Nhiều trường tại TP.HCM 'hễ cháy là chết'

24/11/2017 - 17:48

PNO - Vụ cháy xảy ra tại Trường THCS - THPT Nhân Văn (P. Sơn Kỳ, Q.Tân Phú, TP.HCM) vào ngày 21/11 tuy không gây thương vong nhưng một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về thảm họa nếu xảy ra cháy nổ trong trường học.

Bởi, tại TP.HCM hiện nay, có rất nhiều trường nằm lọt thỏm trong khu chợ, được “cải biên” từ nhà phố, hoàn toàn không có lối thoát hiểm, cũng không có hệ thống báo cháy, chữa cháy.

Nhieu truong tai TP.HCM 'he chay la chet'
Hiện trường vụ cháy Trường THCS - THPT Nhân Văn (Q. Tân Phú) vào ngày 21/11

Cháy là… khỏi chạy

7h ngày 22/11, trước cổng Trường tiểu học Tô Vĩnh Diện (số 22 Trịnh Hoài Đức, P.1, Q. Bình Thạnh) đông kín người. Các phụ huynh đưa con đến trường đều phải dừng từ rất xa vì lối vào trường đang bị tận dụng để họp chợ. Nhiều phụ huynh có con theo học tại trường này luôn phập phồng lo sợ vì ngôi trường này nằm sát bên chợ Bà Chiểu. Cách đây không lâu, khu chợ này đã xảy ra hỏa hoạn khiến phụ huynh rất lo lắng.

Theo quan sát của chúng tôi, Trường tiểu học Tô Vĩnh Diện nằm gần giao lộ Trịnh Hoài Đức - Vũ Tùng. Hai tuyến đường này khá hẹp, trường lại nằm trong khu dân cư, gần với các ki-ốt và thường xuyên bị lấn chiếm làm nơi buôn bán. Ngôi trường này chỉ có một lối thoát duy nhất nằm trên đường Trịnh Hoài Đức nên nếu xảy ra sự cố, cả giáo viên và học sinh đều không có lối thoát hiểm.

Khu vực chợ Bà Chiểu còn có hai ngôi trường khác là Trường Mầm Non 2 (số 10 - 12 đường Vũ Tùng) và Trường tiểu học Lam Sơn (đường Bùi Hữu Nghĩa). Không ít người bày tỏ lo lắng khi các ngôi trường này gần sát chợ, ít lối thoát hiểm, nếu không làm tốt công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) thì hiểm họa sẽ rất khó lường nếu xảy ra cháy.

Trường chuyên biệt Tương Lai dành cho trẻ khuyết tật gồm hai cơ sở, một nằm trên đường Trần Xuân Hòa và một nằm trên đường Ngô Quyền, đều thuộc Q.5. Cả hai cơ sở này đều cũ kỹ, xuống cấp do đã được xây dựng từ trước năm 1975. Cơ sở tại đường Trần Xuân Hòa vốn là một căn nhà phố, không được xây dựng theo quy chuẩn của một trường học, càng không có những tiêu chuẩn dành cho trẻ thiểu năng. Từ lớp học đến cầu thang, hành lang đều hẹp dài, chỉ có một cửa ra vào duy nhất, không có lối thoát hiểm. Một phụ huynh giật mình thon thót khi tôi đặt giả thiết “nếu cháy, học sinh sẽ thoát thân thế nào”. 

Cách đó không xa, Trường THPT Trần Hữu Trang nằm trên đường Trần Hưng Đạo (Q.5) lọt thỏm trong khuôn viên một ngôi chùa. Cổng chùa chung với cổng trường, kế bên cổng chính là một cổng phụ rất nhỏ. Nếu xảy ra sự cố, hơn ngàn học sinh, giáo viên và những người trong khuôn viên chùa, trường phải chen chúc nhau thoát thân qua cánh cổng đổ ra đường Trần Hưng Đạo. Người dân ở đây kể: “Vào các ngày lễ trong tháng, người viếng chùa nhiều, nhang khói nghi ngút. Chúng tôi ở đây lâu, thấy quen rồi, nhưng học sinh, giáo viên mới về trường thấy sợ ngay”.

Trên địa bàn Q.3 - một trong những quận trung tâm của TP.HCM - cũng không thiếu những cơ sở mầm non “tạm trú” trong những căn nhà phố chỉ một cửa ra vào. Trường Mầm Non 3 có hai cơ sở nằm trên đường Nguyễn Thiện Thuật chật chội, tấp nập người buôn bán. Cơ sở nào cũng giống chuẩn nhà ở hơn chuẩn trường học, nhất là cơ sở 2 nhỏ như một căn nhà ống, không có lối thoát nào khác ngoài cửa ra vào. 

Cơ sở 2 của Trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng (đường Nguyễn Thành Ý, Q.1) cũng được xây kiểu “nhà phố” với một lối thoát duy nhất là cổng chính và không có khuôn viên xung quanh. Đoạn đường trước cổng trường còn thường xuyên bị lấn chiếm làm nơi đậu ô tô. Với kết cấu như trên, nếu xảy ra cháy nổ, sẽ không có lối thoát để sơ tán học sinh…

Dễ cháy lan, cháy lớn

Theo số liệu từ Phòng Cảnh sát PCCC TP.HCM, tính đến ngày 30/9, toàn thành phố còn 169 cơ sở, công trình không đảm bảo yêu cầu về PCCC; có 145 cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao xen cài trong khu dân cư, và 22 khu vực có nguy cơ cháy, nổ cao. Qua kiểm tra, Cảnh sát PCCC đã phát hiện nhiều đơn vị trường học từ cấp mầm non đến đại học vi phạm công tác PCCC, đảm bảo an toàn cho người học. Thậm chí có nơi, dù hoạt động đã lâu, số người học tập, làm việc lên đến cả chục nghìn người nhưng vẫn chưa nghiệm thu hệ thống PCCC. 

Trường dưới 100 học sinh thì khỏi duyệt thiết kế phòng cháy chữa cháy?

Luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng, theo quy định tại Phụ lục IV Nghị định 79/2014/NĐ-CP quy định: học viện, trường đại học, trường cao đẳng, trường dạy nghề, trường phổ thông và các loại trường học khác có khối tích lớp học từ 5.000 m3 trở lên; nhà trẻ, trường mẫu giáo có từ 100 cháu hoặc có khối tích tổng cộng từ 1.000 m3 trở lên mới thuộc đối tượng phải thẩm duyệt thiết kế PCCC. 

Quy định này vô tình tạo điều kiện cho các trường nhỏ, ít học sinh lách luật, bỏ qua các quy trình PCCC. “Tính mạng, sức khỏe của con người phải được bảo đảm công bằng như nhau, không lệ thuộc số lượng. Do đó, việc quy định như vậy là không hợp lý, không phù hợp thực tiễn” - luật sư Hùng phân tích.

Qua kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện Trung tâm Đào tạo việc làm và dạy nghề cho người tàn tật TP.HCM (125 Võ Thị Sáu, Q.3) không thiết kế hệ thống PCCC, nếu để xảy ra cháy lớn, sẽ gây thiệt hại về người và tài sản. Cơ quan PCCC cũng phát hiện nhiều công trình trường mầm non chưa nghiệm thu hệ thống PCCC (Trường Sơn Ca 5 và Hoa Hồng ở Q.12). Qua kiểm tra, Cảnh sát PCCC phát hiện Trường cao đẳng Y tế Hồng Đức (Q. Gò Vấp), Trường trung cấp Tổng hợp TP.HCM không tổ chức nghiệm thu PCCC, có nguy cơ cháy lan khi xảy ra cháy lớn. 

Kỹ sư Nguyễn Văn Đực - Ủy viên Ban chấp hành Tổng hội Xây dựng Việt Nam - cho biết, trên thực tế, tại TP.HCM, nhiều ngôi nhà chỉ có vài chục mét vuông được cải tạo lại để làm lớp học, thường là lớp học Anh văn, lớp luyện thi hay thậm chí là làm cơ sở 2 của một trường. Theo kết cấu, nhà phố chỉ có một lối thoát hiểm duy nhất ở cửa chính, khi xảy ra cháy là chết.

“Cải tạo nhà phố làm lớp học là quá nguy hiểm nhưng rất tiếc là không có biện pháp, chế tài ngăn chặn” - kỹ sư Đực bức xúc. Theo kỹ sư Đực, cơ quan chức năng cần phải chú ý đến loại hình trường mẫu giáo dân lập, vì các nhà trẻ này không có khuôn viên như trường công lập mà chỉ là những ngôi nhà cấp 4 cải tạo lại thành trường. Trường nhỏ hẹp, đông học sinh, lại có bếp ăn, chỗ giặt giũ nên nguy cơ cháy rất lớn.

“Sự cố cháy trường mầm non ở tỉnh Thanh Hóa vừa rồi là một lời cảnh báo về nguy cơ mất an toàn ở trường mầm non. Một điều đáng lưu ý là các học sinh mầm non không tự biết cách cứu mình, các cô bảo mẫu cũng không biết kỹ năng ứng phó với sự cố cháy nổ. Theo tôi, nên siết chặt kiểm tra PCCC ở các trường mầm non dân lập, các trường nhỏ để giảm thiểu nguy cơ cháy nổ và thiệt hại do cháy nổ gây ra” - ông Đực đề xuất. 

Sở GD-ĐT TP.HCM yêu cầu lãnh đạo các cơ sở giáo dục chỉ đạo triển khai nghiêm túc nâng cao nhận thức và hành động của cán bộ, giáo viên, nhân viên, phụ huynh học sinh và học sinh về tăng cường PCCC. Nhà trường phải thường xuyên tổ chức kiểm tra các phòng chức năng, phòng học… nhằm phát hiện kịp thời các sơ hở, thiếu sót và có biện pháp khắc phục, đảm bảo an toàn phòng cháy và chữa cháy; chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức thực tập phương án chữa cháy, giả định và xử lý tình huống có nguy cơ cháy nổ cao, phức tạp định kỳ ít nhất 1 lần/năm. 

Tập trung đầu tư cơ sở vật chất, trang bị phương tiện chữa cháy tại chỗ; tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ… Lãnh đạo các đơn vị chịu trách nhiệm trước Sở Giáo dục và Đào tạo nếu để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại nghiêm trọng tại đơn vị.

Hoàng Lâm - Tiêu Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI