Nhiều trẻ biết bơi vẫn bị đuối nước

29/08/2022 - 06:30

PNO - Theo thống kê của Cục Trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội có khoảng 30% trẻ em từ 6-14 tuổi biết bơi. Đáng lưu ý, có đến 2/3 trường hợp trẻ bị đuối nước tử vong trong lúc tắm ao, hồ, sông suối, tắm biển mà không có người lớn đi kèm.


Giữa tháng 8, hai bé trai (11 tuổi, ở quận Gò Vấp, TPHCM) rủ nhau đi bơi hồ gần nhà. Do cả hai bé đều đã biết bơi nên người lớn không đi cùng. Trong lúc bơi, hai bé có qua hồ người lớn, sâu hơn 2m và cùng lặn xuống hồ. Không ngờ, cả hai bất tỉnh dưới đáy hồ. Một lúc sau, nhân viên cứu hộ mới phát hiện, đưa hai bé lên bờ. Thấy hai bé đã hôn mê, tay chân lạnh, gần như ngưng thở, nhân viên đưa các bé đến Bệnh viện Nhi Đồng 2 TPHCM cấp cứu.

Hiện tại, một bé đã qua nguy kịch nhưng bị tổn thương não, chưa thể đánh giá được di chứng về sau. Bé còn lại vẫn hôn mê sâu. Gia đình các bé cho biết từ năm 6 tuổi, cả hai đều được đi học bơi và bơi rất giỏi. Các bé cũng thường đi bơi cùng nhau và gia đình đã dặn dò phải cẩn thận khi xuống hồ. 

Dù trẻ bơi giỏi vẫn cần sự giám sát của người lớn - ảnh minh họa internet
Dù trẻ bơi giỏi vẫn cần sự giám sát của người lớn - Ảnh minh họa internet

Tháng trước, trong chuyến du lịch với gia đình, bé H.V.M. (10 tuổi, ở quận 10) cùng anh chị em họ xuống hồ bơi vui chơi. Ban đầu, mẹ của bé ở trên bờ trông. Khoảng hơn 20 phút, chị không thấy bé M. đâu thấy vài bé tắm chung qua hồ bơi khác, chị đi xung quanh tìm kiếm. Quay trở lại hồ bơi ban đầu, mẹ của bé M. hoảng loạn thấy bé nằm bất động dưới hồ. Khi nhân viên khu nghỉ dưỡng vớt bé lên thì bé đã tím tái, không còn hơi thở. Mọi người cố gắng sơ cứu, đưa bé đến bệnh viện tỉnh. Bệnh viện hồi sức tích cực, đặt nội khí quản và chuyển bé đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM cấp cứu nhưng bé đã ngưng tim, ngưng thở.

Theo bác sĩ Đinh Tấn Phương, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM, “đuối nước xảy ra rất nhanh, rất khó cứu nếu phát hiện trễ, trung bình ở người lớn không đến 10 phút, còn trẻ nhỏ không quá 4 phút, trẻ lớn chỉ trên dưới 7 phút hậu quả sẽ nặng nề, thậm chí tử vong. Nếu may mắn được cứu sống, người bị nạn cũng có nguy cơ phải sống thực vật bởi các di chứng từ não, hệ thần kinh”.

Bác sĩ Vũ Hiệp Phát, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi Đồng 2 TPHCM, cho biết trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 5 trường hợp trẻ bị tai nạn sinh hoạt được đưa đến cấp cứu. Trong đó 1-2 trường hợp trẻ đuối nước rất nặng nề. Ngoại trừ những trẻ nhỏ dưới 2 tuổi bị té ngã ở xô, thau chứa nước trong gia đình, thì trẻ bị đuối nước khi tắm ao, hồ, hoặc ở các khu vui chơi có hồ bơi, nơi nghỉ dưỡng có các trò chơi dưới nước cũng đáng báo động.

“Gần đây, số lượng trẻ từ 10-16 tuổi đã biết bơi bị đuối nước chiếm đa số. Đáng buồn là hầu hết các em đã biết bơi thành thạo, có trẻ bơi rất giỏi. Hầu hết các trẻ bơi lội giỏi đều không có sự giám sát của người lớn. Cũng vì bơi giỏi nên các em nghĩ bản thân ứng phó được các tình huống ở hồ nước sâu hay các khúc sông, suối. Đến khi tai nạn xảy ra, lại bị phát hiện, cấp cứu trễ nên tình trạng ngạt nước rất nặng, đã tử vong, hoặc tổn thương thần kinh để lại di chứng nặng nề về sau”, bác sĩ Phát cho biết.

Các bác sĩ lưu ý, sơ cứu ban đầu cho nạn nhân đuối nước rất quan trọng, tuy nhiên phần lớn nạn nhân bị ngạt nước khi đưa đến cấp cứu tại các bệnh viện đã không được sơ cứu hay sơ cứu không đúng cách dẫn đến tử vong hoặc di chứng não. 

Khi phát hiện trẻ bị đuối nước, việc sơ cứu tại chỗ, đúng kỹ thuật vô cùng quan trọng, quyết định sự sống còn, di chứng não sau này của nạn nhân. Người phát hiện cần nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi mặt nước. Đặt nạn nhân nằm chỗ khô ráo, thoáng khí, kiểm tra xem nạn nhân còn thở hay không. Nếu lồng ngực không di động tức là nạn nhân ngưng thở. Lập tức ấn tim ngoài lồng ngực ở nửa dưới xương ức, phối hợp ấn tim và thổi ngạt theo tỷ lệ 15/2 nếu có hai người cấp cứu hoặc 30/2 nếu có một người cấp cứu, trong hai phút. Nếu nạn nhân chưa có dấu hiệu hồi phục phải tiếp tục các động tác cấp cứu này ngay cả trên đường chuyển nạn nhân tới cơ sở y tế. 

Trong tình huống nạn nhân còn tự thở, đặt nạn nhân nằm nghiêng một bên để chất nôn dễ thoát ra ngoài.

Phạm An
 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI