Nhiều trẻ yếu, liệt vì không nghĩ bị tay chân miệng

18/04/2021 - 06:43

PNO - Nhập viện do tay chân miệng, anh Hân phát hiện con trai chỉ ngồi mà không đi đứng như trước, hai chân bé mềm nhũn. Đặt con đứng không được, anh hốt hoảng gọi bác sĩ.

 

Sau nhiều ngày điều trị, bé H. vẫn còn “nhát” chân không dám đặt xuống
Sau nhiều ngày điều trị, bé H. vẫn còn “nhát” chân không dám đặt xuống

Biến chứng vì không nghĩ trẻ bị tay chân miệng

“Con trai tôi hiếu động lắm, có bệnh cũng vẫn chạy chơi. Tối hôm thứ Sáu lúc nhập viện do tay chân miệng, bé vẫn còn tỉnh táo, đi lại trong phòng. Sáng thứ Bảy muốn đi đâu bé cũng đòi bế. Tưởng con nhõng nhẽo, tôi cũng bế đến giữa trưa. Nhưng mà khi cho bé uống sữa, bé không đứng lên được, hai chân xụi lơ, tôi nói con đạp lên tay mình mà bé không có sức. Tôi rất sợ chạy ra báo bác sĩ, bác sĩ chuyển bé vào Bệnh viện Nhi Đồng 2 TPHCM ngay trong ngày”, anh Hân nhớ lại.

Con trai anh Hân - bé T.N.N.H. (3 tuổi, ở Phú Yên) bị biến chứng tay chân miệng dẫn đến yếu liệt hai chân. Tuy được các bác sĩ cấp cứu nhưng khi đưa vô bệnh viện đã vào giai đoạn trễ, dù được điều trị tích cực nhưng đến nay bé chỉ dám đứng khi có người dìu đỡ. Bé thường nhón chân, chân trái còn yếu. Theo bác sĩ, phải mất khoảng 3-4 tháng bé H. mới phục hồi vận động.

Đứng nhìn cháu ngoại đang nằm cấp cứu ở khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi Đồng 2 TPHCM, bà Nguyễn Thị Bé (62 tuổi, ở Cần Thơ) thở dài: "Bé T.V.B. không đi học, ở xóm có ai bị tay chân miệng là cả nhà không dám ẵm bé ra ngoài chơi. Lúc đầu, bé chỉ sốt nhẹ, nôn ói chứ không nổi bóng nước... nên không nghĩ con bị tay chân miệng. Tới khi tôi thấy bé chỉ cầm đồ chơi tay phải, chứ không dùng sức của hai tay như trước thì tôi thử đưa đồ chơi qua tay trái, bé không cầm. Giơ tay bé lên thì rớt xuống tự do, tôi hoảng quá nên gọi cho con gái đưa đi bệnh viện".

Khi bé B. được đưa đến bệnh viện địa phương, bác sĩ chẩn đoán bé mắc tay chân miệng nặng (độ 2B), biến chứng yếu, liệt tay phải chuyển gấp đến Bệnh viện Nhi Đồng 2 TPHCM cấp cứu. Lúc này, cả gia đình bà Bé ngỡ ngàng, không hiểu nguồn lây từ đâu bởi bé B. suốt ngày ở trong phòng.

Lúc nhập viện, bé B. sốt cao không hạ, không vận động được tay trái mặc dù sức cơ vẫn còn. Các bác sĩ lập tức truyền thuốc cho bé. Điều tra bệnh sử, bác sĩ nghi ngờ mẹ của bé đã mắc bệnh và lây cho con mà không hay. Sau nhiều ngày điều trị, tay trái của bé B. đã có thể giơ lên chút ít, cầm nắm được tuy còn yếu. 

Cũng nằm ở khu cấp cứu, bé N.T.T.N. (3 tuổi, ở Bình Thuận) sốt cao 2 ngày không hạ, gia đình đưa đi bác sĩ gần nhà khám, bé được chẩn đoán viêm họng và cho thuốc về uống. Tối đến, bé không ngủ được, giật mình gần như suốt đêm. Cũng như bé B., bé N. không nổi hồng ban, bóng nước.

Dù uống thuốc hạ sốt nhưng bé vẫn liên tục chới với, sốt cao hơn 39 độ C, bí tiểu, run tay chân, đứng không vững,… Thấy vậy, mẹ của bé ôm con đi bệnh viện. Qua thăm khám và làm các xét nghiệm, bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 2 phát hiện bé N. bị tay chân miệng độ 2B, nhóm 2, bé yếu liệt cả hai chân, không đi, đứng được. Ngay lập tức, bác sĩ truyền thuốc cho bé.

May mắn, sau nhiều ngày điều trị, bé N. đã giảm giật mình, có thể đứng lên và đi lại được. Mẹ của bé xót xa: “Chồng tôi mắc tay chân miệng nhưng do anh ấy hoàn toàn không có triệu chứng gì nên không biết. Thêm phần từ lúc dịch COVID-19, tôi đã cho con nghỉ ở nhà, bé cũng chỉ chơi quanh quẩn bên trong, không tiếp xúc với con nít nhà hàng xóm nên tôi không nghĩ con bị tay chân miệng. Không ngờ, người lớn cũng mắc bệnh này và chồng tôi vô tình lây cho bé”.

Hiện tại bé H. vẫn chưa thể đứng bằng hai chân, vẫn còn nhón chân, chân trái yếu
Hiện tại bé H. vẫn chưa thể đứng bằng hai chân, vẫn còn nhón chân, chân trái yếu

Cha mẹ có thể trở thành nguồn lây tay chân miệng cho con

Bác sĩ Đỗ Châu Việt - Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi Đồng 2 TPHCM - cho biết, tính đến hiện tại, có gần 40 trẻ mắc tay chân miệng nhập viện điều trị, 2/3 trẻ đến từ các tỉnh thành. Hầu hết trẻ mắc bệnh độ 2B, có biến chứng về thần kinh như run, yếu tay chân, giật mình chới với, nôn ói,… Trong đó có 6 trẻ chuyển biến nặng phải theo dõi sát tại phòng Cấp cứu của khoa.

Nguy hiểm hơn, có những trẻ không đi học, được “cách ly” với hàng xóm, người quen, suốt ngày ở trong nhà. Cha mẹ nghĩ làm như vậy có thể phòng tay chân miệng cho trẻ nhưng nhiều trường hợp chính người lớn trong nhà vô tình bị lây bệnh cho con, em mình.

Bác sĩ Việt cho biết: “Có trường hợp khi hỏi bệnh sử, bác sĩ nghi ngờ người mẹ mắc bệnh tay chân miệng và lây cho trẻ nhưng chị không tin. Phụ huynh cho rằng những ngày qua bản thân không nóng, sốt hay có bóng nước. Cho đến khi đi khám bệnh, xét nghiệm thì ngỡ ngàng khi mình mắc tay chân miệng.

Người lớn mắc tay chân miệng như nhiễm vi siêu bình thường nhưng khi lây qua cho trẻ thì có những trẻ biến chứng nặng, rơi vào nguy hiểm. Phần vì người lớn nghĩ bé không ra ngoài nên không mắc tay chân miệng, khi nóng sốt, nổi cả bóng nước cũng không nghĩ đến bệnh này.

Đến khi bé không đi hoặc không cầm nắm được mới đưa đi bệnh viện kiểm tra thì đã muộn, bé yếu liệt tay, chân, có bé có thể hồi phục hoàn toàn nhưng vẫn có bé bị di chứng tay chân miệng, phải mất vài tháng đến vài năm tập vật lý trị liệu mới đi lại được. Thậm chí trước đây đã có trẻ mắc tay chân miệng đưa vào quá trễ không thể phục hồi vận động rất xót”.

Bác sĩ Lư Lan Vi cho biết tay chân miệng đợt này, ít trường hợp bệnh nhi nổi bóng nước
Bác sĩ Lư Lan Vi cho biết tay chân miệng đợt này, ít trường hợp bệnh nhi nổi bóng nước

Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM, từ đầu tháng 3/2021 đến nay có 460 trẻ mắc tay chân miệng đến khám, trong đó có 102 trẻ nhập viện, 4 trường hợp nặng phải cấp cứu. Sáng 8/4, thêm 16 trẻ mắc tay chân miệng nhập vào khoa Nhi C, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM điều trị. Tính đến thời điểm này, khoa đang điều trị cho 39 bệnh nhi, đa số trẻ dưới 5 tuổi, mắc tay chân miệng độ 2A, 2B, có 3 trẻ độ 3 đã qua nguy hiểm đang được theo dõi sát.

Bác sĩ Lư Lan Vi - Trưởng khoa Nhi C, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM - cho biết, trẻ mắc tay chân miệng bắt đầu tăng từ giữa tháng 3/2021. Hiện tại, trẻ nhập viện đã gần gấp đôi so với tuần vừa qua, tuy số lượng trẻ so với năm 2020 chưa có tính đột biến, nhưng diễn tiến bệnh ở trẻ nhanh và nặng hơn nhiều.

“Từ hôm nay, trẻ mắc tay chân miệng đến khám tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, nếu vào độ 2, chúng tôi vẫn khuyến khích phụ huynh cho trẻ nhập viện chứ không đợi nặng hơn. Bởi có nhiều bệnh nhi ở xa, khi được hướng dẫn về nhà theo dõi, chưa kịp về tới nhà thì trẻ đã đột ngột chuyển độ không thể chủ quan được.

Virus chủng EV71 làm cho bệnh tay chân miệng biến chứng nặng, chưa thấy chủng virus mới nhưng hiện tại chúng tôi ghi nhận nhiều bé xuất hiện triệu chứng bất thường như rối loạn nhịp thở, huyết áp cao, mạch đập nhanh so với độ tuổi của bé chứ không chỉ giật mình chới với như trước đây. Vì vậy, khi trẻ sốt cao không hạ chỉ một ngày cha mẹ cũng nên đưa trẻ đến bệnh viện khám bệnh, chứ đừng tự ý mua thuốc cho trẻ uống”, bác sĩ Vi nói thêm.

Theo bác sĩ Vi, tay chân miệng biến chứng rối loạn nhịp thở tức là trẻ thở nhanh không đều, thở liên tục, có cơn ngưng thở, trẻ lừ đừ, mệt mỏi. Vì vậy cha mẹ đừng chủ quan khi thấy các dấu hiệu này.

Ngoài giật mình chới với, trẻ rối loạn nhịp thở ở trẻ cũng là việc mà cha mẹ cần lưu ý
Ngoài giật mình chới với, trẻ rối loạn nhịp thở ở trẻ cũng là việc mà cha mẹ cần lưu ý

Bác sĩ Dư Tấn Qui, Phó khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM cũng cho biết, nếu tuần vừa rồi trẻ mắc tay chân miệng tại khoa hơn 20 trường hợp, đến nay đã có khoảng 50 trẻ nhập viện trong tình trạng nặng. Phần lớn trẻ ít nổi bóng nước, ghi nhận nhiều ở triệu chứng sốt cao, thở mệt, giật mình chới với, run tay, chân,… dự kiến trong thời gian tới, trẻ mắc tay chân miệng vẫn còn tăng.

Ghi nhận ở các bệnh viện nhi tại TPHCM,  bệnh tay chân miệng đợt này hầu như các trẻ đều không hoặc rất ít nổi bóng nước nên người lớn làm tưởng trẻ sốt thông thường. Nguy hiểm hơn, đã có trường hợp cha mẹ lầm tưởng cho trẻ đi học, ra ngoài mới mắc bệnh nên trẻ được cho ở nhà, hạn chế tối đa tiếp xúc mà vẫn bị tay chân miệng.

Việc “cách ly” trẻ tại nhà không phải là phương pháp phòng bệnh tối ưu vì nhiều cha, mẹ trong khi đi làm hay tiếp xúc với người xung quanh đã bị tay chân miệng nhưng không biết. Bên cạnh đó, người lớn khi mắc tay chân miệng đều không có triệu chứng và vô tình lây virus này qua cho trẻ, khi con sốt lại lầm tưởng trẻ nóng, sốt thông thường, cứ để ở nhà hạ sốt trong nhiều ngày đến khi trẻ rơi vào biến chứng mới đưa đi bệnh viện thì đã muộn.

Các bác sĩ cho biết, tay chân miệng di chứng liệt tay, chân từng xuất hiện vào năm 2011. Sau 10 năm, di chứng này đã quay trở lại khiến nhiều phụ huynh không ngờ. Nhiều trường hợp trẻ được đưa đi bệnh viện khi đã cầm nắm khó, đứng không vững nếu không được điều trị kịp thời sẽ rất khó hồi phục.

Bác sĩ Việt khuyến cáo, tay chân miệng là bệnh do siêu vi gây ra nên không có thuốc đặc hiệu, mà chỉ điều trị triệu chứng. Quan trọng nhất vẫn là phát hiện được dấu hiệu bệnh như sốt cao, lừ đừ, mệt mỏi, trẻ hay chảy nước bọt, sợ ăn vì có vết loét trong miệng, nôn ói, run tay chân,… nên đưa trẻ đến cơ sở y tế kịp thời.

Đặc biệt lưu ý những trẻ chưa đi học, nghỉ ở nhà cũng mắc tay chân miệng chứ không phải đi học, người lớn đừng chủ quan bởi bản thân cha, mẹ có thể là nguồn bệnh lây cho con em mình. Điển hình, trong trong 36 ca mắc tay chân miệng đang được điều trị, có những trẻ dưới 3 tuổi không đi học, và gần như không đi ra ngoài đường.

Quan trọng là người lớn không có biểu hiện khi mang virus gây bệnh, lúc này khi chăm sóc, nựng nịu bé vô tình lây bệnh cho con. Vì vậy, khi ở ngoài về nhà, mọi người nên rửa tay, vệ sinh cá nhân thường xuyên bằng xà phòng, dọn dẹp, mở cửa giúp nơi ở thoáng khí. Tập cho trẻ thói quen rửa tay. Bổ sung dinh dưỡng, nước trái cây cho cả nhà tăng sức đề kháng.

Trường hợp khi phát hiện con mình hay trẻ xung quanh bị tay chân miệng, nên hạn chế tiếp xúc, báo với nhà trường để vệ sinh khử khuẩn.

Phạm An

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI