Nhiều trẻ hóc dị vật đường thở nghiêm trọng

24/04/2024 - 13:53

PNO - Từ đầu năm tới nay, Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TPHCM) đã điều trị cho 13 trường hợp trẻ hóc dị vật đường thở, trong đó có những trường hợp rất nghiêm trọng.

Lần đầu tiên phải rạch khí quản

Ngày 23/4, bác sĩ chuyên khoa 1 Lê Thị Thanh Thảo - Phó khoa Hô hấp 1 Bệnh viện Nhi Đồng 2 - cho biết: đơn vị vừa tiếp nhận 2 trường hợp hóc dị vật nghiêm trọng. Nếu nhập viện chậm trễ hơn chút nữa, các bệnh nhi phải đối diện với nhiều nguy cơ, thậm chí là tử vong.

Ngày 9/4, bé trai T.V.T. (7 tuổi, ngụ tại tỉnh Bình Thuận) trong lúc đùa giỡn ở nhà đã sặc nắp nhựa của bút bi. Ngay lập tức, bé ho dữ dội, thở khó, thở rít. Bé được gia đình đưa đi cấp cứu tại bệnh viện địa phương. Nhận thấy đây là ca hóc dị vật đường thở phức tạp, bệnh viện đã chuyển T. đến Bệnh viện Nhi Đồng 2 ngay trong ngày. Sau khi thăm khám, bác sĩ phát hiện dị vật mắc ở vị trí hạ thanh môn, sau đó nằm trong khí quản của bệnh nhân. Do vùng hạ thanh môn của bệnh nhi phù nề nặng nên quá trình gắp dị vật gặp nhiều khó khăn.

Bác sĩ Lê Thị Thanh Thảo - Phó khoa Hô hấp 1 Bệnh viện Nhi Đồng 2 - đang kiểm tra tình trạng sức khỏe của bé T.V.T.
Bác sĩ Lê Thị Thanh Thảo - Phó khoa Hô hấp 1 Bệnh viện Nhi Đồng 2 - đang kiểm tra tình trạng sức khỏe của bé T.V.T.

Bệnh nhi đã phải trải qua 3 lần nội soi. Các bác sĩ đã phải sử dụng kỹ thuật xẻ khí quản mới có thể lấy được dị vật ra. Ca mổ cần sự phối hợp của các bác sĩ Khoa Hô hấp 1 và Khoa Tai - mũi - họng. Bác sĩ Lê Thị Thanh Thảo nhận định: bé T. may mắn còn sống được khi chuyển tới bệnh viện là nhờ đáy của nắp chiếc bút bi hình rẻ quạt, vẫn có lỗ thông nên đường thở chưa bị bít tắc hoàn toàn. Đây được coi là yếu tố vô cùng may mắn. Tuy nhiên, do phải xẻ khí quản nên về sau này bệnh nhi vẫn phải đối diện với nguy cơ bị sẹo gây hẹp khí quản. Lúc đó, bệnh nhi cần được can thiệp bằng phương pháp nong khí quản.

Đây là trường hợp hóc sặc dị vật đường thở đầu tiên phải rạch khí quản để cấp cứu ở bệnh viện này. Thông thường, những ca gắp dị vật đường thở thành công chỉ cần nằm viện từ 1-2 ngày. Riêng bé T. nằm viện tới nay đã 2 tuần.

Tràn khí dưới da do sặc nắp cục gôm

Trong lúc chơi đùa với anh chị em trong nhà, bé gái N.N.Đ. (6 tuổi, ngụ tại tỉnh Bình Dương) đã cắn cục gôm. Cục gôm có gắn với một nắp nhựa để tiện cầm khi sử dụng. Không may, bé đã sặc nắp nhựa này vào đường thở. Ngay sau đó, bé ho sặc sụa và khó thở dữ dội. Cha mẹ nhận thấy vùng ngực và cổ của bé căng phồng lên. Đây là biến chứng bị tràn khí dưới da, làm bé suy hô hấp rất nặng, tím tái. Khi vào tới Bệnh viện Nhi Đồng 2, bé Đ. đã được nội soi gắp dị vật và dẫn lưu khí giúp dễ thông khí đường thở hơn. Nếu tới trễ, tình trạng tràn khí dưới da và tràn khí trung thất nhiều thêm nữa bé sẽ bị suy hô hấp nặng, thậm chí tử vong.

Bác sĩ Lê Thị Thanh Thảo cho biết có không ít trường hợp trẻ hóc dị vật được đưa tới bệnh viện quá trễ do người nhà chủ quan. Có bé gái bị ho kéo dài từ tết tới nay. Người mẹ cho biết trong dịp tết bé đã bị sặc hạt dưa. Từ đó, bé cứ ho khò khè, thường xuyên đi khám bệnh hô hấp. Tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, bác sĩ Lê Thị Thanh Thảo phát hiện bệnh nhi có dị vật là hạt dưa ở trong phổi gây viêm phổi tái đi tái lại.

Đối với dị vật gây bít tắc toàn phần đường thở thì thời gian vàng để giải cứu bệnh nhi chỉ trong vòng từ 3-5 phút. Còn như trường hợp của 2 bệnh nhi kể trên, dị vật chưa gây tắc hoàn toàn đường thở nên mới có thời gian để di chuyển từ nhà tới bệnh viện. Ngay sau thời điểm hóc dị vật, trẻ sẽ xuất hiện hội chứng xâm nhập, ho sặc dữ dội. Nếu may mắn, trẻ ho được ra dị vật thì hết mệt. Nếu chẳng may dị vật kẹt vào đường thở, trẻ sẽ tím tái, có thể suy hô hấp.

Nhiều phụ huynh vẫn xử trí sai khi thấy con hóc dị vật. Chẳng hạn như cha mẹ dùng tay cố móc dị vật ra nhưng vô tình lại đẩy dị vật vào sâu hơn trong đường thở. Bác sĩ Lê Thị Thanh Thảo khuyên khi thấy trẻ hóc dị vật, trước tiên người lớn phải bình tĩnh, trấn an trẻ. Nếu dị vật cạn ở ngoài, nhìn thấy thì có thể dùng dụng cụ gắp dị vật ra. Trong trường hợp dị vật đã vào sâu hơn, với trẻ nhỏ dưới 1 tuổi cần sơ cứu bằng cách vỗ lưng ấn ngực, trẻ lớn dùng kỹ thuật Heimlich để tạo áp lực từ cơ hoành, đẩy dị vật ra.

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI