Nhiều trường đại học tăng học phí vì gặp khó khăn sau dịch COVID-19

11/04/2023 - 05:44

PNO - Nhiều trường đại học thông báo tăng học phí năm học 2023-2024. Điều này được đánh giá là gây ra nhiều áp lực cho thí sinh.

 

Không ít thí sinh đậu vào đại học, nhưng gia đình không kham nổi mức học phí (ảnh minh họa: Học sinh tìm hiểu về lựa chọn ngành nghề tại Ngày hội hướng nghiệp tuyển sinh năm 2023 do Thành đoàn TPHCM tổ chức) - ẢNH: MINH LINH
Không ít thí sinh đậu vào đại học, nhưng gia đình không kham nổi mức học phí (ảnh minh họa: Học sinh tìm hiểu về lựa chọn ngành nghề tại Ngày hội hướng nghiệp tuyển sinh năm 2023 do Thành đoàn TPHCM tổ chức) - Ảnh: Minh Linh

Gánh nặng với thí sinh

Năm học tới 2023-2024, Học viện Tài chính dự kiến học phí sẽ ở mức 22-24 triệu đồng/năm, riêng chương trình chất lượng cao tăng nhẹ lên 48-50 triệu đồng, với diện tuyển sinh theo đặt hàng từ 42-44 triệu đồng/sinh viên/năm học. Từ những năm học sau, học phí có thể thay đổi, nếu tăng thì không quá 10%. Mức học phí dự kiến này của Học viện Tài chính tăng 10-20% so với hiện tại. 

Trường đại học (ĐH) Kinh tế, ĐH Quốc gia Hà Nội dự kiến tăng học phí trung bình 2 triệu đồng, tùy theo từng ngành học. Trường ĐH Điện lực cũng dự kiến tăng học phí 14% so với năm trước, mức học phí năm tới là 16-18 triệu đồng/năm học. Học viện Báo chí và Tuyên truyền nâng mức thu hệ đại trà từ hơn 440.000 đồng lên thành hơn 500.000 đồng/tín chỉ với khóa tuyển mới sắp tới. Với hệ chất lượng cao, sinh viên phải nộp gần 1,5 triệu đồng mỗi tín chỉ, so với mức cũ 1,3 triệu đồng. 

Trong khi đó, Trường ĐH Kinh tế TPHCM cũng công bố học phí tăng lên 940.000 đồng/tín chỉ cho sinh viên năm thứ nhất. Năm thứ hai là 1,1 triệu đồng/tín chỉ, năm thứ ba 1,24 triệu đồng/tín chỉ và năm thứ tư 1,4 triệu đồng/tín chỉ. Năm ngoái, học phí của trường dao động 715.000 đồng/tín chỉ (tương đương 22,5-29,9 triệu đồng/năm). Trường ĐH Công nghệ TPHCM, tăng học phí bình quân dự kiến 5,3-6 triệu đồng/tháng, tương đương khoảng 16-18 triệu đồng/học kỳ. Riêng ngành dược học, sinh viên phải đóng 6-6,5 triệu đồng/tháng, tương đương 18-20 triệu đồng/học kỳ. 

Còn tại Khoa Y, ĐH Quốc gia TPHCM, năm học tới, học phí các ngành y đa khoa, răng hàm mặt, y học cổ truyền, dược học là 55,2 triệu đồng/năm (tăng 6,2 triệu đồng so với năm học trước). Riêng ngành điều dưỡng 41,8 triệu đồng/năm (tăng 4,8 triệu đồng so với năm học trước). 
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT - cho rằng, việc nhiều trường ĐH đồng loạt tăng học phí có thể gây ra áp lực cho người học. Tăng học phí cần tính đến khả năng tài chính của người học, đặc biệt trong giai đoạn khó khăn hiện nay. 

Tăng học phí có giảm công bằng xã hội?

Theo quy định hiện hành, học phí được điều chỉnh theo lộ trình phù hợp để tương xứng với chất lượng dịch vụ giáo dục, đào tạo nhưng tỉ lệ tăng không quá 15%/năm. Một chuyên gia tuyển sinh nhận định, học phí là một trong các yếu tố quan trọng khi thí sinh đưa ra quyết định chọn ngành, chọn trường. Thực tế, có không ít thí sinh đậu vào ĐH, nhưng vì điều kiện tài chính của gia đình không kham nổi mức học phí của trường đã chọn nên không thể theo học. 

Trong khi đó, chia sẻ với phóng viên Báo Phụ nữ TPHCM, một lãnh đạo Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT cho rằng cần chia sẻ khó khăn với các trường. Do ảnh hưởng của COVID-19, 2 năm qua các trường đã không được tăng học phí, vì vậy trường cũng gặp nhiều khó khăn. “Không có đầu tư trở lại thì các trường rất khó trong việc nâng cao chất lượng đào tạo” - lãnh đạo Vụ Giáo dục ĐH cho biết.

Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn, kinh phí đào tạo chủ yếu từ 2 nguồn, một là từ ngân sách Nhà nước; hai là từ đóng góp phần còn lại, có thể là do doanh nghiệp hỗ trợ, tài trợ, tuy nhiên tỉ lệ còn thấp. Như vậy, chúng ta phải tính tới bài toán, nếu không bắt buộc tăng kinh phí chi giáo dục ĐH thì không có khả năng cạnh tranh với quốc tế. Ông cũng nhấn mạnh Nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ người học, đặc biệt thông qua cơ chế tín dụng. Điều quan trọng là cần mở rộng đối tượng hưởng chính sách tín dụng và nâng cao mức tín dụng để sinh viên không cần phải lo lắng về việc mình có được hưởng không, đó chính là công bằng xã hội.

Bên cạnh đó, cũng cần lưu ý việc tăng học phí không có nghĩa là giảm công bằng xã hội mà cần nhìn quan điểm ngược lại. Các trường ĐH muốn có chính sách hỗ trợ cho những sinh viên khó khăn thì cần phải có kinh phí hỗ trợ, và việc tăng học phí sẽ giúp trường thực hiện điều này. 

Dung Nhi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI