Nhiều trường trung cấp… giãy chết

22/01/2015 - 07:28

PNO - PN - Tuyển không ra người học, thu không đủ bù chi khiến nhiều trường trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề ngắc ngoải nhiều năm nay. Bước vào đầu năm 2015, một số trường trung cấp phải xin giải thể, rao bán hoặc sáp nhập vào...

edf40wrjww2tblPage:Content

Giải thể, bán trường

Mới đây, ông Trần Nguyễn Hoàng Phương, Hiệu trường Trường trung cấp nghề (TCN) tư thục Hoàn Cầu đã nộp đơn lên Sở LĐ-TB-XH TP.HCM để xin thôi không làm hiệu trưởng, đồng thời xin giải thể trường vì hai năm nay, trường không tuyển được học sinh (HS) mới nào. Khoảng 10 HS khóa cuối của trường đã tốt nghiệp vào cuối năm 2014. Từ đó đến nay, trường không còn việc gì làm và tạm thời ngừng hoạt động.

Lẽ ra việc giải thể trường phải do hội đồng quản trị trường quyết định, nhưng từ lâu ban giám hiệu không thể liên lạc được với hội đồng quản trị. Việc trả lương cho cán bộ, giáo viên do nhà trường tự cân đối, không tuyển ra người học nên hiệu trưởng trường buộc phải nộp đơn chờ ý kiến của Sở. Trường có trụ sở chính tại Q.6 và thuê thêm cơ sở ở Q.Tân Bình. Từ tháng 1/2015, trường cũng phải trả lại cơ sở thuê mướn.

Vài ngày trước, UBND tỉnh Cà Mau cũng ký quyết định giải thể Trường TC Văn hóa - thể thao và du lịch Cà Mau. Trước khi giải thể, trường có liên kết đào tạo khoảng 10 lớp cao đẳng, đại học (CĐ, ĐH) với hơn 300 sinh viên. Chức năng, nhiệm vụ, nhân sự đang làm việc tại khoa Văn hóa du lịch của trường được chuyển sang trường CĐ Cộng đồng Cà Mau, khoa Nghệ thuật và Trung tâm thực nghiệm thì chuyển sang trường CĐ Sư phạm Cà Mau… Công tác giảng dạy và đào tạo vẫn diễn ra bình thường, quyền lợi của các học viên đang theo học vẫn bảo đảm.

Trường TC Kinh tế du lịch TP.HCM trong năm 2014 chỉ tuyển được khoảng 150 HS. Cơ ngơi tòa nhà của trường đến bảy tầng nhưng lượng HS quá ít nên trường buộc phải cho một trường THPT thuê hai tầng để san sẻ chi phí thuê nhà. Một đại diện của trường cho biết, mấy năm nay nguồn thu học phí không đủ chi nên phải bù lỗ.

Cầm cự đến cuối năm 2014 thì trường đành rao bán. Tương tự, Trường TC Mai Linh chỉ tuyển được vài chục HS mỗi năm nên cũng rao bán. Có một trường ĐH tư đặt vấn đề mua lại trường này và đã đặt cọc 100 triệu. Nhưng sau khi đặt cọc, chờ mãi vẫn không thấy bên mua xúc tiến việc mua bán tiếp theo.

Một cổ đông Trường TC Kỹ thuật Công nghiệp ở Đồng Nai cho biết, hai năm nay, trường chỉ tuyển được khoảng 50 HS mỗi năm. Học phí mỗi HS gần 14 triệu đồng/năm, tính ra nguồn thu của cả trường vào khoảng 600-700 triệu đồng. Trong khi đó, có vô số thứ để chi, từ tiền thuê mặt bằng, giảng viên, nhân viên, khấu hao tài sản đến mua sắm trang thiết bị, chi phí tuyển sinh… nên năm nào trường cũng từ huề vốn đến lỗ. Hết mùa tuyển sinh 2014, trường chỉ tuyển được có 20 HS nên không thể cầm cự, đành phải “sang” trường cho nhà đầu tư khác với giá rẻ bèo.

Có thể thấy vài năm trở lại đây, đã có hàng loạt trường TC buộc phải rao bán, nhà đầu tư chấp nhận lỗ để sang tên. Vì không thể cầm cự tiếp, nhiều nhà đầu tư tìm cách thoái vốn, “bỏ của” chạy... khỏi trường TC. Tại TP.HCM, hàng loạt trường đã phải đổi chủ như trường TCN Khôi Việt, TC Kinh tế Công nghệ Gia Đình, TC Hồng Hà, TC Tây Bắc... Ngoài ra, một số trường khác đang được rao bán nhưng chưa có người mua.

Nhieu truong trung cap… giay chet

Trường TC Mai Linh là một trong những trường đang được rao bán

“Cái chết” được báo trước

Chuyện trường trung cấp chuyên nghiệp (TCCN), TCN “bói” không ra người học, nhiều nhà đầu tư cho biết, đó là “cái chết” đã được báo trước bởi cách làm chính sách tuyển sinh chỉ có lợi cho các trường "chiếu trên" như ĐH. Hiệu trưởng một trường TCCN thẳng thắn: “Thông tư về liên thông là cú đấm vào các trường TC vốn đang khó khăn tuyển sinh. Chưa tính đến yếu tố tâm lý chuộng bằng cấp của người học, việc Bộ GD-ĐT “siết” liên thông khiến con đường vòng đi từ trung cấp của người học không còn thông thoáng. Vậy ai chịu chọn con đường khó để đi trong khi vào ĐH ngày càng dễ?".

Không chỉ trường ngoài công lập khó tuyển, mà cả trường công lập, được ngân sách đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị tốt vẫn ngồi chờ người học. Một hai năm nay, Trường TC Kinh tế Kỹ thuật Hóc Môn chỉ tuyển được 30-40% chỉ tiêu. Chỉ tiêu năm nay của trường là hơn 1.000 nhưng cũng chỉ tuyển được khoảng 300 HS.

Tương tự, Trường TC Kinh tế Kỹ thuật Nguyễn Hữu Cảnh, Trường TCN Lê Thị Riêng cũng tuyển không đủ chỉ tiêu. Năm 2014, Trường TC Kinh tế Công nghệ Gia Đình không tuyển được HS nào, hiệu trưởng bèn trả trường về cho hội đồng quản trị. Cũng trong năm này, Trường TC Công nghệ thông tin Sài Gòn chỉ tuyển được vài chục HS.

Thạc sĩ Trần Phương, Hiệu trưởng Trường TCN Việt Giao phân tích: Vào ĐH bây giờ quá dễ, chỉ cần có điểm học bạ lớp 12, điểm tốt nghiệp THPT trên dưới 6 điểm, đã có thể đậu ĐH, CĐ chính quy. Năm 2014 mới có hơn 60 trường được tuyển sinh riêng đã gây khó khăn cho hệ thống trường nghề.

Thống kê nhiều trường TC cho thấy, sau thông tư về liên thông, đề án tuyển sinh riêng, nhiều trường TC đã giảm khoảng một nửa số người học. Dự báo năm 2015, nếu Bộ cho phép trường ĐH tuyển sinh nhiều đợt nữa thì tình hình các trường sẽ càng bi đát hơn nếu không tìm được hướng đi khác, đồng nghĩa với việc sẽ có thêm nhiều trường TC “chết”.

Dẫn đến tình cảnh này, không thể phủ nhận vẫn còn một số trường TC chưa đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia giáo dục, còn có thêm một số nguyên nhân như việc phân luồng sau THCS chưa tốt; các nhà quản lý giáo dục cũng đang mở rộng “cửa” để các trường ĐH “vét” hết SV, đồng thời các chính sách để người học trung cấp liên thông cũng đang bị bóp hẹp lại. Trước tình hình này, hệ thống đào tạo nghề vô cùng quan trọng có nguy cơ “cáo chung”.

GIA TUỆ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI