Nhiều trẻ viêm phổi nặng vì cha mẹ tự điều trị ở nhà

13/10/2023 - 06:39

PNO - Chỉ sau khoảng 1 tháng trẻ đi học, số trẻ mắc các bệnh liên quan đến hô hấp phải nhập viện điều trị tăng khoảng 30%. Một trong những nguyên nhân thường thấy ở các trẻ mắc bệnh hô hấp nặng là do cha mẹ, người thân tự mua thuốc điều trị cho trẻ.

 

Bác sĩ Lê Thị Thanh Thảo khám cho bé D. tại phòng cấp cứu, Khoa Hô hấp 1 Bệnh viện Nhi Đồng 2
Bác sĩ Lê Thị Thanh Thảo khám cho bé D. tại phòng cấp cứu, Khoa Hô hấp 1 Bệnh viện Nhi Đồng 2

Tự điều trị, bệnh nặng thêm

Bác sĩ chuyên khoa 1 Lê Thị Thanh Thảo - Phó khoa Hô hấp 1 Bệnh viện Nhi Đồng 2 - cho biết: so với thời điểm nghỉ hè, chỉ sau khoảng 1 tháng trẻ đi học, bệnh hô hấp tăng rõ rệt. Hiện có 230-240 trẻ điều trị tại khoa, tăng khoảng 30% so với vài tuần trước. Số lượng trẻ mắc hô hấp tiến triển nặng, phải hỗ trợ ô xy, thở máy chiếm 10%. Các bệnh như viêm đường hô hấp trên, cảm cúm, viêm phổi, viêm tiểu phế quản cũng đang tăng. 

Đáng nói, một trong những nguyên nhân thường thấy ở các trẻ mắc bệnh hô hấp nặng là do người lớn tự mua thuốc điều trị cho trẻ. Trong số đó, vẫn còn trường hợp phụ huynh nghĩ rằng mỗi khi chuyển mùa trẻ đều mắc bệnh hô hấp nên cho con uống thuốc theo đơn thuốc cũ, tự ra tiệm mua thuốc cho trẻ uống. Thậm chí, vẫn còn một số người điều trị cho con theo phương pháp dân gian như cho trẻ uống cam thảo, đắp muối hột… vô tình trì hoãn, làm bệnh của trẻ tiến triển phức tạp.

“Điều này dẫn đến số trẻ vào bệnh viện đã mắc viêm phổi nặng nhiều hơn so với mọi năm. Thậm chí, có trẻ khi đưa vào đã bị biến chứng tràn mủ màng phổi, viêm phổi hoại tử hoặc suy hô hấp phải hỗ trợ ô xy hay các phương pháp cấp cứu cao hơn như thở ô xy, thở áp lực dương, thở máy…, rất khó khăn trong điều trị” - bác sĩ Lê Thị Thanh Thảo cho biết.

Một ví dụ là trường hợp của bé P.N.K.D. (8 tuổi, ở Bà Rịa - Vũng Tàu) được chuyển từ Bệnh viện Vũng Tàu đến Bệnh viện Nhi Đồng 2 điều trị. Hơn 10 ngày trước, đi học về, bé D. cứ húng hắng ho. Thấy vậy, chị Hoài - mẹ bé - cho con uống thuốc dư từ đợt ho trước. Hôm sau, bé sốt, ho khan, chị tiếp tục mua thuốc cho con uống. Ngày bệnh thứ ba, bé sốt cao, ho đàm nhiều, chị đưa con đến phòng khám tư, bác sĩ chẩn đoán bé D. bị viêm họng, viêm phế quản, cho thuốc về uống.  

“Sáng sớm, thấy con lừ đừ, khó thở nên ôm con vào Bệnh viện Vũng Tàu cấp cứu” - chị Hoài kể. Tại đây, bé được bác sĩ cho thở ô xy, làm xét nghiệm. Kết quả, bé bị viêm phổi nặng, tràn dịch phổi, được chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng 2 cấp cứu. Bác sĩ phải dùng đến 4 loại kháng sinh, thuốc đặc trị cho bé. Đến nay, bé tỉnh táo hơn, giảm sốt. Hiện các bác sĩ lấy dịch màng phổi xét nghiệm vì nghi ngờ bé bị lao phổi.

Bé P.T.T. (6 tuổi, ở tỉnh Đồng Nai) 3 ngày nay sốt cao, bỏ ăn vì viêm phổi mủ. Bà Trần Thị Thu Bé - bà ngoại bé - sụt sùi kể do bận mưu sinh, mẹ của bé T. thường gửi bé cho bà chăm. Mấy hôm mưa, bé cứ trốn bà chạy ra ngoài tắm. Sau đó, bé nóng sốt, chảy mũi. Bà Bé lấy thuốc cảm của mình cho bé uống. 2 ngày sau, bé T. ho nhiều hơn, không chạy chơi, chỉ nằm im. Thấy vậy, bà Bé gọi mẹ của T. đưa cháu đi bệnh viện địa phương. Sau 4 ngày điều trị không đỡ, bé được chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng 2. 

Tăng đề kháng và tiêm ngừa đầy đủ

Bác sĩ Lê Thị Thanh Thảo lưu ý, hiện tại các tỉnh phía Nam đang trong thời điểm chuyển mùa, khí hậu lạnh hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho các bệnh lý hô hấp do siêu vi gây ra. Đặc biệt là viêm đường hô hấp trên, viêm mũi họng, trẻ hen suyễn hay mắc các bệnh nền khác.

Bệnh viêm đường hô hấp ở trẻ em rất đa dạng, nhiều mức độ khác nhau nên cha mẹ cần chú ý trong chăm sóc trẻ. Với trẻ nhỏ sẽ bỏ ăn, bỏ bú, trẻ bứt rứt, quấy khóc, sốt cao, thở nhanh, thở gấp, lồng ngực bị rút lõm khi thở, thở rít… Ở trẻ lớn hơn, khởi phát bệnh thường bị nóng sốt, ho khan, nghẹt mũi, thở nhanh… Lúc này, cha mẹ cần đưa con đến cơ sở y tế khám, tránh trẻ rơi vào tình trạng nặng hơn, nguy cơ suy hô hấp, hôn mê, co giật… rất nguy hiểm.

Để phòng bệnh, cha mẹ nên cho trẻ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, chế độ ăn cân đối, bổ sung nước trái cây…, tăng cường hệ miễn dịch của trẻ. Tránh ăn đồ ăn nhiều dầu mỡ, nước ngọt, thức ăn nhanh gây khó tiêu hóa. Khi thời tiết trở lạnh, cha mẹ cần giữ ấm cho trẻ, đặc biệt là buổi sáng sớm. Phương pháp dễ và hiệu quả nhất trong phòng bệnh về hô hấp là đeo khẩu trang khi ra ngoài. Hướng dẫn trẻ dùng dung dịch rửa tay, hoặc rửa tay bằng xà bông thường xuyên, đúng cách để bảo vệ mình và tránh lây lan bệnh.

Quan trọng hơn là phụ huynh nên đưa trẻ đi tiêm ngừa cúm. Nhất là với trẻ lớn, cha mẹ hay bỏ sót các mũi nhắc lại. Ở trẻ nhỏ hơn, có thể tiêm ngừa phế cầu nhằm hỗ trợ ngăn ngừa các bệnh lý về hô hấp, đặc biệt là viêm phổi. Riêng đối với trẻ đã mắc bệnh hen suyễn, giai đoạn này rất dễ lên cơn hen. Vì vậy, phụ huynh cần dự phòng thuốc đầy đủ, cho trẻ dùng đúng, đủ liều lượng thuốc mà bác sĩ chỉ định. 

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI