PNO - Các định chế tài chính, hãng thông tấn quốc tế nhận định: Việt Nam đã khẳng định mình là điểm đến ổn định, phát triển nhanh, tăng trưởng cao đối với mọi hoạt động kinh doanh quốc tế và đầu tư nước ngoài.
Trang Vietnam Briefing của hãng Dezan Shira & Associates (chuyên tư vấn hỗ trợ các nhà đầu tư nước ngoài trên khắp châu Á) nhận định: Việt Nam có hệ thống chính trị ổn định, thành tích nhất quán về tăng trưởng kinh tế, hiệu quả cao của thị trường, lực lượng lao động dồi dào, lao động trẻ có tay nghề cao, vị trí trung tâm của các nền kinh tế mới nổi hàng đầu Đông Á và môi trường đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cởi mở. Các chính sách thân thiện với doanh nghiệp của Việt Nam cũng khá nổi bật so với Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) thể hiện qua việc khuyến khích dòng vốn nước ngoài lành mạnh.
Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu hàng dệt may hàng đầu thế giới - Nguồn ảnh: Nikkei
Dù chịu ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19, khi tốc độ tăng trưởng GDP chỉ đạt 2,58% vào năm 2021, Việt Nam đang ở vị thế tốt để quay trở lại mức tăng trưởng 6% hằng năm. Nền kinh tế Việt Nam đang vượt trội so với hầu hết các quốc gia mới nổi về quy mô và sức hấp dẫn. Chính phủ cung cấp một môi trường kinh doanh vững chắc và tầm nhìn cho tương lai. Họ cũng tự hào có một hệ sinh thái kinh doanh liên tục được cải thiện và mạng lưới thương mại tự do mạnh mẽ với các hiệp định lớn được ký kết với EU, RCEP, CPTPP và nhiều quốc gia khác.
Các xu hướng cụ thể cũng đang thúc đẩy đầu tư trong nước ngày càng gia tăng, khiến Việt Nam trở thành điểm nóng cho các công ty trên khắp thế giới đang muốn đa dạng hóa sự hiện diện ở châu Á, tiếp cận thị trường Nam Á, bổ sung các hoạt động tại Trung Quốc và tận dụng các hiệp định tự do thương mại, lợi thế sản xuất và thị trường mang tính hấp dẫn cao. Nhiều doanh nghiệp đang chuyển sang Việt Nam như một lựa chọn đầu tư an toàn thứ hai ở châu Á cho các loại hình sản xuất, lắp ráp sản phẩm và các dịch vụ hạ tầng khác. Những cú sốc thương mại như chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy, việc phong tỏa biên giới, cũng như chi phí lao động cao ở các quốc gia khác đã thúc đẩy Việt Nam trở nên cạnh tranh hơn.
Nền kinh tế Việt Nam mở cửa. Chính phủ từ bỏ cách tiếp cận “zero-COVID” từ rất sớm, giúp hoạt động sản xuất và nền kinh tế phục hồi nhanh. Theo Báo cáo Môi trường kinh doanh 2020 của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam xếp thứ 70 trong số 190 nền kinh tế. Tổ chức US News and World Report xếp Việt Nam đứng thứ 7 trong số 78 quốc gia nên khởi nghiệp.
Dự đoán tăng trưởng GDP hơn 6%
Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) dự báo Việt Nam sẽ tăng trưởng GDP ở mức 6% vào năm 2024. Chính phủ Việt Nam có khả năng đưa ra định hướng chiến lược và quyết định các chính sách lớn. Chính phủ đã nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, luật lao động và đưa Việt Nam trở thành điểm đến hàng đầu trong khu vực ASEAN về FDI. Việt Nam tiếp tục ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng nhất là phát triển các khu công nghiệp. Khoản đầu tư này dự kiến sẽ tăng lên khi vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục đổ vào.
Tầng lớp trung lưu ngày càng mở rộng và dân số 100 triệu người đã tạo ra doanh thu đáng kể ở Việt Nam từ bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng. Chi tiêu tiêu dùng ngày càng tăng ở Việt Nam đã góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng của nhiều ngành công nghiệp. Nhu cầu của người dân Việt Nam đang thay đổi và có thể thấy rõ qua nhu cầu của họ về các tiêu chuẩn cao hơn trong nhiều lĩnh vực giáo dục, y tế, giải trí, cùng một số lĩnh vực khác. Đặc biệt, nhu cầu giáo dục chất lượng cao ngày càng tăng.
Hoạt động kinh doanh kỹ thuật số cũng đang phát triển nhanh chóng và sẽ tác động hơn nữa đến xu hướng tiêu dùng. Đến năm 2025, nền kinh tế kỹ thuật số quốc gia dự kiến sẽ đạt quy mô 52 tỉ USD. Các phân ngành kinh tế số như thương mại điện tử, ngân hàng số và trò chơi trực tuyến là những lĩnh vực non trẻ, có tốc độ tăng trưởng cao, rất hấp dẫn các nhà đầu tư. Việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) năm 2007 đã đánh dấu sự thăng tiến như một đối tác thương mại mạnh mẽ, uy tín cho cộng đồng toàn cầu. Kể từ đó, Việt Nam đã ký kết nhiều Hiệp định Thương mại tự do (FTA) và Hiệp định Tránh đánh thuế 2 lần (DTA) nhằm thiết lập các điều khoản thuế xuất nhập khẩu.
Đến nay, Việt Nam đã ký kết rất nhiều hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, mang lại lợi thế thương mại trực tiếp với các quốc gia và khu vực như Úc, Brunei, Miến Điện, Campuchia, Canada, Chile, Trung Quốc, Indonesia, Nhật Bản, Lào, Malaysia, Mexico, New Zealand, Philippines, Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan, Anh quốc và các nước thuộc Liên minh châu Âu… Việt Nam cũng đang đàm phán các hiệp định tiềm năng trong tương lai với Israel và Hiệp hội Thương mại tự do châu Âu bao gồm Thụy Sĩ, Na Uy, Iceland và Liechtenstein.
Sức hấp dẫn từ ưu đãi thuế
Các hiệp định loại bỏ việc đánh thuế 2 lần đã tỏ ra hiệu quả bằng cách xác định các khoản miễn trừ hoặc giảm số thuế phải nộp ở Việt Nam đối với cư dân của các quốc gia tham gia ký kết. Tính đến năm 2022, hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ đã ký DTA với Việt Nam. Các nhà đầu tư nước ngoài ủng hộ Việt Nam vì chi phí đầu vào thấp, thị trường, tuyến đường cung ứng và địa lý thuận tiện gần Trung Quốc.
Vào tháng 4/2021, Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam đã công bố Quy hoạch tổng thể cơ sở hạ tầng đến năm 2030, ước tính chi phí đầu tư từ 43-65 tỉ USD. Theo đó, Việt Nam sẽ xây dựng hàng ngàn km đường cao tốc mới, các tuyến đường sắt, cảng nước sâu và sân bay quốc tế mới.
Vị trí của Việt Nam nằm ở tuyến vận tải biển quan trọng nhất thế giới, mang lại điều kiện thuận lợi cho các nhà sản xuất tập trung vào xuất khẩu. Việt Nam có khoảng 3.200km bờ biển, với 114 cảng biển, trong đó có nhiều cảng nước sâu. Với biên giới thuận lợi trên cả đất liền lẫn trên biển, Việt Nam trở thành nơi đặt cơ sở sản xuất ưa thích cho nhiều tập đoàn quốc tế. Chẳng hạn, Hải Phòng chỉ cách trung tâm sản xuất Thâm Quyến (Trung Quốc) 865km. Việc ở gần các trung tâm sản xuất truyền thống của Trung Quốc giúp Việt Nam có thể giảm chi phí và tránh sự gián đoạn cho chuỗi cung ứng hiện hành.
Theo Nikkei, Chính phủ Việt Nam đưa ra nhiều ưu đãi kinh doanh và liên tục cải thiện nhằm duy trì sức hấp dẫn cao đối với nhà đầu tư nước ngoài. Thuế là một trong những ưu đãi quan trọng nhất đối với khu vực FDI và là một trong những đặc điểm hấp dẫn nhất của bối cảnh kinh doanh Việt Nam. Thuế thu nhập doanh nghiệp được ưu đãi cho cả nhà đầu tư trong và ngoài nước nhằm thúc đẩy các lĩnh vực chiến lược phát triển quốc gia. Có 2 ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp chính ở Việt Nam là giảm và miễn thuế trong thời gian nhất định hoặc trong suốt thời gian thực hiện dự án. Một số lĩnh vực ở Việt Nam được khuyến khích đầu tư thông qua miễn thuế như các ngành công nghệ cao, quy mô lớn hoặc có ý nghĩa quan trọng về mặt xã hội.
Ưu thế lớn về lực lượng lao động
Việt Nam là một trong những thị trường lao động lớn nhất ASEAN với quy mô khoảng 60 triệu người và tỉ lệ tham gia lao động là 76%. Lực lượng lao động này đang tăng thêm hơn 1 triệu người mỗi năm. 35% lực lượng này là thế hệ sinh từ năm 1976 đến năm 1995. Gần 95% lực lượng lao động biết chữ và hơn 88% đang học trung học, trong đó 5% thông thạo tiếng Anh và trên 10% được coi là có tay nghề cao. Trong lực lượng lao động này, 42% thuộc nông nghiệp, 35% ở lĩnh vực dịch vụ và 23% ở lĩnh vực công nghiệp. Lợi thế khác của Việt Nam là mức lương tối thiểu cạnh tranh so với các nước trong khu vực.
Nam Anh (theo Reuters, Nikkei, Thestar, Bloomberg)
Chính quyền địa phương cho biết, ít nhất 38 người đã thiệt mạng sau tai nạn giao thông "thảm khốc" giữa xe buýt và xe tải ở bang Minas Gerais của Brazil.