Dạo gần đây tôi phát hiện đứa con ba tuổi của mình thường xuyên nói dối. Bé làm gãy tay của búp bê nhưng lại nói “tự nó bị vậy”; chơi trò trồng cây, bé mang đất vào rải khắp phòng khách nhưng lại nói "bà ngoại làm đấy"… Cấp độ nói dối của bé ngày càng tăng khi có khách đến nhà tìm tôi, bé đáp rất rõ ràng: “Mẹ con đi chợ rồi”, dù lúc ấy là buổi tối.
Có lần bé còn bịa ra cả một câu chuyện để che giấu việc mình cắn bạn trong lớp, với lý do bạn giành đồ chơi và tát con, nhưng thực tế không phải vậy. Mỗi lần thấy con trả lời điều gì mà mắt chớp chớp nhìn đi nơi khác, hay hai tay vặn xoắn vào nhau là tôi biết bé không thành thật. Bực mình, tôi mắng, thậm chí cho bé vài roi, nhưng cháu cứ lỳ ra. Cứ đà này, lớn lên không biết sẽ ra sao.
Thanh Nguyệt (đường Phan Huy Ích, Q.Gò Vấp)
|
Ảnh mang tính chất minh họa. Shutterstock |
Chị Song Nga (P.9, Q.Bình Tân): Đừng bắt lỗi, nêu cao giá trị của sự chân thật
Sao chị không tìm hiểu lý do con gái chị nói dối, mà chỉ la mắng và dùng đòn roi? Chị thất vọng vì thấy con mình không ngoan, nhưng thực ra, bé chưa phân biệt được nói dối là việc xấu, mà đơn giản chỉ vì sợ bị mắng hoặc muốn chứng tỏ mình quan trọng nên bịa chuyện.
Tôi luôn cố gắng bình tĩnh khi đứa con trai bốn tuổi tìm cách chối quanh. Cháu rất hiếu động nên ngày nào cũng gây ra chuyện. Tôi không buộc tội, quy kết lỗi để tránh việc cháu sợ mà tìm cách nói dối, che đậy cái sai của mình. Có lần cháu chạy chơi làm vỡ bình hoa cổ mà ông nội rất quý. Sợ xanh mặt và lo bị đánh đòn, cháu chạy vào bếp níu áo tôi méc: “Mẹ ơi, con miu hư quá, nó nhảy lên tủ rồi phóng xuống làm vỡ cái bình của nội rồi”. Tôi biết con trai nói dối vì trong lúc tôi làm bếp, con mèo đang nằm cuộn mình ngủ dưới gầm bàn ăn.
Tôi bỏ bếp, đi lên phòng khách, vừa thu lượm mảnh vỡ, vừa tỉ tê nói với con trai: “Cái bình này của một người bạn tặng cho nội con, ông quý lắm nên ngày nào cũng lau chùi bóng loáng. Nhưng mẹ biết nội sẽ không buồn việc cái bình bị vỡ bằng việc người nào làm vỡ lại đổ lỗi cho con miu. Chuyện sơ sẩy có thể xảy ra với bất cứ ai, quan trọng là phải thật thà con ạ”. Thằng bé không nói gì nhưng tỏ ra suy nghĩ lung lắm. Đến tối thì chính cháu đã vòng tay xin lỗi ông nội và thỏ thẻ “mẹ đừng giận Bim vì đã nói dối nhé”.
Chị Trần Ngọc Lam (đường Kha Vạn Cân, Q.Thủ Đức): Đừng chỉ trích mà tìm giải pháp, xây dựng lòng tin
Tôi từng rơi vào cảnh rối ren như chị khi đứa con gái sáu tuổi nói dối “nhem nhẻm”. Cháu rất thích ăn ngọt nhưng lại thừa cân nên tôi cấm con ăn đồ ngọt. Dù vậy, bé vẫn lén ăn vụng sô cô la và chối phăng mình không là thủ phạm dù miệng còn dính kẹo. Đi vệ sinh thì bé quên giật nước nhưng nhất định cho rằng “từ sáng giờ con không vào toa-lét”…
Ban đầu tôi giận lắm, mắng cháu mấy lần, nhưng chồng tôi bảo “em làm thế chỉ khiến con sợ, nói dối thêm”. Vậy là tôi đổi phương pháp: “Mẹ biết con thèm ăn kẹo lắm nhưng vì đó là điều không nên, do vậy con phải nói dối”, “Chắc con vội quá nên quên giật nước phải không? Lần sau con nán lại một chút, làm xong việc rồi hẵng ra ngoài”, “Mẹ tin là con không cố ý như vậy”… Từ đó, bé dần hiểu rằng mắc lỗi là việc ai cũng có thể gặp phải, nhưng sẽ không gặp rắc rối nếu biết nhận lỗi và sửa chữa. Thấy được tin tưởng, bé cũng cố gắng để xứng đáng với điều đó.
Mi Hân (thực hiện)
Nêu gương và thể hiện tình thương
Nhiều trẻ nói dối vì chính cha mẹ là người bắt đầu việc ấy: “Nếu bác Bảy đến tìm ba, con nói là ba đi vắng rồi nhé” (trong khi thực tế là ba đang mải chơi game); “Con và ba đi thăm nội nha, nói với nội, mẹ bị cảm cúm nên không đến được” (thực tế là bạn có hẹn đi mua sắm với bạn bè); “Chích ngừa không đau đâu, con đừng sợ” (thực tế với bé, đó là điều khủng khiếp)…
Bạn nghĩ rằng đó là những lời nói vô bổ, không hại ai, nhưng bạn đã dạy bé sự thiếu trung thực, trẻ sẽ học cách né tránh, nói dối khi sự việc liên quan đến bé. Khi trẻ phạm lỗi, bạn trừng phạt bé, la mắng thô bạo sẽ khiến trẻ hoảng sợ, nghĩ rằng cha mẹ ghét bỏ mình. Lần phạm lỗi sau, trẻ sẽ tìm cách che giấu bằng việc nói dối, đổ tội cho người khác.
Nên nhắc nhở và sử dụng hình phạt nhẹ nhàng để bé nhận ra sai lầm. Khen ngợi khi bé nói thật, nhận lỗi. Cho trẻ biết dù con có phạm lỗi thì cha mẹ vẫn tha thứ và yêu thương. Bạn cũng nên đưa ra những tình huống cụ thể và dạy trẻ cách ứng xử phù hợp.
Chẳng hạn bé thích ăn sô cô la, hãy xin phép bố mẹ. Đêm trước quên không học bài nên giờ kiểm tra không làm được, bị điểm kém - bé nhận lỗi và cố gắng học tốt hơn… Trẻ cần biết đâu là giới hạn được phép để có cách ứng xử tích cực, từ đó sẽ giảm dần việc nói dối để giấu lỗi.
ThS tâm lý Lê Lan Vy