Nhiều triển lãm mỹ thuật “mở bát” đầu năm

31/12/2021 - 13:09

PNO - Nhiều tác phẩm hội họa được nghệ sĩ ấp ủ sáng tác trong thời gian giãn cách vì dịch COVID-19 và chọn đúng dịp đầu năm để trình làng.

Nhóm Hiện thực+ đang trưng bày 37 tác phẩm vẽ trong thời gian giãn cách vì dịch COVID-19. Ngoài những gương mặt quen thuộc của nhóm gồm Lê Thế Anh, Phạm Bình Chương, Nguyễn Toán, Đoàn Văn Tới, Lê Cù Thuần, Lưu Tuyền, Vũ Ngọc Vĩnh, triển lãm có sự góp mặt của họa sĩ Trịnh Lữ - một người đồng hành và ủng hộ nhóm.

Nằm trong dòng chảy chung của nghệ thuật đương đại, hiện thực là một phong cách luôn hiện hữu và phát triển, nhất là trong thập niên này. Nhóm Hiện thực+ ra đời năm 2014, cũng như một sự tất yếu khi ngày càng nhiều họa sĩ theo đuổi hiện thực. Tới nay, nhóm đã có 4 triển lãm tại Hà Nội và TP.HCM.

Định nghĩa về Hiện thực tưởng chừng dễ mà khó, vì khi đi sâu mới thấy hiện thực không đơn giản chỉ là giống như thực tế, hay hiểu nôm na là “nhìn sao vẽ vậy”. Xem toàn bộ mới thấy khái niệm “Hiện thực” được mở rộng hơn.

 

Một số góc từ triển lãm của nhóm Hiện thực +
Một số góc từ triển lãm của nhóm Hiện thực +

“Các họa sĩ được tự do sáng tác không lệ thuộc bất cứ định nghĩa nào, từ hiện thực cảm xúc, hiện thực ý niệm đến hiện thực biểu hiện. Chúng tôi hoàn toàn tự do lựa chọn phong cách hữu hiệu nhất để diễn tả những giao đãi của mình với nội giới, ngoại giới. Những giao đãi ấy là hiện thực của chúng tôi. Tác phẩm của chúng tôi là minh chứng cho niềm yêu thích diễn tả những hiện thực ấy”, nhóm cho biết.

Triển lãm của nhóm Hiện thực+ diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (Hà Nội), từ 27/12/2021 tới hết 2/1/2022

Nối sau triển lãm của nhóm Hiện thực+, Trang Thanh Hiền và Nguyễn Mỹ Ngọc - hai giảng viên, họa sĩ của Đại học Mỹ thuật Việt Nam có một cuộc “hò hẹn đồ họa” ở triển lãm Mùa trong vườn. Triển lãm diễn ra tại 42 Yết Kiêu (Hà Nội) từ ngày 1/1/ 2022 đến 12/1/2022.

Triển lãm này hoãn đến lần thứ 3 bởi dịch bệnh COVID-19, cuối cùng cũng được trưng bày đúng ngày đầu năm (1/1/2022) để khởi đầu cho một hy vọng mới.

Nếu Trang Thanh Hiền mang đến triển lãm những tác phẩm lấy cảm hứng từ các loài hoa với chất liệu khắc gỗ, thì tranh Nguyễn Mỹ Ngọc tìm cảm hứng từ việc khắc cao su kết hợp in độc bản. Khoảng 80 bức tranh đồ họa, với cây – lá – hoa và những người đàn bà ẩn hiện hiện, trữ tình, nữ tính và bung nở trong sáng tạo nghệ thuật.

Một số tác phẩm trong triển lãm Mùa trong vườn
Một số tác phẩm trong triển lãm "Mùa trong vườn"

Ở TPHCM, triển lãm cá nhân Nhật thực của Phương Quốc Trí, sẽ được khai mạc lúc 16g30 ngày 1/1 tại Hakio Let's Art (38 Trần Cao Vân, quận 3).

Đây là bộ tranh mà họa sĩ mất gần 3 năm để hoàn thành.

Trong bài đăng trên Tạp chí Mỹ thuật số tháng 11 & 12, nhà phê bình mỹ thuật Nguyên Hưng viết: “Đứng trước loạt tranh “vẽ cho mình” của Phương Quốc Trí, tự nhiên, tôi lại nhớ đến các vườn đá tảng karesansui mang đậm tinh thần wabi-sabi Nhật Bản. Trong các vườn đá tảng này, chỉ có đá và cát trắng. Không có màu xanh của cây cỏ. Không có sự thơ mộng. Tất cả, chỉ là sự đơn giản, trần trụi, thô ráp và cứng ngắc của đá và cát. Đó là nghệ thuật của sự câm lặng, của sự đơn độc, dở dang, và bất toàn. Nó buộc người đối diện phải sửng sốt dừng lại, đối diện với nó như đối diện với chính tâm hồn mình, với chính bản ngã mình. Và, phải chiêm nghiệm...”.

Một số tác phẩm trong triển lãm của họa sĩ Phương Quốc Trí
Một số tác phẩm trong triển lãm của họa sĩ Phương Quốc Trí

Ngoài ra, triển lãm cá nhân Những thân thuộc của Thế Thông cũng đang diễn ra tại ở 162 bis Bùi Thị Xuân (quận 1, TPHCM) tới hết ngày 4/1/2021 này. Được biết, một triển lãm virtual (thực tế ảo) thuộc khuôn khổ triển lãm Những thân thuộc sẽ sớm diễn ra trên nền tảng Artcific.com.

“Trong thời đại dịch, tôi dành nhiều thời gian lắng nghe và cảm nhận sự chuyển động của vạn vật từ những điều nhỏ nhất xung quanh mình và lấy đó làm chất liệu sáng tác”, Thế Thông nói.

Nhà báo Lý Đợi cho rằng: “So với màu nước thời ký hoạ Đà Lạt, thì đến loạt tranh này, với bột màu trên giấy canson, arches, hoặc giấy dó bồi… Thế Thông càng đến gần hơn sự mộc mạc, chân tình như bản tính. Với những khán giả trẻ thích sự nhẹ nhàng, thật thà trong cái nhìn, với bảng màu sạch, gọn kiểu Tây phương, thì “Những thân thuộc” hẳn sẽ làm họ vui”. Đến những bức tranh bé xinh, nhẹ nhàng lần này, Thế Thông đã bắt đầu lộ diện chất hội hoạ, rời bỏ được chất “vẽ kiến trúc” như trước đây.

Một số tác phẩm thuộc triển lãm Những thân thuộc
Một số tác phẩm thuộc triển lãm "Những thân thuộc"

Đ.Dung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI