PNO - Thời điểm này, thí sinh đang tập trung tìm hiểu ngành, trường đại học để đăng ký nguyện vọng xét tuyển. Ngoài chương trình đào tạo thì học phí là vấn đề thí sinh cần lưu tâm khi chọn ngành, trường. Hiện nhiều trường đại học (ĐH) đã thực hiện tự chủ tài chính toàn phần, nên mức học phí khá cao và tăng theo lộ trình hằng năm.
Năm nay, nhiều trường ĐH đào tạo nhóm ngành khoa học sức khỏe tăng học phí. Trong đó, các ngành trọng điểm như y khoa, răng hàm mặt có học phí cao hơn so với các ngành khác.
Cao nhất hiện nay là học phí của Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng. Tính theo năm học, ngành y khoa, răng hàm mặt chương trình tiếng Anh là 220 triệu đồng, chương trình cử nhân 180 triệu đồng; ngành dược học 95 triệu đồng chương trình tiếng Anh và 55 triệu đồng chương trình cử nhân; điều dưỡng 87,5 triệu đồng (chương trình tiếng Anh); y học cổ truyền 80 triệu đồng/năm; dinh dưỡng 42,5 triệu đồng/năm; y tế công cộng 35 triệu đồng/năm.
Tại Trường ĐH Y Dược TPHCM, học phí ngành răng hàm mặt cao nhất với 84,7 triệu đồng/năm học; y khoa là 82,2 triệu đồng; dược học là 60,5 triệu đồng; 3 ngành gồm hóa dược, y học dự phòng, y học cổ truyền cùng 50 triệu đồng. Các ngành còn lại đều 46 triệu đồng. Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Ngọc Khôi - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Y Dược TPHCM - cho biết, mức thu học phí của trường tăng hằng năm nhằm đầu tư cơ sở vật chất, tăng cường các chương trình hợp tác nâng cao chất lượng đào tạo, năng lực thực hành tại các cơ sở y tế, năng lực ngoại ngữ… phục vụ cho sự phát triển của người học. 3 năm liền trước đó, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên trường không tăng học phí. Từ năm học này, học phí có tăng nhẹ, không quá 10%.
Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Ngọc Khôi tư vấn cho thí sinh, phụ huynh tại ngày tư vấn xét tuyển đại học, cao đẳng 2024 diễn ra vào 20/7 ở Trường đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM)
Học phí Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch ở một số ngành, như điều dưỡng, hộ sinh, dinh dưỡng, kỹ thuật xét nghiệm y học, kỹ thuật hình ảnh y học, kỹ thuật phục hồi chức năng, khúc xạ nhãn khoa, y tế công cộng đều là 41,8 triệu đồng/năm - tăng 10 triệu đồng so với năm trước. Các ngành còn lại, gồm: y khoa, răng hàm mặt, dược học, y học cổ truyền giữ nguyên mức 55,2 triệu đồng/năm.
Học phí Trường ĐH Khoa học sức khỏe (ĐH Quốc gia TPHCM) cũng tăng theo lộ trình từng năm. Trong đó, 4 ngành gồm y khoa, răng hàm mặt, dược học, y học cổ truyền đều thu mức 62,2 triệu đồng/năm, tăng 7 triệu đồng so với năm trước. Riêng ngành điều dưỡng mức học phí thấp hơn, với 47,2 triệu đồng/năm, tăng 5,4 triệu đồng.
Học phí Trường ĐH Y Dược Cần Thơ cao nhất là ngành dược học với hơn 49,685 triệu đồng/năm; 2 ngành y khoa và răng hàm mặt cùng mức 49,15 triệu đồng/năm; y học cổ truyền và y học dự phòng cùng mức 41,152 triệu đồng/năm. Các ngành còn lại thu từ 33-38,6 triệu đồng.
Học phí ngành công nghệ - kỹ thuật không tăng nhiều
Trong khi đó, nhóm ngành công nghệ - kỹ thuật ở nhiều trường ĐH lớn không tăng nhiều và khá “mềm” so với mặt bằng chung hiện nay. Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM có mức học phí từ 28,8-32 triệu đồng/năm với chương trình đại trà, chương trình tiếng Anh là 58 triệu đồng ở tất cả các ngành. Mức thu nhóm ngành này ở Trường ĐH Công nghiệp TPHCM là 33,5 triệu đồng/năm. Theo bà Lê Trường Diễm Trang - Phó trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM - khi tự chủ, học phí mỗi trường sẽ xây dựng theo định mức kinh tế kỹ thuật của trường, dựa trên nhiều tiêu chí, như: chương trình đào tạo, cơ sở vật chất, đội ngũ nhân sự…
Học phí của Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TPHCM) năm nay không tăng, ở mức 30 triệu đồng/năm học với chương trình tiêu chuẩn. Lộ trình tăng các năm sau chỉ từ 1-1,5 triệu đồng. Riêng chương trình tiên tiến, dạy và học bằng tiếng Anh, chuyển tiếp quốc tế (Úc, Mỹ, New Zealand, Nhật Bản) có học phí từ 60-90 triệu đồng khi học ở Việt Nam; 91-799 triệu đồng nếu chuyển tiếp học ở nước ngoài.
Tại Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM), các nhóm ngành máy tính và công nghệ, trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu… đều thu 31 triệu đồng năm đầu tiên, các năm sau tăng thêm 5-5,5 triệu đồng/năm. Riêng ngành “nóng” nhất là khoa học máy tính (chương trình tiên tiến) là 59,6 triệu đồng. Còn các ngành kỹ thuật thì thấp hơn, dao động từ 24,7-31 triệu đồng.
Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TPHCM) chương trình đại trà là 35 triệu đồng/năm học; chương trình tiên tiến, chương trình liên kết từ 50-140 triệu đồng. Trường ĐH FPT thu đều ở tất cả ngành, từ học kỳ I-III là 28,7 triệu đồng; học kỳ IV-VI là 30,5 triệu đồng, từ học kỳ VII-IX là 32,5 triệu đồng…
Khoa học xã hội, nhân văn, luật chỉ từ 14,3 triệu đồng/năm
Ở nhóm ngành này, học phí/năm học của Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TPHCM) từ 14,3-24,2 triệu đồng với chương trình đào tạo chuẩn, 60 triệu đồng đối với chương trình đào tạo chất lượng cao. Các ngành có mức học phí 14,3 triệu đồng/năm học gồm: triết học, tôn giáo học, lịch sử, địa lý học, thông tin - thư viện, lưu trữ học. Các ngành giáo dục học, ngôn ngữ học, văn học, văn hóa học, xã hội học, nhân học, Đông phương học, quản trị văn phòng, công tác xã hội, quản lý giáo dục, tâm lý học giáo dục, đô thị học, quản lý thông tin, Việt Nam học (đối tượng người Việt Nam)… học phí là 21,78 triệu đồng. Ngành quan hệ quốc tế, tâm lý học, báo chí, truyền thông đa phương tiện cùng thu 24,2 triệu đồng.
Học phí của Trường ĐH Luật TPHCM tăng nhẹ 4-5 triệu đồng/năm học. Mức áp dụng cho tân sinh viên năm nay là 32,52 triệu đồng với ngành luật, luật thương mại quốc tế; mức 41,83 triệu đồng với ngành quản trị - luật. Các ngành học theo chương trình chất lượng cao từ 62,5-165 triệu đồng. Dự kiến tăng mỗi năm học không quá 12,8%.
Học phí của Trường ĐH Kinh tế Luật (ĐH Quốc gia TPHCM) tăng nhẹ 3 triệu đồng/năm học ở chương trình tiếng Việt, với 27,5 triệu đồng; mỗi năm sau tăng thêm 4-5 triệu đồng/năm. Còn ở chương trình tiếng Anh, là 57,6 triệu đồng, mỗi năm sau tăng từ 7,4-10 triệu đồng.
Một số ngành học được miễn, giảm học phí
Ngoài khối ngành đào tạo giáo viên, theo Nghị định 81 (2021) của Chính phủ về chính sách miễn giảm học phí, có nhiều ngành, chuyên ngành được miễn 100% học phí, như: chuyên ngành Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; các chuyên ngành lao, phong, tâm thần, giám định pháp y, pháp y tâm thần và giải phẫu bệnh tại các cơ sở đào tạo nhân lực y tế công lập theo chỉ tiêu đặt hàng của Nhà nước.
Luật Khám chữa bệnh có hiệu lực từ ngày 1/1/2024 (thay thế cho Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009), có quy định thêm 2 ngành được Nhà nước hỗ trợ toàn bộ học phí và hỗ trợ chi phí sinh hoạt trong toàn khóa học là truyền nhiễm và hồi sức cấp cứu. Sinh viên chuyên ngành tâm thần, giải phẫu bệnh, pháp y, pháp y tâm thần, truyền nhiễm và hồi sức cấp cứu ở cơ sở đào tạo tư nhân, cũng được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí và sinh hoạt phí trong toàn khóa học tương ứng với mức quy định về học bổng khuyến khích học tập.
Cũng theo Nghị định 81, giảm 70% học phí cho học sinh, sinh viên học các ngành nghệ thuật truyền thống và đặc thù trong cơ sở giáo dục ĐH, gồm: nhạc công kịch hát dân tộc, nhạc công truyền thống Huế, đờn ca tài tử Nam Bộ, diễn viên sân khấu kịch hát, nghệ thuật biểu diễn dân ca, nghệ thuật ca trù, nghệ thuật bài chòi, biểu diễn nhạc cụ truyền thống.
Ngoài ra, nhiều trường còn có chính sách miễn giảm học phí, cấp học bổng riêng. Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TPHCM) miễn học phí đối với các chuyên ngành: lịch sử Đảng, triết học Mác - Lênin, chủ nghĩa xã hội khoa học, tư tưởng Hồ Chí Minh hoặc đối với các môn học được xét miễn và môn học được công nhận chuyển đổi tín chỉ. Trường ĐH Công Thương TPHCM giảm 50% học phí học kỳ đầu tiên cho 8 ngành: kỹ thuật nhiệt, khoa học dinh dưỡng và ẩm thực, khoa học chế biến món ăn, công nghệ dệt - may, kinh doanh thời trang và dệt may, quản lý tài nguyên và môi trường, công nghệ kỹ thuật môi trường và công nghệ chế biến thủy sản.
Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM có học bổng 50% học phí cho sinh viên nữ theo học một trong các ngành kỹ thuật, như: công nghệ chế tạo máy, công nghệ kỹ thuật cơ điện tử, công nghệ kỹ thuật cơ khí, công nghệ kỹ thuật công trình xây dựng, kỹ thuật xây dựng công trình giao thông và công nghệ kỹ thuật ô tô.
Hoàn cảnh khó khăn, nhưng nhiều sinh viên không những vượt qua mà còn có thành tích học tập rất tốt, tham gia nghiên cứu khoa học, làm gia sư miễn phí...
Chiều 14/11, tại Hà Nội, diễn ra buổi gặp mặt các nhà giáo của chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” và tuyên dương “Nhà giáo trẻ tiêu biểu” cấp Trung ương.