Nhiều trẻ nhập viện do cha mẹ dọn dẹp nhà cửa đón Tết

21/01/2020 - 07:59

PNO - Cận Tết Nguyên đán, phụ huynh tất bật dọn dẹp nhà cửa, ít thời gian trông trẻ. Lơ là trong tích tắc, trẻ có thể gặp nguy hiểm bất kỳ lúc nào.

Càng gần đến Tết, trẻ đến cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 đang có dấu hiệu tăng lên.
Càng gần đến Tết, trẻ đến cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 đang có dấu hiệu tăng lên

Bé P.N.T.K. (2 tuổi, nhà ở quận 10) được người nhà đưa đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng hoảng loạn. Bé sợ hãi, khóc thét trong tiếng cầu cứu của mẹ. Khi bác sĩ hỏi mới biết, trước xảy ra tai nạn một ngày, mẹ của bé mua dầu lửa về tẩy vết kẹo cao su ở sàn nhà và trên ghế sofa. Sau tẩy rửa, chị lấy chai nước ngọt màu đỏ ra đựng phần còn dư và để ở góc nhà.

“Tôi đã cẩn thận để phía sau cánh cửa, trong chiếc thùng giấy, nhưng không hiểu sao bé K. lại đi ra phía sau nhà chơi, tìm được cái chai nước đó. Lúc tôi phát hiện, bé đang ngậm vào chai nước ngọt, dầu lửa đổ ướt cổ áo. Tôi liền lấy lại chai nước, đưa bé vào bệnh viện”, mẹ bé K. nói. Tuy bé K. vẫn còn tỉnh táo, nhưng ho sặc sụa, thở nhanh, gấp gáp nên được nhập viện theo dõi viêm phổi.

Không may mắn như bé K., bé trai T.M.L. (3 tuổi, ở An Giang) được chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố nghi bị ngộ độc hóa chất nhưng không rõ là loại chất nào. Vừa vào bệnh viện, bé L. đã ngưng tim, ngưng thở, đồng tử giãn, sắc mặt đỏ ửng, các bác sĩ lập tức nhồi tim, hồi sức tích cực cho bé.

Qua khai thác bệnh sử, bác sĩ được biết bé L. đang ngồi chơi, bỗng nhiên bị xỉu rồi hôn mê, người nhà thấy một chai nước ngọt bên cạnh, nước có màu hơi ngả vàng nhưng không biết đó là nước gì. Sau đó, mẹ bé nói bé nhặt chai nước trong một bãi rác gần tiệm vàng. 

Bác sĩ cho bé thực hiện tiếp các xét nghiệm liên quan, phát hiện bé L. đã uống xyanua kali, một loại hóa chất dùng trong tẩy rửa trang sức. Các bác sĩ lập tức đặt nội khí quản, truyền thuốc giải cứu bé trong gang tấc. Do bệnh viện tuyến dưới đã thực hiện tốt những cấp cứu cần thiết, bé L. không bị các di chứng về sau.

Đa số trẻ bị ngộ độc đều uống nhầm hóa chất được đựng trong chai nước ngọt.
Đa số trẻ bị ngộ độc đều uống nhầm hóa chất được đựng trong chai nước ngọt

Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến - Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cho biết, các loại hóa chất thuộc gốc xyanua hầu hết đều không mùi không vị, phá hủy rất nhanh các tế bào, gây tử vong rất cao nếu uống phải nên có thể xem xyanua là chất cực độc, ngang hàng với thạch tín. Trên thực tế, có những trẻ uống nhầm loại hóa chất này, không kịp đưa đến bệnh viện, người nhà chỉ nghĩ con mình đột tử chứ không rõ nguyên nhân. Vì vậy, khi sử dụng, người lớn phải hết sức cẩn trọng, tránh xa tầm tay trẻ và nên dùng dụng cụ thích hợp để chứa đựng.

Bác sĩ Tiến nói thêm, chất xyanua còn có trong củ mì, sắn, măng tre, hạt đào, hạt mơ, hạt táo... nên nhiều người ăn sắn khi bụng đói dễ bị say. Tùy thành phần, xyanua có thể đi vào cơ thể qua đường hô hấp hoặc ăn uống. Khi vào cơ thể, chúng bám chắc vào các tế bào, ngăn cản các tế bào tiếp xúc với oxy khiến tế bào chết đi nhanh chóng dẫn tới tử vong. Vì vậy, nếu bỗng nhiên thấy trẻ thở mệt, nôn ói, đau đầu, nhịp tim nhanh, rối loạn tri giác, đi đứng loạng choạng, ngất xỉu, đáng lẽ sẽ chuyển sang tím tái thì mặt đỏ lên… có thể trẻ đã bị trúng độc. 

Lúc này, phụ huynh phải đưa ngay trẻ đến bệnh viện, mang theo chai hóa chất hoặc thông báo với bác sĩ ngay để trẻ được cấp cứu đúng cách. Nếu chậm trễ, dù trẻ được cứu sống cũng có nguy cơ bị tổn thương tim, não và thần kinh khó hồi phục.

Bác sĩ Tiến cho biết, xyanua là một trong những loại hóa chất cực độc mà trẻ có thể uống phải.
Bác sĩ Tiến cho biết, xyanua là một trong những loại hóa chất cực độc mà trẻ có thể uống phải

Bác sĩ Đinh Tấn Phương - Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM- cảnh báo: càng cận Tết, tai nạn ở trẻ em càng nhiều. Số lượng trẻ đến cấp cứu cũng tăng nhanh.

Ngoài xyanua, những loại hóa chất khác như dầu lửa, xăng, sơn,… cũng để lại di chứng khó lường. Vì vậy, khi nghi ngờ trẻ uống nhầm hóa chất, nên lập tức đưa trẻ đến bệnh viện càng sớm càng tốt, do hầu hết các bệnh viện đều có thuốc giải. Người lớn không tự ý ép trẻ nôn ói bằng vỗ lưng, kích thích cổ họng vì sẽ càng kích thích chất độc lan nhanh trong máu, hầu, họng trẻ tổn thương, hoặc sặc hóa chất vào phổi rất nguy hiểm. 

Bên cạnh đó, cha mẹ cần để ý đến những chấn thương do té ngã trong những ngày dọn dẹp nhà cửa đón Tết... dù bệnh viện cảnh báo liên tục.

Theo bác sĩ Phương, trẻ mới biết bò, tập đi rất hiếu động. Ở độ tuổi này, trẻ chưa hiểu hết được sự nguy hiểm lại dễ bị thu hút với những đồ vật nổi bật, trẻ có thể tự tìm đồ ăn, thức uống, nhất là nước ngọt. Thời điểm này trẻ được nghỉ Tết ở nhà, cha mẹ phải tất bật dọn dẹp, sơn sửa nhà cửa nhưng đừng lơ là, bỏ bê trẻ.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI