Nhiều trẻ không có giấy khai sinh vì thiếu tiền nộp phạt "tự nguyện”

27/02/2017 - 13:00

PNO - Nhiều trẻ đến tuổi đi học ở xã Võ Liệt (huyện Thanh Chương, Nghệ An) vẫn chưa có giấy khai sinh vì cha mẹ không có tiền nộp phạt “tự nguyện” khi vi phạm cam kết không sinh con thứ ba.

Anh Nguyễn Văn Chinh (33 tuổi, trú xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương, Nghệ An) kể lại, ngày 14/2, anh lên UBND xã Võ Liệt để làm giấy khai sinh cho con trai hơn 20 ngày tuổi của mình. Anh được hướng dẫn sang gặp cán bộ dân số để “tự nguyện” đóng 2 triệu đồng rồi mới được làm giấy khai sinh với lý do sinh con ngoài kế hoạch.

Nhieu tre khong co giay khai sinh vi thieu tien nop phat
Hai cháu gái đã lên 3 và 7 tuổi nhưng chị Lan vẫn chưa dám đưa các cháu đi làm giấy khai sinh.

Do không có tiền nộp, anh đành quay về tay không. Hai ngày sau, anh tiếp tục lên để làm giấy khai sinh cho con vẫn bất thành.

Theo anh Chinh, nếu không đóng phạt 2 triệu đồng thì những trẻ sinh con ngoài kế hoạch sẽ không được làm giấy khai sinh. Nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn, nên 1, 2 tuổi mới được cha mẹ đưa đi làm giấy khai sinh.

Thậm chí, nhiều gia đình có con 3, 4 tuổi vẫn chưa đưa các cháu đi khai sinh vì hoàn cảnh khó khăn, không có tiền nộp “tự nguyện” nên không có tiền đi học mẫu giáo.

“Hai triệu đồng đối với người dân chúng tôi là khoản tiền lớn, nghe nói không có tiền thì có lên xã cũng chẳng làm được giấy khai sinh được nên nhiều người không đi luôn. Chờ khi nào vay mượn được tiền mới đưa con đi làm khai sinh”, anh Chinh nói.

Nhieu tre khong co giay khai sinh vi thieu tien nop phat
Gia cảnh khó khăn, con lại đông nên chị Lan đành chấp nhận 2 đưa con không giấy tờ, đi học.

Cũng như trường hợp của anh Chinh, sau 2 lần lên xã làm giấy khai sinh cho con gái bất thành, đến nay cháu Phạm Thị Tâm đã 4 tuổi nhưng chị Bùi Thị Sáu vẫn chưa thể cho con đi học mẫu giáo vì không có giấy khai sinh.

“Năm 3 tuổi, cháu nó đã đòi đi học cùng với chị 5 tuổi, nhưng mà không có giấy khai sinh nên không đăng ký học cho nó được. Chúng tôi cũng 2 lần lên xã làm giấy khai sinh rồi nhưng thiếu tiền nộp đành chịu”, chị Sáu nói.

Oái ăm hơn, vợ chồng chị Phan Thị Lan (37 tuổi) và anh Nguyễn Văn Thế (trú xã Võ Liệt) có với nhau 4 đứa con thì đến nay mới chỉ có 2 cháu đầu có giấy khai sinh và đi học. Hai bé gái sau dù  đã 7 và 3 tuổi vẫn chưa có giấy khai sinh, chưa được đi học.

Thuộc diện hộ nghèo từ nhiều năm qua, hai vợ chồng không có việc làm ổn định, sáu miệng ăn trong nhà chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng và chút tiền từ công việc làm mướn của chị Lan. Người mẹ 4 con này lý giải, không có tiền đóng phạt nên chưa đi làm khai sinh cho các cháu.

“Ai cũng bảo không có tiền thì có lên cũng chẳng làm được khai sinh. Nhà có chi mô, tháng chắt chiu lắm mới đủ ăn qua bữa với nộp tiền học cho 2 đứa đầu, giờ kiếm mô 2 triệu đông mà nộp chứ”, chị Lan than thở.

Trao đổi về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thủy, cán bộ Dân số - Kế hoạch hóa gia đình xã Võ Liệt, cho biết, do tỉ lệ sinh con thứ 3 của xã còn cao nên hàng năm xã đều vận động người dân ký bản cam kết thực hiện chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình.

Nhieu tre khong co giay khai sinh vi thieu tien nop phat
Cháu Tâm lên 4 tuổi nhưng vẫn chưa thể học mẫu giáo vì không có giấy khai sinh.

Theo đó, các hộ gia đình nếu vi phạm chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình thì tự nguyện đóng góp một khoản kinh phí ít nhất 2 triệu đồng cho ban Dân số - Kế hoạch hóa gia đình xã, góp phần đầu tư cho công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình của địa phương.

“Chúng tôi vận động người dân thực hiện đúng với cam kết của mình chứ không bắt buộc ai cả. Việc phải đóng phạt 2 triệu đồng mới được làm giấy khai sinh cho con là hoàn toàn không chính xác. Có người không ký bản cam kết này nhưng khi sinh con thứ 3 họ vẫn tự nguyện vào đóng một triệu đồng cho quỹ dân số đó chứ”, bà Thủy nói.

Ông Trình Văn Nhã, Phó chủ tịch UBND huyện Thanh Chương cho biết, sau khi nhận được phản ánh, huyện này sẽ chỉ đạo rà soát lại toàn huyện để kiểm tra. Nếu phát hiện sai phạm sẽ xử lý dứt điểm.

Thành Trung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI