Nhiều trẻ sốt xuất huyết nặng do chậm vào viện vì cha mẹ ngại dịch

14/07/2021 - 07:33

PNO - Nhiều trẻ mắc sốt xuất huyết diễn tiến nặng rơi vào sốc sốt xuất huyết phải truyền dịch, hỗ trợ thở ô-xy, truyền máu… mới qua nguy kịch. Điều tra bệnh sử phát hiện phụ huynh sợ lây bệnh COVID-19 nên để trẻ ở nhà theo dõi, vì nghĩ con mình chỉ cảm sốt thông thường.

Trẻ được đưa đến bệnh viện trễ do cha mẹ sợ dịch

Trước tình hình dịch COVID-19 diễn tiến phức tạp tại TPHCM, nhiều cha mẹ ngại đưa con đến bệnh viện khám vì sợ lây nhiễm. Khi trẻ nóng, sốt các mẹ thường túc trực chăm sóc, tìm cách hạ sốt hoặc tự ra tiệm thuốc mua thuốc điều trị cho trẻ. Không ngờ, trẻ bệnh ngày càng nặng, khi đưa đến bệnh viện đã vào giai đoạn sốc sốt xuất huyết, bác sĩ phải hồi sức tích cực liên tục để cứu bệnh nhi.

Ngồi ở phòng đợi bệnh, chị Nguyễn Thị Kim Hồng (32 tuổi, H.Cần Đước, tỉnh Long An) thẫn thờ mở điện thoại nhìn hình con trai bảy tháng tuổi của mình. Chị hối hận vì đưa con vào bệnh viện quá trễ. Cầm con gấu nhồi bông nhỏ xíu màu đỏ tươi, chị Hồng nói: “Con trai tôi thích con gấu này lắm, tôi mới nhờ người nhà gửi vào bệnh viện, đợi đến giờ thăm, tôi mang vào cho con. Bé nằm ở Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, thở máy rồi, cứ mê man, thương quá!”.

Nhớ lại ngày đưa con vào Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố cấp cứu, chị Hồng cứ gọi tên con, bé lịm dần. Bé sốt ở nhà bốn ngày, sốt cao liên tục, quấy khóc dù chị có lau mát, cho uống thuốc. Sau đó, bé đi tiêu phân lỏng, ho, ói, bỏ bú… Hoảng hốt, chị gọi người thân chở con thẳng từ Long An đến bệnh viện cấp cứu.

Các bác sĩ lập tức bù dịch, truyền kháng sinh, hỗ trợ thở ô-xy… rồi đưa bé vào Khoa Cấp cứu hồi sức tiếp tục giành lại tính mạng cho bé. May mắn, sau nhiều tiếng đồng hồ cấp cứu, mạch, huyết áp của bé trở lại bình thường. Hiện, các bác sĩ vẫn đang theo dõi sát bởi có thể bé bị tổn thương chức năng gan, thận.

Còn bé P.L.B.L. (sáu tháng tuổi, ở TPHCM) được đưa đến Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cấp cứu khi đã sốt xuất huyết nhiều ngày, rơi vào sốc với mạch đập nhanh, huyết áp không ổn định, ói ra máu, đi tiêu phân đen… tiên lượng nặng, có thể tử vong bất kỳ lúc nào. Ê-kíp bác sĩ cấp cứu buộc phải vừa cấp cứu vừa thực hiện xét nghiệm cho bé. Kết quả xét nghiệm cho thấy bé L. có tình trạng co đặc máu, tiểu cầu giảm, tổn thương gan nặng, rối loạn đông máu… phải khẩn cấp truyền dịch chống sốc, hỗ trợ thở ô-xy, truyền máu để cứu bé.

Vừa cấp cứu cho bé L. xong, ê-kíp bác sĩ lại giành giật mạng sống cho bé L.A.K. (bảy tháng tuổi, ở H.Bình Chánh) trong tình trạng ói ra máu, hạ đường huyết, rối loạn đông máu, sốc sốt xuất huyết kéo dài, tràn dịch màng phổi, màng bụng, suy hô hấp nặng, tổn thương gan thận nặng… buộc bác sĩ phải đặt nội khí quản cho bé thở máy, chọc dò giải áp dẫn lưu dịch màng bụng, chống phù não… mới cứu được bé. 

Bé bảy tháng tuổi mắc sốt xuất huyết nặng, nổi hồng ban
Bé bảy tháng tuổi mắc sốt xuất huyết nặng, nổi hồng ban

Đừng quá lo ngại dịch mà bỏ qua việc khám bệnh 

Theo bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, số lượng trẻ mắc sốt xuất huyết nặng, vào giai đoạn sốc đang tăng nhẹ. Tuy nhiên, khi các bé được cha mẹ đưa đến, đa số đã rất nặng, nguy cơ tử vong cao. Hầu hết các bé mắc sốt xuất huyết nặng ở độ tuổi nhũ nhi. Điều tra bệnh sử cho thấy, nhiều phụ huynh sợ lây bệnh COVID-19 nên thường để trẻ ở nhà theo dõi, vì nghĩ con mình cảm sốt thông thường, suy nghĩ này rất nguy hiểm.

Điển hình, trong tuần vừa qua, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố liên tiếp cấp cứu ba trường hợp trẻ nhũ nhi từ 6 - 11 tháng tuổi, sốc sốt xuất huyết tưởng chừng không qua khỏi. Các bé đều bị sốc sốt xuất huyết sâu, suy gan thận, tràn dịch, xuất huyết mũi miệng, xuất huyết tiêu hóa… và phải thở máy, hỗ trợ thở ô-xy trong nhiều ngày liền. Có trẻ sốt xuất huyết kèm theo bệnh lý khác.

Hiện tại, Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc của bệnh viện có 17 bé mắc sốt xuất huyết nặng cần phải theo dõi sát, trong đó có bốn bé rất nặng phải thở máy. Ở các khoa điều trị khác, trẻ mắc sốt xuất huyết nằm rải rác khoảng 15 bé.

Tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 TPHCM, tình trạng bệnh nhi mắc sốt xuất huyết nặng được chuyển đến bệnh viện cũng tăng nhẹ. Đa số trẻ được chuyển thẳng đến Khoa Cấp cứu, bác sĩ luôn trong tình trạng vừa lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 sàng lọc bệnh, vừa hồi sức khẩn cấp cho các bé. Có trẻ phải thở máy nhiều ngày liền. Có trẻ vừa đưa đến bệnh viện liền rơi vào sốc sốt xuất huyết, bác sĩ buộc phải xử trí cấp cứu như một ca COVID-19, bởi không thể chờ xét nghiệm sàng lọc bệnh. 

Bác sĩ Trần Quỳnh Hương, Trưởng khoa Hô hấp 2 Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM, cho biết: hiện tại, thành phố tuy nắng nóng nhưng cũng có nhiều cơn mưa rào, giai đoạn này được xem là mùa của sốt xuất huyết. Ở các bệnh viện, việc sàng lọc, phòng tránh COVID-19 cũng đang được thực hiện nghiêm ngặt.

Ngoài sàng lọc bệnh, tất cả người nuôi bệnh, bệnh nhi đều phải xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính khi có chỉ định nhập viện. Nếu phụ huynh quá lo lắng có thể làm trẻ trễ mất thời gian khám và chẩn đoán bệnh để điều trị kịp thời. Điển hình, ngoài sốt xuất huyết, có số ít bé mắc tay chân miệng nặng, co giật cũng được đưa đến bệnh viện. 

Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến khuyến cáo, sốt xuất huyết, nhất là ở trẻ nhũ nhi, nhiều phụ huynh có thể nhầm lẫn với bệnh lý đường hô hấp, tiêu hóa, vì trẻ có thể kèm theo triệu chứng của bệnh khác như nôn ói, tiêu chảy hay ho sổ mũi… nên cha mẹ đặc biệt lưu ý, nếu không trẻ có thể rơi vào sốc sốt xuất huyết, trở nặng rất nhanh.

Vì vậy, khi phát hiện các dấu hiệu sốt ở con, đặc biệt sốt cao trên hai ngày không hạ, có một trong các biểu hiện: quấy khóc, bứt rứt, lăn trở khó chịu hoặc li bì, đau bụng, chảy máu cam, máu răng hoặc ói ra máu, tiêu phân đen, tay chân lạnh, nằm một chỗ không chơi, bỏ bú, bỏ ăn uống… phải lập tức đưa con đến cơ sở y tế gần nhất để kịp thời cứu chữa.

“Hiện tại, tất cả các bệnh viện nhi tại TPHCM đều có khu sàng lọc COVID-19, ê-kíp bác sĩ cũng rất cố gắng đảm bảo an toàn trong bệnh viện. Vì vậy, cha mẹ không nên lo lắng về dịch bệnh mà kéo dài thời gian điều trị của con mình, rất nguy hiểm”, bác sĩ Nguyễn Minh Tiến khẳng định. 

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI