng, phát triển quận nhà”.
Hạnh Chi - Thiên Ân - Thanh Xuân