|
Trẻ bú mẹ có sự phát triển tốt về tình cảm, tâm sinh lý. Những cái nhìn, tay ôm của bé khi sờ vào da thịt, bầu vú của mẹ mang đến cảm giác ấm áp và được yêu thương mà trẻ bú bình không có được |
Nhiều người mẹ sẵn sàng cho con bú bình thay vì bú mẹ do nhiều yếu tố gây khó khăn cản trở, trong đó, nhân viên y tế không đủ kiên trì và nhiệt tình để hướng dẫn bà mẹ nuôi con bằng chính nguồn sữa của mình.
Đầy rủi ro từ những lần thông tắc
Một buổi chiều mưa lớn, thạc sĩ điều dưỡng Trần Thị Sáng (Trung tâm CMI Việt Nam) nhận được cuộc điện thoại cầu cứu của một người mẹ vừa sinh con được vài ngày đang cần thông tắc tia sữa. Dù đã 70 tuổi, bà Sáng vẫn vội vã băng qua màn mưa, đến giúp người mẹ ấy. Đến nhà, nhìn bầu ngực của sản phụ, bà xót xa.
Bầu ngực sưng to, áp-xe, chảy mủ, sữa không ra và mẹ không dám cho con bú. Người mẹ ấy vừa kể vừa mếu máo: “Con bị tắc tia sữa, nhờ công ty dịch vụ chăm sóc sau sinh đến thông tắc tia sữa, nắn bóp, nhào nặn mãi sữa không ra. Nhân viên ấy đã dùng kim khâu chọc vào đầu vú làm chảy máu và đau đớn”. Sau khám, bà Sáng đã yêu cầu sản phụ đến gặp bác sĩ để được kê đơn, dùng thuốc điều trị áp-xe, nhiễm trùng tuyến vú, sau đó mới quay trở lại để bà Sáng thông tuyến sữa và cho con bú.
Gần đây, bà Sáng gặp rất nhiều ca thông tắc sữa cho bà mẹ sau sinh bằng việc dùng kim chọc vào đầu ti gây nhiễm trùng, áp-xe, chảy mủ bầu ngực, khiến bà mẹ đau đớn và ám ảnh không dám cho con bú. Nhiều người ở các công ty dịch vụ massage, spa kiêm luôn dịch vụ chăm sóc sau sinh đã thực hiện biện pháp này một cách thiếu hiểu biết gây nhiều hậu quả xấu. Đặc biệt trong đó có những bà mẹ đã từng nâng ngực bằng silicon mà nhân viên thông tuyến sữa vẫn vô tư dùng kim chọc vào bầu ngực.
Nhiều cơ sở còn quảng cáo thông tắc tia sữa bằng phương pháp chiếu đèn hồng ngoại để làm nóng bầu ngực. Kết quả, chẳng những sữa không thông, con không có sữa mẹ để bú mà bầu ngực của mẹ còn bị phỏng, phải đi cấp cứu.
Con không được ngậm vú mẹ
Thạc sĩ điều dưỡng Trần Thị Sáng cho biết gần đây bà đã nhận hơn chục ca thông tắc sữa vì sử dụng máy hút sữa. Đây là xu hướng chung của nhiều bà mẹ trẻ hiện nay, dù cho con bú sữa mẹ nhưng lại không bao giờ cho bé ngậm vào bầu vú của mình mà dùng máy hút sữa ra bình cho con bú, dẫn đến nhiều trường hợp bị tắc nghẹt sữa, phải dùng biện pháp thông
tuyến sữa.
Theo kinh nghiệm điều trị hơn 40 năm nay của bà Sáng, việc hút sữa ra cho bé bú sẽ khiến cơ chế của bầu ngực không kích sữa như bình thường bởi lực hút của máy theo cơ chế nhân tạo, còn lực hút của bé theo cơ chế tự nhiên. Khi trẻ ngậm vú mẹ và hút theo từng hồi, sữa sẽ chảy về như một dòng suối tự nhiên, kích thích não làm việc và phát triển trí não.
Còn khi dùng máy hút, sữa sẽ đẩy ra từng hồi mạnh, không đợi sữa về nên không ra hết sữa, ứ ngày này qua ngày khác gây tắc sữa. Nhiều bà mẹ dùng máy hút quá độ (8-10 lần/ngày) gây tổn thương ngực và nhiễm trùng ngược dòng theo tuyến sữa vào gây thuyên tắc.
Thực tế cho thấy các bà mẹ dù quyết tâm nuôi con bằng sữa mẹ nhưng trên con đường thực hiện thường vấp nhiều yếu tố rào cản như: niềm tin, bạn bè, phong tục tập quán hai bên gia đình hoặc các bệnh lý khác: bà mẹ liên tục bị tắc sữa nhưng chọn không đúng thầy thuốc nên chữa không khỏi, đau đớn, bị áp-xe. Sau đó, gia đình, bạn bè đều khuyên ngưng cho con bú.
Nhân viên y tế đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc giúp các bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ. Nhiều bệnh viện đỡ đẻ thành công nhưng dịch vụ chăm sóc sản phụ sau sinh kém. Thay vì hướng dẫn bà mẹ cho con bú sau khi sinh, để con được da kề da mẹ, được bú nguồn sữa non bổ dưỡng nhất từ mẹ, hộ lý điều dưỡng thường sờ nắn rồi kết luận rằng mẹ chưa có sữa và lập tức đi pha sữa mang đến cho bé bú.
Nhiều phụ nữ nước ngoài sinh sống tại Việt Nam, khi sắp sinh con đã gửi email đến Trung tâm CMI Việt Nam yêu cầu một nữ hộ sinh đồng hành với họ trước, trong và sau khi sinh. Trước sinh, họ cần tư vấn về tiền sản, trong khi sinh cần sự hướng dẫn và thực hành nuôi con bằng sữa mẹ và sau sinh là chăm sóc em bé. Nhiều bà mẹ mặc dù đi làm cả ngày nhưng vẫn kiên trì theo sự hướng dẫn và tư vấn nuôi con bằng sữa mẹ đến hơn hai tuổi…
Ở Việt Nam, đặc biệt là ở các thành phố lớn, hiện nay, rào cản lớn nhất khiến bé không được bú mẹ lâu dài là các bà mẹ tham gia các hoạt động xã hội rất nhiều, luôn bận rộn, căng thẳng. Nhiều bà mẹ không đủ kiên trì, không có niềm tin, hay kêu than cho con bú “mất thời gian”. Thêm vào đó, tâm lý sợ em bé quen hơi “bám mẹ” càng khiến các bà mẹ chọn giải pháp hút sữa ra cho con bú.
Để nâng cao tinh thần nuôi con bằng sữa mẹ, các cơ sở y tế cần bổ sung kiến thức cho các bà mẹ chuẩn bị mang thai và gia đình có niềm tin vào việc nuôi con bằng sữa mẹ. Nhân viên y tế, nữ hộ sinh, điều dưỡng cần tạo niềm tin và gần gũi với các bà mẹ, giúp đỡ họ nuôi con bằng sữa mẹ thành công thông qua các lớp học tiền sản. Các bệnh viện nên thành lập nhóm tư vấn nuôi con bằng sữa mẹ. Đặc biệt, bà mẹ thương con sẽ quyết tâm bằng mọi giá để kéo dài thời gian cho con bú mẹ. n
Không có chuyên môn cũng thông tắc sữa
Hiện nay, do nhu cầu thông tắc tia sữa khá cao nên trên thị trường ngày càng nở rộ dịch vụ thông tắc tia sữa cùng dịch vụ chăm sóc mẹ và bé sau sinh. Chỉ cần gõ cụm từ “dịch vụ thông tắc tia sữa”, google sẽ cho ra 8.800 kết quả trong 50 giây. Dịch vụ này không chỉ xuất phát từ các điều dưỡng, nữ hộ sinh bệnh viện mà còn từ rất nhiều công ty, cơ sở lớn nhỏ là các spa chuyên massage trên thị trường, không có tay nghề, chuyên môn về sinh sản, hậu sản chăm sóc bà mẹ và em bé. Dịch vụ này thường kèm theo các dịch vụ khác thành một gói dịch vụ bao gồm: tắm bé, massage mẹ và bé, xông hơ lá trầu, xông hơ mẹ, chăm sóc da cho mẹ sau sinh, với giá từ 350.000 đồng - trên 1 triệu đồng/lần.
Nhiều nhân viên chăm sóc mẹ và bé không có bằng cấp chuyên môn, được các cơ sở massage, spa, cơ sở chăm sóc sức khỏe mẹ và bé tuyển dụng vào đào tạo khoảng một tuần là có thể “hành nghề” tắm bé; thậm chí có nhân viên chỉ học xoa bóp, bấm huyệt ba tháng cũng bắt tay làm những dịch vụ này.
Do vậy, khi gặp bà mẹ tắc sữa, nhiều ca điều trị không thành công hoặc đưa ra những phương pháp trị liệu phản khoa học như châm kim vào đầu ti mẹ gây chảy máu, nhiễm trùng vú, nhiễm khuẩn bầu sữa hay chiếu đèn hồng ngoại gây phỏng. Điều này không chỉ gây gián đoạn việc cho con bú mẹ, ảnh hưởng đến sức khỏe và thẩm mỹ của mẹ mà còn gây chấn động lớn đến tâm lý của cả mẹ và con khi phải cai sữa đột ngột, bị động.
Điều dưỡng Trần Thị Sáng đề xuất, sau thời gian nghỉ hậu sản sáu tháng, các bà mẹ đi làm trở lại, các công ty nên có một phòng nhỏ để bà mẹ có thể vào đó vắt sữa, bảo quản sữa trong tủ lạnh, cuối ngày mang về cho con bú.
Hoàng Nhung