Nhiều trẻ đái tháo đường nguy kịch vì bỏ điều trị

19/04/2022 - 06:19

PNO - Nhiều trẻ chưa tuân thủ điều trị đái tháo đường do sự chủ quan từ phụ huynh. Đặc biệt, không ít trẻ bị sang chấn tâm lý do phải chích máu đo đường huyết đầu ngón tay theo phương pháp thủ công từ 5 - 7 lần/ngày. Từ đó khiến không ít trẻ ngưng điều trị giữa chừng dẫn tới các biến chứng nguy kịch.

Hôn mê vì tự ngưng điều trị

Tiến sĩ - bác sĩ Huỳnh Thị Vũ Quỳnh, Trưởng khoa Thận - Nội tiết Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TPHCM), cho biết gần đây liên tiếp ghi nhận các trường hợp trẻ em nhập viện do biến chứng nghiêm trọng từ bệnh đái tháo đường.

Điển hình là bé trai T.T.M.T., 13 tuổi, nhà ở tỉnh Trà Vinh, chẩn đoán đái tháo đường tuýp 1 đang tiêm thuốc insulin. Bé từ Trà Vinh theo cha mẹ lên TPHCM du lịch, bỏ quên thuốc chích nên ngưng tiêm insulin một tuần. Vì tự ý ngưng thuốc nên bé bị mệt, lúc gia đình đưa nhập viện đã trong trạng thái hôn mê, toan chuyển hóa nặng, sốc, trong máu có thể ceton phải điều trị tích cực bằng cách thở máy, truyền dịch, truyền insulin. Trường hợp của bé T. là do sự chủ quan của người lớn, chưa đánh giá đúng mức độ nghiêm trọng của việc tự ý ngưng thuốc đối với tình trạng bệnh lý của con mình.

Bác sĩ Huỳnh Thị Vũ Quỳnh đang khám cho một bệnh nhi bị đái tháo đường - ẢNH: T.T.
Bác sĩ Huỳnh Thị Vũ Quỳnh đang khám cho một bệnh nhi bị đái tháo đường - Ảnh: T.T.

Một trường hợp khác cũng là hậu quả của việc tự ý ngưng điều trị đái tháo đường ở trẻ em. Bệnh nhi là bé gái B.V.A., bảy tuổi, nhà ở tỉnh Gia Lai. A. được chẩn đoán đái tháo đường tuýp 1, đang điều trị insulin. A. được xuất viện về nhà, bị vỡ lọ thuốc nhưng gia đình chủ quan nghĩ chắc không tới mức nghiêm trọng nên ngừng điều trị hai tuần.

Sau đó, A. diễn tiến mệt, thở nhanh, tri giác lơ mơ nên nhập Bệnh viện Nhi Đồng 2. Bệnh nhi được chẩn đoán nhiễm toan ceton đái tháo đường, cũng phải điều trị tích cực bằng thở ô-xy, truyền dịch và insulin. May mắn cả bé T. và A. đều được cứu qua khỏi giai đoạn biến chứng cấp tính. Sau cơn nguy kịch, bác sĩ đã điều chỉnh liều insulin phù hợp để kiểm soát đường huyết nhằm phòng ngừa biến chứng lâu dài cho các bé.

Thêm trường hợp nữa là bé N.T.V., 14 tuổi, ngụ tại tỉnh Đồng Nai. V. được chẩn đoán đái tháo đường tuýp 2 đang điều trị Metformin, đường huyết kiểm soát tốt. Tuy nhiên, do dịch COVID-19, bé bỏ tái khám trong sáu tháng. Người nhà tự mua thuốc cho bé uống trong thời gian dài và không theo dõi đường huyết định kỳ, chỉnh liều thuốc phù hợp.

Đầu tháng 4/2022, bệnh nhi đến Bệnh viện Nhi Đồng 2 tái khám với chỉ số đường huyết không được kiểm soát tốt (HbA1C 13.4%). Đường huyết không được kiểm soát tốt một thời gian dài có thể thầm lặng ảnh hưởng đến thận, mạch máu, mắt, thần kinh… dẫn đến các biến chứng như bệnh thận mạn, bệnh lý võng mạc gây mù lòa, tổn thương thần kinh gây tiêu tiểu không tự chủ, liệt thần kinh sọ, mất cảm giác da nên bệnh nhân dễ bị tổn thương bàn chân cộng thêm cơ địa dễ nhiễm trùng, các mạch máu bị tổn thương làm tăng nguy cơ bị loét bàn chân có thể phải đoạn chi.

Sang chấn tâm lý dẫn tới bỏ điều trị 

Bên cạnh việc xuất phát từ tâm lý chủ quan dẫn tới làm gián đoạn điều trị ở trẻ em bị đái tháo đường thì một nguyên nhân góp phần đáng kể vào tình trạng bỏ tái khám ở nhóm bệnh nhi này là sang chấn tâm lý do phải chích máu đầu ngón tay quá nhiều lần để đo đường huyết.

Trong hội thảo diễn ra ngày 24/3 tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Đức Quang, Trưởng khoa Thận - Nội tiết, đã thống kê tình hình khám bệnh đái tháo đường tuýp 1 tại bệnh viện này.

Qua đó cho thấy, tỷ lệ bỏ tái khám chung là 81,2% (bỏ tái khám do dịch COVID-19 là 54,88%). Các rào cản của bệnh nhân mắc đái tháo đường tuýp 1 trong việc theo dõi và điều trị bệnh được bác sĩ Quang kể đến là khoảng cách địa lý khiến việc đi lại khó khăn, phải tiêm thuốc nhiều cữ trong ngày, chi phí cao (bao gồm chi phí đi lại, que thử, thuốc, vật tư) và đặc biệt là sang chấn tâm lý khi phải chích máu thử đường nhiều lần trong ngày. 

Còn theo bác sĩ Quỳnh, gần đây với sự gia tăng tỷ lệ trẻ em bị thừa cân, béo phì, tỷ lệ đái tháo đường tuýp 2 ở trẻ em cũng gia tăng. Trước kia, tỷ lệ đái tháo đường tuýp 1: tuýp 2 là 90% : 10% thì hiện nay là 60% : 40%. Trung bình mỗi tháng, Bệnh viện Nhi Đồng 2 phát hiện khoảng năm trường hợp đái tháo đường mới. Bệnh viện đang quản lý khoảng 250 trẻ đái tháo đường.

Bác sĩ Quỳnh cho rằng theo dõi đường huyết ở trẻ đái tháo đường vô cùng quan trọng. Bệnh nhân cần được theo dõi đường huyết đói trước các bữa ăn, đường huyết sau ăn hai giờ, đường huyết trước ngủ, đường huyết lúc 2g sáng. Do đó, nếu sử dụng phương pháp thủ công chích máu đầu ngón tay thì một ngày trẻ có thể phải thử đường huyết 6 - 7 lần. Điều này ít nhiều ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ, vì thế đôi khi bệnh nhi sẽ không hợp tác. Các bác sĩ khuyến cáo trẻ thử đường huyết tích cực trong giai đoạn đang chỉnh liều insulin. Lúc đường huyết kiểm soát tốt, tần suất thử đường huyết có thể giãn ra.

Hiện nay, có các thiết bị đo đường huyết liên tục trên da bệnh nhân giúp bệnh nhân có thể theo dõi đường huyết tất cả các thời điểm trong ngày. Các bác sĩ cũng như bệnh nhân có thể biết được xu hướng thay đổi đường huyết trong ngày, đặc biệt là đường huyết trong đêm, mức độ về dao động đường huyết có nhiều hay không, tỷ lệ phần trăm đường huyết trong mục tiêu. Nhờ cách này, các bác sĩ sẽ có kế hoạch điều trị thích hợp để kiểm soát đường huyết tốt hơn nhằm tránh biến chứng về sau cho người bệnh. 

Thanh Huyền

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI