Ngày 4/3, khoa Cấp cứu & Hồi sức tích cực chống độc trẻ em, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM có đến 4 trẻ bị viêm phổi, viêm màng não mủ nằm điều trị do phế cầu khuẩn (Streptococcus pneumoniae); trong khi có những tháng không có bệnh này.
Tưởng mắc bệnh do nắng nóng
Các bé này chủ yếu dưới 5 tuổi, đến từ các tỉnh thành phía Nam như TP.HCM, Long An, An Giang, Cà Mau.
Nằm ở phòng cách ly, bé gái Nguyễn Thị Ngọc V. (mới 2 tuổi, nhà ở Long An) bị viêm phổi nặng do phế cầu khuẩn. Trước khi nhập viện, bé có triệu chứng sốt cao, ho, đau đầu nên người nhà nghĩ mắc bệnh hô hấp thông thường do nắng nóng.
Đến ngày thứ 3, khi thấy bé thở nhanh, mệt nên gia đình đưa vào cấp cứu. Kết quả chụp X-quang cho thấy bệnh nhi viêm phổi nặng, xét nghiệm ghi nhận nhiễm phế cầu khuẩn. Mẹ bé cho biết, bé chưa được chích ngừa vắc xin phế cầu khuẩn.
Ở giường bệnh số 12, bé gái Phạm Yến N. (hơn 3 tuổi, tỉnh Cà Mau) đang dùng máy thở điều trị suy hô hấp do bị cùng lúc 2 bệnh viêm phổi nặng do phế cầu và viêm não Nhật Bản.
Bác sĩ Phan Tứ Quý, Trưởng khoa Cấp cứu & Hồi sức tích cực chống độc trẻ em, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM cảnh báo, phế cầu khuẩn gây bệnh ở mọi lứa tuổi, dù là trẻ em hay người lớn. Riêng số trẻ nhập viện hiện tại chủ yếu là trẻ dưới 5 tuổi và đều chưa chích ngừa vắc xin phế cầu khuẩn Streptococcus pneumoniae.
Cũng theo bác sĩ Quý, có từ 7% - 10% trẻ nhiễm phế cầu khuẩn tử vong do viêm phổi nặng dẫn đến suy hô hấp, nhiễm trùng máu, viêm màng não...
Bệnh viêm màng não lây đơn giản qua đường hô hấp. Trẻ mắc bệnh ban đầu chỉ có biểu hiện ho, sổ mũi, sốt cao. |
Riêng trẻ bị viêm màng não do phế cầu khuẩn, số ca tử vong chiếm gần 1/3. Và 1/3 trẻ viêm màng não còn sống sẽ bị di chứng như: điếc, liệt chân tay, động kinh, rối loạn nhận thức, ít nhận biết.
Đặc biệt, hiện đang mùa nắng nóng, trẻ bị sốt cao, sổ mũi, nôn ói… do phế cầu khuẩn dễ nhầm với các bệnh hô hấp thông thường. Do đó, trẻ có bất cứ biểu hiện nào về hô hấp, cha mẹ nên đưa đến ngay các bệnh viện chuyên khoa có thể sớm phát hiện bệnh do phế cầu gây ra để điều trị kịp thời.
Tùy vào vị trí tấn công, phế cầu gây viêm phổi hay viêm màng não mủ. Trẻ tổn thương phổi sẽ có biểu hiện khó thở, thở nhanh, suy hô hấp, còn viêm màng não mủ thường sốt cao, nhức đầu, nôn ói, đau nhức sau gáy, nặng gây rối loạn trị giác.
Hết sạch vắc xin Pneumo 23
Nhiều ngày nay, các cơ sở tiêm chủng lớn tại TP.HCM như Viện Pasteur, Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng 2 đều thông báo hết vắc xin Pneumo 23 ngừa phế cầu cho trẻ từ 5 tuổi trở lên. Loại vắc xin này của hãng Sanofi Pasteur.
Ngay tại các cơ sở y tế công lập, giá vắc xin Synflorix cũng dao động từ 815.000 – 890.000/mũi tiêm. |
Riêng trẻ từ 6 tuần – 5 tuổi, chỉ có loại vắc xin Synflorix của hãng GlaxoSmithKline (GSK).
Chị Đỗ Thanh Lan (27 tuổi, quận Thủ Đức) chở 2 con gái (một bé 2 tuổi và bé 8 tuổi) đến chích vắc xin ngừa viêm phổi, viêm tai giữa... do phế cầu thì được thông báo chỉ chích ngừa được cho bé 2 tuổi.
Bác sĩ tư vấn, vắc xin Pneumo 23 ngừa được 23 typ huyết thanh của phế cầu khuẩn Streptococcus pneumoniae đứt hàng 2 năm nay, trong khi loại Synflorix chỉ ngừa được 10 typ huyết thanh và dành cho trẻ nhỏ.
|
Viện Pasteur TP.HCM thông báo hết vắc xin Pneumo 23 cho trẻ lớn |
Bác sĩ chuyên khoa 2 Phạm Lê Thanh Bình, Trưởng khoa Trẻ em lành mạnh, Bệnh viện Nhi đồng 2 khuyến cáo, vắc xin phế cầu cho trẻ trên 5 tuổi không còn, các bà mẹ không nên yêu cầu bác sĩ, phòng khám tư chích cho trẻ lớn. Bởi mỗi loại vắc xin trước khi tung ra thị trường đã nghiên cứu trên chủng người, nhóm tuổi nên không thể chích bừa bãi.
Trao đổi với phóng viên báo Phụ Nữ TP.HCM, đại diện Sanofi Pasteur tại Việt Nam cho biết, vắc xin Pneumo 23 đã ngưng sản xuất trên toàn thế giới, chứ không chỉ ở Việt Nam. Hãng cũng đã ngưng cung ứng về Việt Nam cách đây 2 năm. Tuy nhiên, đơn vị này không cho biết lý do tại sao.
|
Một bà mẹ đang tham khảo giá vắc xin tại Bệnh viện Nhi đồng 2 |
Một chuyên gia nghiên cứu vắc xin tư vấn: Trước đây, để sản xuất vắc xin Pneumo 23, nhà sản xuất dùng công nghệ polysaccharide tạo nên kháng nguyên từ những vỏ phốt pho lipid của phế cầu khuẩn. Loại vắc xin này có ưu việt là ngừa đến 23 typ huyết thanh của phế cầu khuẩn nhưng lại không đáp ứng hiệu quả cho trẻ dưới 1 tuổi.
Do đó, sau này khi nhà khoa học tạo ra hình thức gắn thêm công nghệ protein men vào polysaccharide thì tạo ra loại vắc xin mới, chích được cho trẻ từ 6 tuần – 5 tuổi. Tuy nhiên loại này chỉ ngừa được 10 typ huyết thanh gây bệnh của phế cầu khuẩn.
|
Phế cầu khuẩn Streptococcus pneumoniae |
Bác sĩ Phan Tứ Quý cho rằng, chi phí chích vắc xin chỉ khoảng 1 triệu đồng, trong khi trẻ mắc bệnh kinh phí điều trị mỗi ngày từ 300.000 – 1 triệu đồng/ngày và bệnh kéo dài từ 7 – 30 ngày nằm viện. Nguyên nhân do bệnh phế cầu khuẩn gây ra phức tạp, nguy cơ kháng thuốc cao...
Ngành y tế sớm đưa loại vắc xin này vào chương trình tiêm chủng mở rộng, chích ngừa miễn phí cho trẻ như loại vắc xin ngừa viêm màng phổi, viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib từng "làm mưa làm gió" như trước đây.
Thanh Toàn