Nhiều trẻ bị viêm loét dạ dày tá tràng do HP

08/11/2024 - 06:20

PNO - Khi trẻ em bị đau bụng, nhiều phụ huynh nghĩ rằng chỉ cần uống thuốc thông thường sẽ hết. Tuy nhiên, đằng sau đó, có thể là dấu hiệu của viêm loét dạ dày do vi khuẩn HP (Helicobacter Pylori).

Biến chứng nghiêm trọng

Thấy con gái 5 tuổi là bé N.X.A. thường xuyên kêu đau bụng sau bữa ăn, mẹ bé là chị T.T.D. (ngụ quận 8, TPHCM) nghĩ con ăn nhiều đầy bụng nên xoa bụng cho mau tiêu, rồi cho uống men tiêu hóa. Tuy nhiên, tình trạng đau bụng không thuyên giảm. Bé ăn uống kém, nôn trớ và uể oải, xanh xao. Gia đình vẫn nghĩ rằng chỉ là đau bụng thông thường và sẽ tự khỏi.

Mãi đến khi bé sốt cao, nôn ra máu và đi ngoài phân đen, gia đình mới hoảng hốt đưa bé đến bệnh viện. Các bác sĩ chẩn đoán bé A. bị viêm loét dạ dày do nhiễm vi khuẩn HP ở giai đoạn nặng. Nếu không điều trị kịp thời, tình trạng của bé có thể trở nên nguy hiểm hơn.

Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Trâm đang khám cho bệnh nhi có dấu hiệu đau vùng thượng vị kéo dài - ẢNH: N.T.
Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Trâm đang khám cho bệnh nhi có dấu hiệu đau vùng thượng vị kéo dài - ẢNH: N.T.

Chị P.T.T. - mẹ của bệnh nhi T.T.B. (13 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM) - kể B. cứ đau bụng âm ỉ ở vùng thượng vị, nhất là vào sáng sớm hoặc sau khi ăn. B. còn bị ợ chua, ợ nóng và chán ăn.

Vợ chồng chị T. nghĩ tình trạng đau bụng của con chỉ thoáng qua, có thể do con áp lực học hành. Cách đây vài ngày, bé hết chịu nổi nên đã được mẹ cho nghỉ học 1 ngày để đi khám. Kết quả cho thấy niêm mạc dạ dày của bé bị tổn thương, nguyên nhân gây viêm loét là do vi khuẩn HP.

Gần đây, bệnh nhi N.K.M. - 14 tuổi, ngụ TP Thủ Đức, TPHCM - vào Bệnh viện Lê Văn Thịnh trong tình trạng đi ngoài phân đen, người uể oải, xanh xao. M. bị đau bụng âm ỉ vùng thượng vị đã vài tuần nay nhưng cố chịu. Kết quả khám xác định bệnh nhi có nhiều ổ viêm loét gây xuất huyết dạ dày do vi khuẩn HP. Qua hỏi thăm tiền sử bệnh, bác sĩ biết được cha và mẹ của M. cũng nhiễm vi khuẩn HP.

Bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Thị Ngọc Trâm - Phó khoa Nhi, Bệnh viện Lê Văn Thịnh - cho biết, mỗi tháng đơn vị mình ghi nhận khoảng 20 trẻ tới khám vì các triệu chứng đường tiêu hóa được phát hiện do vi khuẩn HP. Hầu hết bệnh nhi đều đau bụng vùng thượng vị kéo dài. Có bé bị đau thượng vị đến 6 tháng, lúc tới bệnh viện mới phát hiện bị xuất huyết tiêu hóa kéo dài gây thiếu máu.

Khoảng 10% phát triển thành viêm loét dạ dày tá tràng

Tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, trong năm 2023, có 6.043 trẻ nhập viện vì viêm loét dạ dày tá tràng thì có 786 ca (chiếm 13%) liên quan tới vi khuẩn HP.

Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Thu Thủy - Phó trưởng khoa Tiêu hóa của bệnh viện - trẻ em thường bị nhiễm HP qua đường miệng, do tiếp xúc với người bệnh hoặc qua đồ dùng cá nhân chưa được vệ sinh sạch sẽ. Sau khi nhiễm HP, khoảng 10% bệnh nhi sẽ phát triển thành viêm loét dạ dày tá tràng, thậm chí có thể dẫn đến ung thư dạ dày trong tương lai.

Mỗi ngày, Phòng khám tiêu hóa của bệnh viện tiếp nhận rất nhiều trẻ bị đau bụng kéo dài. Các phụ huynh thường rất lo lắng, muốn con thực hiện nội soi dạ dày - tá tràng. Tuy nhiên, chỉ định nội soi này cần được xem xét bởi bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa sau khi đã khám kỹ, vì đây là thủ thuật xâm lấn, phải gây mê.

Để chẩn đoán nhiễm HP, bác sĩ thường dùng các phương pháp như nội soi sinh thiết, xét nghiệm hơi thở, hoặc xét nghiệm phân. Các bác sĩ chỉ định xét nghiệm HP cho trẻ em khi có dấu hiệu nghi ngờ: đau bụng kéo dài, ợ chua, nôn mửa, hoặc khi nội soi dạ dày phát hiện tổn thương đặc trưng.

Việc điều trị HP thường bằng thuốc kháng sinh kết hợp với các thuốc ức chế tiết a xít. Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Trâm cảnh báo, quá trình điều trị cho trẻ khi bị viêm loét dạ dày bởi vi khuẩn HP cần sự tuân thủ nghiêm ngặt. Bởi trẻ hay quên uống thuốc dẫn tới nguy cơ đề kháng kháng sinh, viêm loét dạ dày tái đi tái lại. Dùng kháng sinh dài ngày cũng khiến bệnh nhi đối diện với các rối loạn tiêu hóa.

Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Thủy cũng lưu ý rằng, không phải trường hợp đau bụng nào ở trẻ em cũng do nhiễm HP. Vì vậy, việc tự ý cho trẻ dùng thuốc kháng sinh để điều trị HP là không nên, có thể gây tác dụng phụ. Nếu trẻ có dấu hiệu bất thường như sốt cao, đau bụng dữ dội, nôn ra máu, cha mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay để được bác sĩ khám và điều trị.

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI