Nhiều trẻ vùng cao bị dụ 'làm ở Sài Gòn, việc nhẹ lương cao'

04/04/2018 - 08:08

PNO - Nghe những lời dụ dỗ ngon ngọt, nhiều đồng bào vùng cao đã đồng ý để những người lạ mặt đưa con em mình đi làm việc trong môi trường khắc nghiệt.

Chỉ riêng thôn Phú Vinh, xã Quảng Phú, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông, có hàng chục trẻ em đang dở khóc dở cười vì cái bẫy “việc nhẹ lương cao” mà điểm đến là các xưởng may tại Q.Tân Phú, TP.HCM. 

Nhieu tre vung cao bi du 'lam o Sai Gon, viec nhe luong cao'
Em Phàng Thị Giống thở phào nhẹ nhõm vì được trở về với gia đình

Làm việc 14 giờ/ngày

Thôn Phú Vinh nằm trên triền núi, bên bờ thủy điện Buôn Tua Srah, là nơi sinh sống của hơn 500 hộ dân thuộc 13 dân tộc khác nhau. Ông Lục Văn Hiệp - Trưởng thôn Phú Vinh - cho biết, thôn Phú Vinh đá nhiều hơn đất, người dân làm nông, trồng khoai mì, thu nhập chẳng đáng bao nhiêu. Do gánh nặng cơm áo nên trẻ em ở đây thường bỏ học sớm.

Nắm được những khó khăn đó, từ đầu năm 2018 đến nay, một số người lạ mặt đã tìm đến thôn dụ dỗ, đưa hàng chục trẻ em 13-14 tuổi đi làm việc trong các cơ sở may mặc ở TP.HCM. Mới đây, khi một số em không chịu được vất vả, tìm cách trốn về, mọi người mới giật mình.

Anh Sồng A Gàng cho biết, vào đầu tháng 3/2018, một người quen ở tỉnh Đắk Lắk đến đưa con gái anh là Sồng Thị Nênh, 11 tuổi, xuống TP.HCM làm việc. Trước khi dẫn cháu đi, người này nói với anh Gàng rằng, cháu Nênh sẽ được bố trí một công việc nhẹ nhàng, với mức lương 18 triệu đồng/năm; số tiền này sẽ được chủ doanh nghiệp trả cho gia đình vào cuối năm. Thế nhưng, sau khi được đưa về TP.HCM, cháu Nênh phải phụ việc và dọn dẹp nhà xưởng cho một cơ sở may mặc từ 12-14 giờ mỗi ngày. Không chịu nổi áp lực công việc, Nênh đã tìm cách trốn khỏi cơ sở may.  

Ở cách nhà cháu Nênh chưa đầy 1km, cháu Phàng Thị Giống, 14 tuổi, cũng vừa trở về từ một cơ sở may tại Q.Tân Phú, TP.HCM. Giống kể: “Lúc đầu, họ nói cháu vào đó làm sẽ được trả 20 triệu đồng/năm nếu biết việc, còn không thì chỉ được 15 triệu đồng/năm. Là con thứ hai trong gia đình có sáu anh chị em, cháu muốn đi làm phụ giúp bố mẹ nuôi các em nên đã cùng với một số bạn trong thôn đến cơ sở này làm việc theo sự chỉ dẫn của một người lạ. Mỗi ngày, tụi cháu phải làm việc từ 7g cho đến 22, 23g mới được nghỉ”.

Theo lời Giống, công việc ở cơ sở may chủ yếu là bưng bê, phụ may, nhưng do Giống và các bạn không hiểu hết những lời hướng dẫn nên thường xuyên bị chủ chửi mắng. Do không đáp ứng được yêu cầu công việc nên sau khoảng hai tuần, chủ bắt xe cho Giống và một số bé khác trở về địa phương. 

Bị nhốt sau cánh cửa khóa trái

Từ những thông tin trình báo của một số nạn nhân là những lao động trẻ em sau khi trở về, UBND xã Quảng Phú đã tiếp cận một người lạ khi đến thôn Phú Vinh tuyển dụng lao động trẻ em và mời về trụ sở UBND xã làm việc. Người này thừa nhận, có đưa một số trẻ em của thôn Phú Vinh đến làm việc tại một cơ sở may ở P.Tân Thành, Q.Tân Phú, TP.HCM.

Nhieu tre vung cao bi du 'lam o Sai Gon, viec nhe luong cao'
Em Phàng Thị A và Hờ Thị Gu kể lại công việc sau khi được đưa đến TP.HCM

Ngày 15/3, UBND xã Quảng Phú đã phối hợp cùng Công an huyện Krông Nô liên hệ với Công an P.Tân Thành, đến cơ sở may gia công của ông Nguyễn Trọng Trụ, yêu cầu bàn giao lại 3 cháu bé gồm: Phàng Thị Ca (16 tuổi), Phàng Thị A (15 tuổi) và Hờ Thị Gu (14 tuổi) về với gia đình.

Tiếp xúc với chúng tôi, cháu Phàng Thị A chưa hết sợ hãi khi được hỏi về công việc tại cơ sở may nói trên: “Vào đầu tháng 3/2018, bố chở cháu và Gu sang tỉnh Lâm Đồng, được một người đàn ông dẫn vào làm việc cho cơ sở của ông Trụ. Tại đây, tụi cháu có nhiệm vụ gấp quần áo từ 7g đến 23g mới được tắm rửa, đi ngủ. Hằng ngày, tụi cháu đều bị nhốt bên trong xưởng và không được phép ra ngoài nếu không được sự cho phép của chủ cơ sở may. Nhiều lần cháu và các bạn định trốn may nhưng cửa luôn khóa kín nên đành chịu. Chúng cháu rất vui khi đoàn cán bộ đến đón về”.

Cũng như A, Hờ Thị Gu không biết người đưa mình đi lao động là ai, ở đâu. Là con út trong gia đình có 3 anh chị em, nhiều năm qua, anh chị em Gu thiếu vắng sự chăm sóc, che chở của cả cha lẫn mẹ. Từ nhỏ, Gu đã thất học và phải lăn lộn kiếm sống nhưng vẫn không thể thoát khỏi đói nghèo. 

Ông Y Cam - Phó chủ tịch UBND xã Quảng Phú - cho biết, cho đến nay, có tất cả 19 trẻ em tại thôn Phú Vinh bị đưa đi lao động tại TP.HCM, trong đó có 10 cháu đã trở về địa phương. “Theo tìm hiểu của chúng tôi, khi làm việc với cơ quan chức năng ở TP.HCM, một số chủ doanh nghiệp sử dụng lao động trẻ em biện minh bằng cách đưa ra một bản hợp đồng mà họ ký với phụ huynh để cho rằng, phụ huynh tự cam kết cho con em đi làm việc. Trong khi đó, hầu hết các bậc phụ huynh ở đây không biết tiếng Kinh, không biết chữ nên không hiểu được nội dung hợp đồng”. 

Ông Y Cam cho biết thêm, để ngăn chặn nạn tuyển dụng lao động trẻ em, sắp tới UBND xã sẽ phối hợp với các ban ngành vào thôn Phú Vinh tổ chức tuyên truyền cho người dân hiểu về Luật Trẻ em và Luật Phòng, chống mua bán người. 

Nguyên Bảo

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI