Nhiều trẻ mắc “mắt lười” nhưng chưa được quan tâm điều trị

01/12/2023 - 11:03

PNO - Nhược thị hay còn gọi là “mắt lười”, là bệnh lý mắt thường bị “bỏ quên” có thể dẫn đến giảm thị lực không thể phục hồi.

Ngày 1/12, Bệnh viện FV cho biết, thời gian gần đây, tỉ lệ bệnh nhi đến khám và điều trị được phát hiện mắc nhược thị (hay “mắt lười”) ngày càng tăng. Đây là tình trạng giảm thị lực xuất hiện trong giai đoạn nhạy cảm của quá trình phát triển thị giác. Giai đoạn nhạy cảm kéo dài từ sau sinh đến 5 tuổi. Bất kỳ nguyên nhân nào xảy ra trong giai đoạn này đều có thể gây nhược thị và thời điểm xuất hiện càng sớm khả năng bị nhược thị càng cao và càng trầm trọng.

Điều trị nhược thị ở trẻ em hiện là lĩnh vực còn bị bỏ trống - Ảnh: N.A.
Điều trị nhược thị ở trẻ em hiện là lĩnh vực còn bị bỏ trống - Ảnh: N.A.

Những nguyên nhân đưa đến nhược thị có thể kể đến như dị tật lé; bất đồng khúc xạ khi chênh lệch giữa hai mắt từ 1 độ trở lên đối với viễn thị và loạn thị, 3 độ trở lên đối với cận thị; những bệnh lý xảy ra ở một hoặc hai mắt gây ra do sự che khuất môi trường trong suốt của mắt như đục thủy tinh thể bẩm sinh, sẹo đục giác mạc, sụp mi nặng, xuất huyết tiền phòng, đục dịch kính nặng…

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Mai, Trưởng khoa Mắt và Phẫu thuật khúc xạ, Bệnh viện FV, nhược thị có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Tuy nhiên, căn bệnh này hầu như bị bỏ quên và thiếu cơ sở y tế triển khai dịch vụ điều trị nhược thị chuyên sâu. Điều này bở lỡ cơ hội phục hồi thị lực cho các bé mắc nhược thị được điều trị trong “giai đoạn vàng”.

Chuyên viên khúc xạ nhãn khoa Bệnh viện FV hướng dẫn trẻ thực hành bài tập nhược thị - Ảnh: N.A.
Chuyên viên khúc xạ nhãn khoa Bệnh viện FV hướng dẫn trẻ thực hành bài tập nhược thị - Ảnh: N.A.

“Quá trình hình thành và phát triển thị giác của trẻ diễn ra từ lúc sơ sinh cho tới khoảng 12 tuổi. Nhiều nghiên cứu cho thấy nhược thị do lé có thể hồi phục nếu can thiệp điều trị trước 9 tuổi, nhược thị do bất đồng khúc xạ có thể hồi phục tốt nếu can thiệp điều trị trước 12 tuổi. Do đó đối với trẻ bị nhược thị dưới 12 tuổi, việc điều trị là bắt buộc vì có khả năng hồi phục.

Các trẻ từ 12 tuổi trở lên vẫn có khả năng hồi phục nhưng không cao. Những trẻ này vẫn nên điều trị thử nếu trước đó trẻ chưa từng được điều trị. Trẻ bị nhược thị không được điều trị thì khi trưởng thành có thị lực rất kém. Việc triển khai dịch vụ điều trị nhược thị cho trẻ em vì thế mang một ý nghĩa cộng đồng đặc biệt, giúp trẻ nhược thị có cơ hội có được đôi mắt sáng bình thường”, bác sĩ nói.

Theo thống kê từ trường Đại học Y Hà Nội năm 2019, có khoảng 3 triệu trẻ em Việt Nam bị nhược thị, một chứng bệnh về mắt thường bị “bỏ quên”. Nhược thị có thể dẫn đến giảm thị lực không thể phục hồi nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời trong giai đoạn vàng ở độ tuổi từ 4-12 tuổi.

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI