PNO - TPHCM vừa bước vào giai đoạn chuyển mùa, số lượng trẻ mắc các bệnh lý liên quan đến đường hô hấp đã tăng nhanh, có trẻ bị biến chứng viêm phổi nặng.
TPHCM và các tỉnh lân cận đang chuyển mùa, trời se lạnh vào buổi sáng, các cơn mưa bất chợt… khiến số lượng trẻ em mắc các bệnh liên quan tới đường hô hấp tăng lên. Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Hoàng Phong - Trưởng khoa Hô hấp 1, Bệnh viện Nhi Đồng 2 - cho biết, có thể do mùa mưa năm nay dài hơn mọi năm, thời tiết thay đổi thất thường nên diễn tiến các bệnh liên quan đường hô hấp ở bệnh nhi đa dạng, trẻ mắc bệnh thường tái đi tái lại, dây dưa. Dự kiến, bệnh hô hấp có thể kéo dài đến cuối năm.
Bệnh nhi đang được điều trị tại phòng cấp cứu, Khoa Hô hấp 1 Bệnh viện Nhi Đồng 2
Đang chăm con tại phòng cấp cứu của Khoa Hô hấp 1, Bệnh viện Nhi Đồng 2, chị Nguyễn Thị Hồng (ở tỉnh Đồng Nai) cho biết con chị là bé T.K.M. (5 tuổi) nhập viện đã 2 ngày nhưng tình trạng viêm phổi, hen suyễn vẫn chưa cải thiện. Bé được thở ô xy râu, phun khí dung hỗ trợ điều trị. Cách lúc nhập viện 1 tuần, bé M. bị sổ mũi, ho khan. Nghĩ con bị cảm do trời chuyển lạnh nên chị lấy thuốc của bé còn dư từ đợt cảm trước cho uống. Sau khi uống thuốc, bé M. bớt sổ mũi nhưng ho đàm nhiều, chị tiếp tục mua thuốc cho con uống. Tuy nhiên, bệnh của bé M. đột ngột nặng hơn. Thấy vậy, chị Hồng vội đưa con vào bệnh viện địa phương. “Bác sĩ nói con tôi bị viêm phổi cấp, tràn dịch màng phổi, phải chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng 2 cấp cứu” - chị Hồng kể.
Bé N.T.N. (3 tuổi, ở tỉnh Long An) cũng đang phải nhập viện điều trị. Bà ngoại của bé cho biết do cha mẹ đi làm công nhân ở tỉnh Bình Dương nên bé được bà chăm sóc. Tháng trước, gần nhà có nhiều trẻ nóng sốt, viêm phổi phải nhập viện nên bà chăm bé rất cẩn thận. Không ngờ, bé cũng bị viêm phổi. Bà chia sẻ: “Có thể do cháu tôi bị sinh non, sức khỏe yếu. Cứ mỗi khi chuyển mùa là khò khè, nóng sốt. Mấy tháng trước mưa nhiều, cháu đã bị viêm phế quản phải vào bệnh viện tỉnh 1 lần. Không ngờ mới ra viện lại bị viêm phổi tiếp. Lần này, bệnh viện tỉnh nói cháu tôi bị nặng, phải chuyển đi Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố. Qua 4 ngày điều trị, cháu tôi cũng đỡ nhiều rồi”.
Số lượng bệnh nhi đang tiếp tục tăng
Theo Bệnh viện Nhi Đồng 2, số lượng bệnh nhi mắc các bệnh liên quan về hô hấp đang tăng nhanh. Riêng tại Khoa Hô hấp 1 có hơn 200 bệnh nhi đang điều trị, tăng 30 - 40% so với thời gian trước. Bệnh nhi mắc các bệnh như viêm đường hô hấp trên, cảm cúm, viêm phổi, viêm tiểu phế quản… Trong đó, khoảng hơn 20 bệnh nhi có diễn tiến nặng phải nằm phòng cấp cứu của khoa.
Riêng về bệnh hô hấp, bác sĩ Nguyễn Hoàng Phong cho biết trẻ được đưa đến khám, nhập viện có rất nhiều tình huống khác nhau. Điều đáng lưu ý ở những trẻ bệnh nặng là người lớn chủ quan, không đưa đi khám bệnh mà tự mua thuốc cho trẻ uống, dùng thuốc cũ từ đợt bệnh trước… Cũng có trẻ được cha mẹ đưa đi bác sĩ nhưng điều trị không tới, bỏ ngang thuốc khi thấy con khỏe hơn, đến lúc trẻ trở nặng, đưa đến bệnh viện thì đã trễ. Một khi trẻ vào đợt bệnh nặng như viêm phổi, tràn dịch phổi, suy hô hấp phải thở ô xy, thở máy…, việc điều trị trở nên phức tạp và kéo dài.
Ở Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố, trong tháng qua có trên dưới 5.000 trẻ đến khám các bệnh lý liên quan đường hô hấp, khoảng 8% trẻ chuyển nặng có biến chứng khó thở, thở rút lõm ngực, thở nhanh, tím tái… phải nhập viện điều trị.
Các bác sĩ lưu ý, để phòng ngừa các bệnh liên quan đường hô hấp, cha mẹ nên theo dõi lịch tiêm ngừa, đảm bảo tiêm đầy đủ cho trẻ. Trẻ cần được bổ sung nước, chế độ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, nhiều rau xanh, nước trái cây để tăng sức đề kháng. Bên cạnh đó cần đảm bảo môi trường sống sạch sẽ, thoáng mát, thông khí tốt. Khi ra ngoài đi chơi, đi học nên giữ ấm kỹ, cho trẻ mang khẩu trang, hạn chế đi đến nơi có nhiều bụi bẩn, khói thuốc lá. Thường xuyên nhắc nhở trẻ vệ sinh tay, mũi họng bằng dung dịch nước muối sinh lý.
Khi trẻ có biểu hiện ho, hắt hơi, sổ mũi… mặc dù không nóng sốt cũng nên đưa trẻ đến bác sĩ chuyên khoa để khám bệnh, tư vấn cách theo dõi sức khỏe, tránh bệnh diễn tiến nặng. Trường hợp trẻ có một trong các triệu chứng tăng nặng như sốt cao khó hạ, co giật, bỏ ăn, ho nhiều, khò khè, khó thở… cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay.
Tránh gây quá tải cho các bệnh viện tuyến cuối Theo Sở Y tế TPHCM, từ nhiều năm qua, một trong những bệnh lý nặng phổ biến ở trẻ em mà 3 bệnh viện nhi đồng tại thành phố tiếp nhận điều trị là bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp nặng (bệnh nhi ở thành phố và các tỉnh thành phía Nam). Lúc này, bệnh nhi cần phải được hồi sức hô hấp và điều trị chuyên sâu rất phức tạp. Đây là bệnh gia tăng theo chu kỳ vào những tháng cuối năm.
Trước tình hình bệnh đang tăng nhanh, Sở Y tế TPHCM đã chỉ đạo các bệnh viện chuyên khoa nhi và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM tổ chức giao ban trực tuyến công tác phòng, chống dịch với các bệnh viện đa khoa, bệnh viện chuyên khoa nhi thuộc các tỉnh phía Nam về các bệnh đang lưu hành (bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết, nhất là bệnh nhiễm khuẩn hô hấp cấp như viêm phổi, viêm tiểu phế quản) có dấu hiệu gia tăng.
Các bác sĩ tại 3 bệnh viện nhi và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới cũng cho biết hiện số ca trẻ em bị nhiễm khuẩn hô hấp tại các tỉnh, thành khu vực phía Nam tiếp tục tăng so với các tháng trước đó. Đây là hiện tượng tăng theo chu kỳ vào những tháng cuối năm.
Về tác nhân gây bệnh, hiện chưa ghi nhận tác nhân nào nổi trội bất thường, đa số là các tác nhân thông thường gây nhiễm khuẩn hô hấp ở trẻ em như cúm mùa, vi rút Adeno, RSV, vi khuẩn…
Điều đáng lo nhất là khi số ca mắc tăng khả năng sẽ kéo theo số ca nặng và số tử vong sẽ tăng nếu thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa các tuyến. Do đó, các bác sĩ mong muốn chia sẻ kinh nghiệm chẩn đoán, thống nhất phác đồ điều trị theo hướng dẫn của Bộ Y tế nhằm tránh gây quá tải cho các bệnh viện tuyến cuối của thành phố.
Nhiều trường hợp người trẻ gặp chấn thương, đột tử khi chơi thể dục thể thao quá mức, thường do các bệnh tim cấu trúc, hay rối loạn nhịp mà không biết.
Sống, làm việc trong môi trường nhịp độ nhanh, kích động cảm xúc quá mức là nguyên nhân chính khiến cơ thể bị mất cân bằng âm dương, hao tổn tinh khí...