Nhiều trẻ bị biến chứng nghiêm trọng do nhiễm giun, sán

28/11/2024 - 06:03

PNO - Nhiễm ký sinh trùng đường tiêu hóa ở trẻ em không chỉ gây đau bụng, tiêu chảy mà còn tiềm ẩn nhiều biến chứng nguy hiểm. Điều đáng lo ngại là phụ huynh thường nhầm lẫn các triệu chứng này với các bệnh về tiêu hóa thông thường.

Nôn ói ra giun, tắc ruột gây hoại tử

Vừa qua, rất nhiều trẻ em đến Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TPHCM) khám vì bị thiếu máu và gặp các vấn đề về tiêu hóa. Sau khi kiểm tra kỹ lưỡng, bác sĩ phát hiện nguyên nhân là do nhiễm giun, sán.

Bác sĩ  Trần Minh Tiến (Khoa Nhi, Bệnh viện  Lê Văn Thịnh) đang khám cho bệnh nhi bị đau bụng nghi do ký sinh trùng đường tiêu hóa - ẢNH: K.N.
Bác sĩ Trần Minh Tiến (Khoa Nhi, Bệnh viện Lê Văn Thịnh) đang khám cho bệnh nhi bị đau bụng nghi do ký sinh trùng đường tiêu hóa - ẢNH: K.N.

Bác sĩ Trần Minh Tiến (Khoa Nhi của bệnh viện) cho biết: “Tình trạng này khá phổ biến ở trẻ em, đặc biệt tại các nước đang phát triển. Điều đáng lo ngại là nhiều phụ huynh thường nhầm lẫn các triệu chứng này với các bệnh về tiêu hóa thông thường nên đưa con đi khám trễ”.

Trong số các bé bị nhiễm ký sinh trùng đường tiêu hóa, có những ca ở mức độ nặng phải điều trị theo phác đồ riêng. Như trường hợp bé P.M.C. - 4 tuổi, ngụ TP Thủ Đức - thường xuyên nhợn trong cổ họng, nôn ói. Mới đây, bé đã nôn ra cả con giun đũa. Mẹ bé hoảng sợ, vội đưa con đi bệnh viện.

Sau khi kiểm tra, bác sĩ Trần Minh Tiến nhận thấy bé C. bị suy dinh dưỡng, xét nghiệm cho kết quả thiếu máu. Soi phân và dịch ói đều thấy bị nhiễm giun đũa. Bé được kê thuốc điều trị giun đũa theo phác đồ riêng, xử trí tình trạng thiếu máu do nhiễm ký sinh trùng kéo dài. Ngoài bé C. còn có các bé khác bị nhiễm giun kim, giun móc.

Cách đây chưa lâu, Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TPHCM) cũng tiếp nhận một trường hợp bị tắc ruột do giun. Đó là bé trai khoảng 3 tuổi, ở tỉnh Bình Dương, bị sốt, tiêu chảy suốt 2 ngày. Bé được đưa vào bệnh viện tỉnh để điều trị. Tuy nhiên, tình trạng của bé trở nên nghiêm trọng rất nhanh, bị sốc nặng, khó thở, phải đặt ống thở và chuyển lên Bệnh viện Nhi Đồng 2.

Tại đây, các bác sĩ đã cấp cứu và quyết định phẫu thuật ngay. Ruột của bé bị tắc nghẽn do rất nhiều giun đũa và 1 đoạn ruột đã bị hoại tử phải cắt bỏ. Ca phẫu thuật khá phức tạp vì bác sĩ phải rạch ruột ra để lấy hết tổng cộng hơn 100 con giun đũa. Sau phẫu thuật, bé đã hồi phục tốt và ăn uống trở lại từ ngày thứ tư.

Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Nguyễn Hiền Nhân (Khoa Ngoại tổng hợp Bệnh viện Nhi Đồng 2, người tham gia ca phẫu thuật) nhận định: nếu chậm trễ, búi giun có thể dẫn đến tắc ruột hoàn toàn. Tình trạng này gây nguy hiểm đến tính mạng và để lại hậu quả lâu dài.

Nhận biết dấu hiệu để đưa trẻ đi khám kịp thời

Theo bác sĩ Trần Minh Tiến, đau bụng do nhiễm giun, sán có đặc điểm riêng giúp phân biệt với các cơn đau bụng thông thường. Trẻ thường đau bụng quặn từng cơn, vị trí đau chủ yếu quanh rốn và bụng dưới, có thể tái đi tái lại. Triệu chứng này đôi khi tương tự như các vấn đề về tiêu hóa khác, phụ huynh khó nhận biết. Tuy nhiên, nếu giun chui vào ống mật, cơn đau sẽ dữ dội hơn và tập trung ở vùng hạ sườn phải hoặc thượng vị.

Ngoài ra, các triệu chứng đi kèm như chán ăn, đầy hơi, táo bón xen kẽ tiêu chảy, phân có lẫn giun hoặc máu cũng là những dấu hiệu đáng chú ý. Trẻ bị nhiễm giun, sán thường quấy khóc, khó ngủ, ngứa hậu môn, thậm chí có thể nhìn thấy giun ở vùng hậu môn. Trong một số trường hợp, trẻ còn có biểu hiện thiếu máu, da xanh xao, mệt mỏi, nổi mày đay hay phát ban.

Đau bụng do ký sinh trùng gây ra, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm. Ví dụ, giun đũa khi phát triển quá nhiều trong ruột có thể cuộn lại thành búi gây tắc nghẽn, thậm chí chui vào ống mật, tuyến tụy, gây viêm nhiễm và áp xe. Giun còn có thể làm tổn thương niêm mạc ruột, gây chảy máu kéo dài và dẫn đến thiếu máu.

Các loại ký sinh trùng đường tiêu hóa thường gặp ở trẻ em gồm: giun đũa, giun kim, giun tóc và giun móc. Trẻ thường bị nhiễm ký sinh trùng qua đường miệng khi ăn thức ăn hoặc nước uống bị nhiễm trứng giun, do vệ sinh cá nhân không đảm bảo. Đặc biệt, một số loại giun như giun móc có thể xâm nhập qua da khi trẻ đi chân đất ở những nơi đất ẩm.

Bác sĩ Phạm Nguyễn Hiền Nhân cho biết, đối với trường hợp nhẹ, bệnh nhi được điều trị bằng thuốc tẩy giun để loại bỏ ký sinh trùng. Các biện pháp hỗ trợ như giảm đau, truyền dịch và thuốc chống nôn cũng được áp dụng để giúp trẻ dễ chịu hơn và đẩy nhanh quá trình đào thải giun ra ngoài. Trong trường hợp tắc ruột do búi giun quá lớn hoặc có nguy cơ hoại tử ruột, phẫu thuật là lựa chọn không thể tránh khỏi.

Do đó, để phòng tránh bệnh do ký sinh trùng, các bác sĩ khuyên phụ huynh cần tẩy giun định kỳ cho trẻ 6 tháng/lần. Hướng dẫn trẻ rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi chơi, tiếp xúc với đất. Lưu ý cho trẻ ăn chín, uống sôi, hạn chế thức ăn có nguy cơ nhiễm ký sinh trùng như rau sống, thịt tái…

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI