Nhiều trẻ nhập viện vì sốt xuất huyết, viêm màng não

24/06/2024 - 06:18

PNO - Mùa hè, khi có vài cơn mưa, muỗi sinh sôi nhiều, dịch sốt xuất huyết dễ lây lan. Bên cạnh đó, nhiệt độ tăng cao cũng làm bệnh viêm màng não gia tăng. Thời gian gần đây, nhiều trẻ mắc sốt xuất huyết và viêm màng não diễn tiến nặng phải nhập viện.

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Đình Qui - Quyền điều hành Khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TPHCM) - cho biết số ca sốt xuất huyết và viêm màng não đang gia tăng. Nếu không kịp thời có biện pháp phòng ngừa thì sắp tới bệnh có nguy cơ bùng phát thành dịch

Bác sĩ đang khám cho các trẻ bị sốt xuất huyết và viêm màng não điều trị  tại Khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 2
Bác sĩ đang khám cho các trẻ bị sốt xuất huyết và viêm màng não điều trị tại Khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 2

.
Viêm màng não do vi khuẩn đường tiêu hóa

Hiện Khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 2 đang điều trị cho khoảng 20 ca viêm màng não, mỗi ngày có từ 1-2 ca mới nhập viện. Do bệnh này kéo dài nên thời gian bệnh nhi nằm viện điều trị khá lâu.

Bệnh viện đang điều trị cho 1 trường hợp viêm màng não do vi khuẩn E.coli (một loại vi khuẩn đường ruột). Bệnh nhi mới chỉ 3 tháng tuổi diễn tiến nặng, tụ mủ dưới màng cứng, đang được theo dõi và điều trị tích cực. Từng có những trường hợp viêm màng não do E.coli kháng cả thuốc, phải can thiệp ngoại khoa.

Một trường hợp viêm màng não nữa là bé trai H.P. - 4 tuổi, quê ở Long Thành, tỉnh Đồng Nai - vừa nhập viện. Anh H.V.Đ. - cha của bé - cho biết lúc 15g ngày 18/6, bé đang đi học thì kêu nhức đầu, được gia đình đón về. Thấy P. không sốt nên cha mẹ cho bé nằm nghỉ ngơi.

Tới 17g, anh Đ. đưa bé đi phòng khám tư gần nhà và mua thuốc về uống nhưng sau đó bé ói liên tục. Đến 3g sáng 19/6, cha mẹ quyết định đưa con đi Bệnh viện Nhi Đồng 2 cấp cứu. Sau vài ngày nhập viện theo dõi và điều trị, sức khỏe bé đã cải thiện nhiều.

Theo gia đình, bé P. đã tiêm ngừa vắc xin đầy đủ nhưng không ngờ vẫn mắc bệnh viêm màng não. Bác sĩ Nguyễn Đình Qui cho biết, vắc xin không bảo vệ trẻ tuyệt đối khỏi bệnh viêm màng não nhưng khi bị bệnh sẽ nhẹ và mau hồi phục hơn các trường hợp chưa chích ngừa.

Trẻ viêm màng não ít khi được phụ huynh nhận biết sớm. Bệnh này có dấu hiệu đặc trưng là trẻ sẽ đau đầu, nôn ói, người nhà sờ thóp của những bé nhũ nhi thấy phồng lên. Đối với trẻ lớn, ngoài đau đầu thì cổ sẽ cứng.

Bệnh viêm màng não tăng hay giảm phụ thuộc vào các yếu tố như tiêm ngừa đầy đủ không và những tác nhân đến từ yếu tố bên ngoài xâm nhập vào hệ tiêu hóa, đường máu rồi đi lên não. Có rất nhiều tác nhân gây viêm màng não nặng bao gồm cả vi khuẩn, vi rút, nấm… Phòng ngừa bệnh bằng cách tiêm ngừa đầy đủ (mũi 5 trong 1 và phế cầu), đeo khẩu trang, vệ sinh tay sạch sẽ, hạn chế đưa trẻ tới những nơi đông người.

Nhiều ca sốt xuất huyết nặng

Sau vài cơn mưa, nhiều trẻ đã phải nhập viện vì bệnh sốt xuất huyết. Trong đó, có trường hợp nặng, sốc, phải truyền dịch. Ngày 20/6, Khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 2 đang điều trị cho 7 ca sốt xuất huyết trong đó có 4 ca có dấu hiệu cảnh báo diễn tiến nguy hiểm. Những ca này thường có chung bệnh cảnh sốt ngày thứ ba, thứ tư, nôn ói, đau bụng. Khi trẻ nhập viện, kết quả xét nghiệm cho thấy tình trạng cô đặc máu.

Nếu trẻ bị cô đặc máu mà không được đánh giá đúng và can thiệp kịp thời thì dễ lâm vào tình trạng sốc vì dịch thất thoát ra ngoài lòng mạch. Một trong những kinh nghiệm cần lưu ý là phụ huynh thấy con đang sốt cao bỗng giảm sốt nhưng đừ thì tưởng là trẻ đang hồi phục, để trẻ ở nhà chứ không đưa đi bệnh viện. Từ đó, trẻ dễ diễn tiến nặng, không được phát hiện kịp thời dẫn tới sốc, nguy hiểm tính mạng.

Chị N.T.D. - 42 tuổi, ngụ tỉnh Bình Phước - có 2 con trai là bé L.N.P. (12 tuổi) và L.G.P. (6 tuổi) đều đang điều trị sốt xuất huyết tại Bệnh viện Nhi Đồng 2. Trước đó, 2 bé cùng bị sốt cao, được gia đình đưa đi khám và theo dõi ở phòng khám tư gần nhà.

Tuy nhiên, vài ngày sau, chỉ số tiểu cầu của các bé vẫn rất thấp nên được khuyên nhập viện. Từ ngày nhập viện 17/6 đến nay, tình trạng của bé G.P. trở nặng hơn, dấu hiệu máu cô đặc gia tăng nên được truyền dịch, theo dõi, đề phòng nguy cơ bị sốc.

Bác sĩ Nguyễn Đình Qui khuyến cáo, tới tháng Bảy, tháng Tám, các ca sốt xuất huyết có thể bùng lên thành dịch, do đó người dân cần tuân thủ các biện pháp phòng ngừa.

Cụ thể, hãy vệ sinh nhà cửa, cọ rửa dụng cụ chứa nước, lật úp, phát quang bụi rậm quanh nhà và cho trẻ mặc áo dài tay, thoa dầu chống muỗi, ngủ mùng. Khi thấy trẻ đang sốt cao, đột ngột giảm sốt nhưng vẫn đừ thì chớ chủ quan bởi đây là dấu hiệu trở nặng của bệnh sốt xuất huyết. Lúc này, phụ huynh cần đưa trẻ đi khám ngay để can thiệp kịp thời.

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEsongkhoevi /strCate=songkhoe

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEalobacsivi /strCate=alobacsi

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEgocdongyvi /strCate=gocdongy
TIN MỚI

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEsuckhoevi /strCate=suckhoe