Nhiều trường, giáo viên lúng túng với mục tiêu "35% chương trình giáo dục trực tuyến"

26/11/2022 - 18:47

PNO - Năm đầu tiên trong lộ trình đến năm 2025, TPHCM phấn đấu đưa ít nhất 35% nội dung chương trình giáo dục triển khai hình thức trực tuyến, bên cạnh trường "dám làm", nhiều trường, nhiều giáo viên vẫn còn lúng túng...

 

Trường THCS Nguyễn Du tập huấn giáo viên xây dựng bài giảng elearning
Trường THCS Nguyễn Du tập huấn giáo viên xây dựng bài giảng e-learning

Năm học này, Trường THCS Nguyễn Du (quận 1) phấn đấu đưa 20% nội dung chương trình giáo dục lên trực tuyến. Con số này ở năm học 2023-2024 là 35%.

Về lộ trình thực hiện, cô Nguyễn Đoan Trang - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du cho biết, hiện nhà trường đã giao cho giáo viên tổ bộ môn đưa nội dung giảng dạy từng tuần lên hệ thống LMS (hệ thống quản lý học tập) hỗ trợ học sinh xem lại kiến thức; tăng cường giao bài tập về nhà trên hệ thống, củng cố kiến thức cho học sinh; mỗi học kỳ từng môn học sẽ thực hiện ít nhất 1 bài kiểm tra thường xuyên trên hệ thống LMS và tiến tới giao thêm nhiệm vụ chuẩn bị bài trên hệ thống vào năm học tới.

Cô Nguyễn Đoan Trang cho biết thêm: "Để đảm bảo rằng các nội dung này đạt hiệu quả, ở bước giao bài tập về nhà, giáo viên bộ môn phải chịu trách nhiệm quy ước với học sinh để kiểm tra, đánh giá".

Theo cô Trang, thực hiện chuyển đổi nội dung giáo dục lên trực tuyến qua hệ thống LMS thì phát sinh thêm khoản thu, bước đầu nhiều phụ huynh cho rằng tạo thêm áp lực học tập, con thêm bài vở. 

"Để thực hiện chuyển đổi một cách đồng bộ, liên tục ở các bộ môn, nhà trường thường xuyên có chế độ động viên, khuyến khích giáo viên, tạo thói quen cho giáo viên sử dụng LMS như một phần của kế hoạch bài học... Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền đến phụ huynh để tạo sự đồng hành, hỗ trợ phát huy tính hiệu quả của hệ thống trong việc giúp con học tập tại nhà" - cô Nguyễn Đoan Trang cho hay. 

Tuy nhiên, vẫn có nhiều trường, nhiều giáo viên còn lúng túng. 1 giáo viên trường THPT ở quận Bình Tân chia sẻ, đầu năm học, hiệu trưởng thông báo chủ trương của Sở GD-ĐT TPHCM chuyển đổi chương trình lên hình thức trực tuyến song không triển khai thêm hướng dẫn hoặc xây dựng kế hoạch nào với giáo viên. 

TPHCM đặt mục tiêu đến năm 2025, ít nhất 25% và 35% chương trình giáo dục được triển khai trực tuyến ở bậc tiểu học, trung học
TPHCM đặt mục tiêu đến năm 2025, ít nhất 25% và 35% chương trình giáo dục được triển khai trực tuyến ở bậc tiểu học, trung học

"Đến giờ, giáo viên trong trường hầu như đều không hiểu chủ trương đưa 35% nội dung chương trình giáo dục lên trực tuyến cụ thể là như thế nào. Hệ thống LMS của trường chỉ một số giáo viên sử dụng giao bài tập về nhà cho học sinh vì không thấy trường có yêu cầu giáo viên về điều này" - giáo viên này nói.

Trong khi đó, hiệu trưởng 1 trường THCS tại TP Thủ Đức phân trần: Rất khó để định lượng 25%, 35% bởi nội dung chương trình giáo dục khó có thể đong đếm được. Ngay cả khi trường được chủ động chuyển đổi cũng cần được hướng dẫn cụ thể hơn từ Sở GD-ĐT để thực hiện chủ trương đồng bộ, từ đó tạo được sự đồng thuận của giáo viên, phụ huynh, tránh việc trường làm cho có để báo cáo...

Các trường được chủ động xây dựng lộ trình phù hợp theo từng năm
Các trường được chủ động xây dựng lộ trình phù hợp theo từng năm

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Bảo Quốc - Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM - cho biết, thực hiện chủ trương đến năm 2025, tối thiểu 25% nội dung chương trình giáo dục tiểu học được triển khai dưới hình thức trực tuyến và 35% ở bậc trung học, các nhà trường được chủ động xây dựng lộ trình từng năm học đến 2025, từng bước phấn đấu phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất, nguồn lực giáo viên, đặc thù học sinh của trường...

"Chuyển đổi nội dung chương trình giáo dục triển khai dưới hình thức trực tuyến không có nghĩa máy móc là cắt giảm cơ học nội dung bài học đưa lên dạy trực tuyến mà phải tính toán các bước phù hợp.

Khi trường thu phí triển khai tài khoản dạy trực tuyến cần có sự thống nhất của phụ huynh, triển khai hiệu quả. Phần mềm dạy trực tuyến hiện đang là "cái khó của ngành giáo dục và của các nhà trường". Sở GD-ĐT TPHCM nhiều lần đã đề xuất với Bộ GD-ĐT về chính sách hỗ trợ cho việc này" - ông Nguyễn Bảo Quốc cho hay.

Thu phí tài khoản học trực tuyến nhưng... bỏ đó?

Anh H. - phụ huynh học sinh Trường THPT Tây Thạnh (quận Tân Phú) - bức xúc chia sẻ với phóng viên, trường thu phí tài khoản học trực tuyến K12 Online với chi phí 100.000 đồng/học sinh/năm nhưng... thực hiện không hiệu quả. 

"Đầu năm học, nhà trường không thông báo rõ ràng với phụ huynh về khoản thu, mục đích. Phụ huynh cũng không được nhà trường, giáo viên giải thích rằng khi đi học trực tiếp rồi thì tài khoản học trực tuyến sẽ được sử dụng vào nhiệm vụ nào" - anh H. nói.

Theo anh, thực hiện chủ trương một cách hiệu quả trường phải thông báo với phụ huynh về chủ trương đó. Nếu có thu phí thì phải cam kết triển khai đúng mục đích.

Thầy Phạm Văn Cường - Phó hiệu trưởng Trường THPT Tây Thạnh thông tin, hiện nay dạy trực tuyến trên K12 Online không thực hiện như mùa dịch mà chỉ dừng lại ở mức độ giao bài, tổ chức kiểm tra học sinh rèn luyện kỹ năng làm bài tập, bài thi qua hệ thống này.
"Các hoạt động dạy và học của trường đều thông tin cho phụ huynh biết vì để sử dụng các ứng dụng hiệu quả thì phải mua từ nhà cung cấp".

Quốc Trung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI