Nhiều trường tại Nhật Bản cấm trẻ gọi nhau bằng biệt danh

07/06/2022 - 09:59

PNO - Nhiều trường học tại Nhật cấm học sinh sử dụng biệt danh khi giao tiếp với bạn bè nhằm mục đích tránh những trường hợp trêu đùa, bạo hành ngôn ngữ. Dù vậy, phương án nhận về nhiều ý kiến trái chiều.

 

Liệu cấm trẻ gọi bạn bè bằng biệt danh sẽ giúp giảm nạn bắt nạt, hay khiến việc giao tiếp xã hội của học sinh trở nên khó khăn hơn?
Liệu cấm trẻ gọi bạn bè bằng biệt danh sẽ giúp giảm nạn bắt nạt, hay khiến việc giao tiếp xã hội của học sinh trở nên khó khăn hơn?

Trong tiếng Nhật, “-San” thường được dùng để xưng hô với người đối diện một cách kính trọng, tương tự như “Mr” hoặc “Ms”. Tuy nhiên, một sự khác biệt là "-san" cũng có thể được sử dụng với tên riêng của một người. Ví dụ, nếu ai đó đang nói chuyện với Yoshio Yamada, họ có thể gọi anh ấy là Yamada-san, hoặc Yoshio-san.

Mặt khác, họ có thể chỉ gọi anh ấy là Yoshio hoặc gọi bằng một biệt danh, như Yosshi, theo kiểu thân mật.

Nhưng tại nhiều trường tiểu học ở Nhật Bản, Yoshio và Yosshi không phải là lựa chọn trong giao tiếp, vì nhà trường cấm học sinh gọi nhau bằng biệt danh hoặc bỏ "-san". Không có bất kỳ số liệu thống kê chính thức nào về mức độ phổ biến của các quy tắc như trên, nhưng một hiệu trưởng trường tiểu học công lập Tokyo nói với tờ báo Yomiuri Shimbun rằng, quy tắc đang trở thành một xu hướng phổ biến hơn ở các trường học trong thành phố.

Chẳng hạn tại trường tiểu học Tokyo’s Kasai, giáo viên hướng dẫn học sinh sử dụng "-san" khi nói chuyện với bạn bè của mình. Masaaki Uchino, hiệu trưởng 60 tuổi của trường tiểu học Kasai cho biết: “Nếu bạn nuôi dưỡng ý thức tôn trọng người đối diện cho trẻ từ khi chúng còn nhỏ, trẻ sẽ không có những hành động làm tổn thương người khác lúc lớn lên”.

Những người ủng hộ việc trẻ em gọi nhau bằng "-san" đưa ra hai lý do. Đầu tiên, bỏ "-san" khi nói chuyện với ai đó, một phương pháp gọi là yobisute, có thể được hiểu theo nhiều cách. Theo nghĩa tích cực, đây có thể được coi là một dấu hiệu cho thấy sự thoải mái trong hoàn cảnh giao tiếp và sự thân thiết giữa những người bạn với nhau.

Nhưng mặt khác, vì "-san", về cơ bản, là một dạng xưng hô lịch sự, việc bỏ nó cũng có thể được coi là một dấu hiệu cho thấy người đó không đáng được tôn trọng, đặc biệt nếu những người trong cuộc trò chuyện không quá thân thiết.

Lý do thứ 2 là dường như không có sự phân biệt rõ ràng giữa biệt danh bình thường và biệt danh xúc phạm. Mitsuo Nobuchi - hiệu phó 51 tuổi của trường tiểu học Mito Eiko, một trường tư thục ở tỉnh Ibaraki - cho biết: “Những biệt danh dựa trên ngoại hình của một người, hoặc một sai lầm mà họ mắc phải phần lớn mang tính xúc phạm”.

Yêu cầu học sinh sử dụng "-san" khi nói chuyện với bạn bè, hiệu phó Nobuchi thừa nhận: “Chúng tôi không tin rằng các quy tắc về cách học sinh đối xử với nhau sẽ hoàn toàn loại bỏ được hành vi bắt nạt, nhưng chúng tôi tin rằng đó là một phần của các biện pháp răn đe”.

Tuy nhiên, một số người tin rằng việc cấm yobisute và biệt danh có thể hạn chế khả năng thiết lập các chuẩn mực giao tiếp của trẻ em với bạn bè đồng trang lứa. Một giáo viên tiểu học 40 tuổi ở tỉnh Saitama cho biết: "Bằng cách cấm đặt biệt danh, tôi lo rằng chúng ta có thể khiến trẻ em khó giao tiếp suôn sẻ và cởi mở với nhau".

Nhiều người bình luận trên Twitter cũng cảm thấy những quy tắc như vậy đang đi quá xa, với một số người thì biệt danh thậm chí có thể mang tính tích cực.

Một người viết: "Thật là một ý tưởng kỳ lạ. Điều gì sẽ đến tiếp theo? Phải chăng trẻ sẽ gọi các bạn cùng lớp bằng số thẻ học sinh?".

Người khác cho rằng: "Thay vì ngăn bọn trẻ sử dụng biệt danh, chúng ta nên ngăn chúng bắt nạt bạn bè". "Có những đứa trẻ cảm thấy xấu hổ vì cha mẹ đặt cho chúng một cái tên kỳ quặc, hào nhoáng… nhưng với những quy tắc như thế này, chúng không thể yêu cầu bạn bè gọi chúng bằng biệt danh".

Linh La (theo Yomiuri Shimbun, Japan Today)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI