Nhiều trường đại học "đua nhau" kiểm định để tăng học phí

01/06/2023 - 12:37

PNO - ĐBQH Đỗ Chí Nghĩa (Phú Yên) cho rằng, nhờ có cơ chế thoáng, nhiều trường đại học hiện nay đua nhau kiểm định để tăng giá học phí.

 

ĐBQH Bùi Quỳnh Thư nêu nhiều khó khăn trong thực hiện tự chủ đại học

ĐBQH Bùi Thị Quỳnh Thơ nêu nhiều khó khăn trong thực hiện tự chủ đại học

Sáng 1/6, phát biểu tại phiên thảo luận của Quốc hội, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh) nhận định, tự chủ đại học trong cả nước bước đầu đã đạt được kết quả, giúp các trường đại học chủ động hơn trong việc quyết định một số vấn đề về chuyên môn, tài chính, nhân sự... Tuy nhiên, đây là thách thức trong vấn đề huy động các nguồn lực tài chính.

“Qua thực tế khảo sát tại một số trường đại học cho thấy cơ chế tự chủ đã làm cho cạnh tranh giữa các trường đại học ngày càng gay gắt hơn, các trường đại học sẽ chạy theo những ngành đào tạo dễ tuyển sinh, làm mất cân đối trong chiến lược phát triển nhân lực quốc gia”, ĐB nói.

Theo bà, chất lượng đầu vào và đầu ra của sinh viên, học viên, đặc biệt trong đào tạo thạc sĩ, chất lượng giảng dạy tại nhiều trường đại học không còn là mối quan tâm hàng đầu nữa mà thay vào đó là nguồn thu, số lượng sinh viên, học viên có thể tuyển sinh được.

Bên cạnh đó, vẫn còn chưa thống nhất giữa Luật Giáo dục đại học với một số luật chuyên ngành khác trong việc điều chỉnh các hoạt động giáo dục đại học, làm cho các công cụ, chính sách để thực hiện các nội dung tự chủ vẫn còn nhiều hạn chế. Nhiều trường đại học gặp khó trong hoạt động tự chủ của mình.

Điển hình như về quản lý nhân sự, cấp cơ sở giáo dục đại học cũng không được tự quyết định các vấn đề tuyển dụng, sử dụng, luân chuyển, bổ nhiệm, chấm dứt hợp đồng lao động đối với cán bộ, viên chức mà phải thực hiện theo đúng thủ tục, quy trình, quy định của Luật Viên chức và các quy định của cơ quan chủ quản. Điều này sẽ làm cho việc tuyển dụng lao động, bố trí nhân sự phù hợp, có chất lượng, gặp khó khăn.

ĐBQH Bùi Thị Quỳnh Thơ kiến nghị cần phải nhanh chóng quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học. Theo đó, mạng lưới cơ sở giáo dục đại học phải gắn kết chặt chẽ với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, định hướng phát triển của vùng kinh tế và các địa phương. Quy hoạch các cơ sở giáo dục đại học cần phải dựa trên việc phân tầng các trường đại học, từ đó có chiến lược phát triển theo tầng đại học từ cao xuống thấp.

ĐB đề xuất: “Mỗi tầng đại học sẽ thực hiện chức năng, nhiệm vụ riêng và khai thác thị trường riêng, không có quy định chung đối với tất cả các trường đại học trong cả nước”.

Đối với các trường đại học công lập địa phương, theo ĐB, cần phân định rõ các chức năng cơ bản, nhiệm vụ cụ thể và sứ mệnh cốt lõi theo chiến lược phát triển địa phương. Vấn đề đào tạo phải theo địa chỉ của các bên có nhu cầu, không đặt nặng vấn đề tự chủ tài chính đối với các trường đại học này.

Các trường đại học địa phương cần đánh giá lại thực trạng hiệu quả đào tạo trong thời gian qua; có thể không cần lấn sâu vào các chương trình đào tạo mang nặng tính lý luận mà nên xây dựng, cải tiến chương trình đào tạo phù hợp. Để thực hiện được điều này, ĐB nêu, cần có sự giao thoa giữa Luật Giáo dục, giáo dục đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp.

ĐBQH Đỗ Chí Nghĩa chỉ ra làn sóng các trường đại học đua nhau kiểm đinh để tăng học phí

ĐBQH Đỗ Chí Nghĩa chỉ ra làn sóng các trường đại học đua nhau kiểm định để tăng học phí

Phát biểu tranh luận với ĐBQH Bùi Thị Quỳnh Thơ về vấn đề tự chủ đại học, ĐBQH Đỗ Chí Nghĩa (Phú Yên) cho hay, bên cạnh một số quy định “bó buộc”, lại có những quy định theo kiểu “đường mòn, lối mở”, thậm chí rất thoáng trong chính sách để các trường vận dụng.

“Chúng ta đang chứng kiến học phí đại học đang tăng rất cao. Theo Nghị định 81.2021/NĐ-CP, các trường sẽ được tự quyết học phí nếu kiểm định chương trình đào tạo. Từ đó, dẫn ra làn sóng các trường đua thực hiện kiểm định để tăng học phí", ĐB nói,

Ông chỉ ra thực tế, học phí nhiều trường đại học đang tăng rất cao. Thậm chí, nhiều trường ngành bình thường không mở mà mở hệ chất lượng cao của chính ngành học đó: "Ví dụ với các dự án BOT, đường cũ vẫn phải để người dân đi, người nào có tiền đi đường mới. Nhưng có trường tăng học phí từ 20 - 30 triệu lên 60 triệu vì... chỉ có "đường BOT".

Ông cũng nêu, có tình trạng, hệ đào tạo chất lượng cao nhưng điểm đầu vào thấp hơn điểm bình thường, chỉ tăng thêm môn học tiếng Anh. Các trường sau khi kiểm định xong thì tăng học phí.

Minh Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI