Nhiều vấn đề về tour "Mua quà là chính"

17/04/2022 - 07:16

PNO - Tôi đã đọc bài viết Ngán ngẩm tour du lịch… mua quà là chính của tác giả Nguyễn Huỳnh Đạt trên phunuonline.com.vn ngày 6/4 và thấy khá nhiều bạn đọc đồng tình. Tuy nhiên, tôi cho rằng, bài viết chỉ mới nêu được hiện tượng. Đằng sau đó còn nhiều vấn đề mà tôi - một người làm du lịch lâu năm - muốn trao đổi thêm.

Thu nhập của hướng dẫn viên (HDV) gồm hai phần, tạm gọi là cứng và mềm. Phần cứng gồm lương tháng (nếu HDV thuộc biên chế của các công ty), lương tour (tính theo ngày, trình độ, thị trường và loại hình tour); phần mềm gồm tiền tip (do du khách tham gia tour tặng khi cảm thấy hài lòng), tiền hoa hồng từ các điểm mua sắm (có trong chương trình tour) và bán các quyền chọn mua (option) ngoài chương trình, nhất là các chương trình (show) giải trí. Phần này tùy thị trường và cả thị phần (đối tượng khách), thường những khách đi lần đầu sẽ chi nhiều hơn. Có tour, thu nhập phần mềm của HDV nhiều hơn phần cứng do văn hóa mua sắm của từng dân tộc và từng đoàn khách. 

Mua sắm (shopping) và giải trí là một phần tất yếu của ngành du lịch, vấn đề là thực hiện như thế nào. Các tour đi châu Âu, đi Mỹ và một số nước phát triển không có điểm mua sắm riêng dành cho khách du lịch, du khách cũng không có nhu cầu mua sắm nhiều. Ngược lại, các tour châu Á, nhất là Đông Nam Á và các nước kém phát triển đều có chương trình mua sắm và du khách của các nước này cũng mua sắm nhiều nhất.

Không ít du khách còn chủ động yêu cần các doanh nghiêp lữ hành phải có điểm mua sắm trong lịch trình tour
Không ít du khách còn chủ động yêu cầu các doanh nghiêp lữ hành phải có điểm mua sắm trong lịch trình tour. (Ảnh chụp đoàn du khách Việt Nam tai một điểm mua sắm trên đảo Hải Nam, Trung Quốc).

Về khoản mua sắm trên tour, khách Trung Quốc là vô địch. Không ít thị trường sẵn sàng bán tour 0 đồng cho khách Trung Quốc. Có thời gian, khách Trung Quốc vào Thái Lan còn được trả thêm mấy chục USD mỗi khách. Trong các tour 0 đồng, khách được tham quan chùa, nhà thờ, công viên công cộng (miễn phí), tự do mua sắm và chỉ tốn vé máy bay khứ hồi.

Việc chi hoa hồng trong kinh doanh là bình thường. Khách vào các điểm mua sắm được mời nước uống, dùng khăn lạnh, dùng thử sản phẩm, xem phim tư liệu. Thái Lan là bậc thầy về nghệ thuật dụ khách chi tiêu. Đánh vào tâm lý đám đông, người bán phân loại khách, tập trung mời chào người nhiều khả năng thuyết phục nhất, từ giá cao đến thấp dần theo túi tiền. Chỉ cần một người mua, nhiều người khác sẽ mua theo. Giá cao nhưng không có hàng dỏm, được bảo hành.

Ngoài chi hoa hồng cho HDV, các điểm mua sắm còn phải chi cho công ty lữ hành và người lái xe. Các điểm mua sắm thường phát thẻ đeo cho khách để phân biệt đoàn này với đoàn kia, để dễ tính doanh thu. Ở Việt Nam, hầu hết các điểm mua sắm đều khoán theo xe lớn nhỏ, dù khách mua ít hay nhiều. Các HDV và nhà xe thích đi Đà Lạt, Phan Thiết, Nha Trang, Đà Nẵng, Huế, Hà Nội, Quảng Ninh… do có nhiều điểm mua sắm hơn Tây Nguyên, Tây Bắc và Tây Nam bộ. 

Riêng các show, các option có giá cực kỳ mềm, có khi giảm tới 70%. Cái hay là chỉ ưu đãi cho các công ty lữ hành bản địa có ký hợp đồng. Khách tự mua hàng hóa cũng bằng giá do HDV bán, khách Việt hay khách nào cũng vậy. Việc mua sắm tỷ lệ nghịch với số lần đi. Không ít HDV khó chịu ra mặt khi du khách thờ ơ với việc mua sắm.  

Thực chất các tour shopping là để giảm giá thành. Đa phần khách Việt ham giá rẻ. Tour Thái Lan hiện nay đắt gấp 1,5 lần giá năm 2019 do chưa thể shopping như trước. Với các tour đi Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Hồng Kông, Thái Lan, Malaysia, Singapore… nếu khách bỏ tour (không đi theo lịch trình) có thể phải đóng thêm vài chục USD mỗi ngày do làm mất nguồn doanh thu mua sắm. Tour Thái sáu ngày rẻ hơn tour Thái bốn ngày, tour cho sinh viên đắt hơn tour khách du lịch.

Các công ty lữ hành nghiêm túc thường tư vấn rõ với khách về các tour shopping. Vào các điểm mua sắm, khách mua hay không thì tùy, nhưng sẽ được giảm giá. Nếu cần dành thời gian trải nghiệm, không shopping thì giá cao hơn khá nhiều. Do vậy, người mua tour cần nêu yêu cầu của mình, tìm hiểu thật kỹ về dịch vụ, về chương trình để chọn tour phù hợp.

Các tour vé lẻ ghép khách thường chọn số đông, giá rẻ, dễ bán, bắt buộc phải shopping để bù đắp doanh thu. Chỉ đáng trách là khi công ty lữ hành lập lờ, cố bán cho được tour và không nói rõ thực chất của tour để khách chọn lựa, hoặc nêu chương trình một đằng, thực hiện một nẻo. 

Chương trình tour của các công ty lữ hành luôn dựa vào thị hiếu và nhu cầu của khách. Liệu khách có chịu bỏ thêm từ 2-5 triệu đồng để bỏ hết các điểm mua sắm, option, tập trung cho tham quan trải nghiệm? Và bao nhiêu người có nhu cầu như vậy? Đi châu Âu, Mỹ, Nhật, Úc và một số nước phát triển, có muốn giảm giá bằng shopping cũng không được. Vấn đề là lựa chọn và sự gặp nhau của khách với các công ty lữ hành. 

Nguyễn Văn Mỹ (Chủ tịch Công ty Du lịch Lửa Việt)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI